Xe
25/02/2022 13:44 GMT+7

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng

THANH LINH
THANH LINH

Một số nhà sản xuất ôtô lớn nhất đang căng thẳng dõi tình hình ở Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng - Ảnh 1.

Hình ảnh một chiếc ôtô bị hư hại nặng sau cuộc đụng độ ở Ukraine - Ảnh: AP

Các nhà máy của VW, Renault và Stellantis ở Nga đang đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt - trả đũa giữa Nga và các nhà lãnh đạo phương Tây, xoay quanh khủng hoảng Ukraine.

Các nhà sản xuất ôtô bị kẹp giữa mâu thuẫn Nga - phương Tây

Theo Automotive News Europe, Renault Group đáng quan ngại nhất. Renault có cổ phần kiểm soát tại AvtoVAZ, công ty sở hữu Lada - thương hiệu ôtô phổ biến nhất ở Nga. Họ cũng có một nhà máy gần Moscow.

CEO Renault, Luca de Meo, cho biết hầu hết linh kiện phục vụ cho nhà máy Lada có nguồn gốc tại địa phương, điều này sẽ giúp việc sản xuất không bị đình trệ. Nhưng CEO của AvtoVAZ cho biết công ty đang tìm kiếm nguồn cung cấp vi mạch thay thế nhằm đề phòng trường hợp các lệnh trừng phạt của phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine ảnh hưởng đến việc giao hàng tới Nga.

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng - Ảnh 2.

Nhà sản xuất ôtô Nga Avtovaz nổi tiếng với thương hiệu Lada, do Renault của Pháp kiểm soát, đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp chip thay thế trong trường hợp lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế giao hàng cho Nga - Ảnh: Rrnault

VW Group và Stellantis đều có nhà máy ở thành phố Kaluga, cách Moscow 180 km về phía tây nam, trung tâm sản xuất ôtô của Ukraine. VW chế tạo Tiguan, Polo và Skoda Rapid, đồng thời lắp ráp Audi Q7 và Q8 SUV ở đó. Còn Stellantis và Mitsubishi cùng vận hành một nhà máy xuất khẩu xe bán tải sang châu Âu. Thành phố này cũng là nơi đặt nhà máy của các nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn như Continental, Magna và Visteon.

VW, Renault và Stellantis là những cái tên chịu thiệt hại lớn nhất nếu có lệnh trừng phạt. Nhưng họ không phải là những nhà sản xuất ôtô duy nhất trong khu vực. 

Gần đây, Mercedes đã đầu tư hơn 284 triệu đô la vào nhà máy chế tạo E-Class và SUV. BMW không có nhà máy ở Nga, nhưng họ lại có mối quan hệ hợp tác với Avtotor ở Kaliningrad, một trong những nhà sản xuất và lắp ráp ôtô lớn nhất thế giới. 

Toyota và Lexus có 37 đại lý ở Ukraine và nhà máy ở St.Petersburg, Nga.

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng - Ảnh 3.

Mercedes-Benz cũng đang theo dõi sát sao tình hình ở Ukraine - Ảnh: Brabus Russia/YouTube

Người phát ngôn của Mercedes nói với Automotive News Europe: "Chúng tôi rất lo ngại về những diễn biến gần đây, hy vọng rằng không có sự leo thang hơn nữa. Chúng tôi vẫn phải đưa ra kế hoạch dự phòng cho các hoạt động kinh doanh với Nga trong trường hợp có lệnh trừng phạt".

Giá xe có nguy cơ tăng kỷ lục

Đó là những cái tên chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng ngành công nghiệp ôtô toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do Nga đang là một trong những nhà cung cấp kim loại lớn nhất thế giới, bao gồm palladium và niken, được sử dụng phổ biến trong ngành. Theo NBC News, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa phương Tây bằng cách cắt nguồn cung cấp palladium, nhiều khả năng sẽ khiến ngành công nghiệp ôtô bị đình trệ.

Nhà phân tích ôtô Sam Insights cho biết: "Các nhà sản xuất ôtô sẽ phải tìm nguồn cung cấp thay thế hoặc họ sẽ không thể chế tạo xe động cơ đốt trong".

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng - Ảnh 4.

Xe giá đã cao, lại chậm giao hàng vì khủng hoảng thiếu chip, nay tình hình ở Ukraine có "đổ thêm dầu vào lửa"? - Ảnh: Axios

Ngay cả khi Nga không dùng palladium để trả đũa, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã khiến giá kim loại này tăng 50%. Điều này có thể khiến giá ôtô, vốn đang ở mức kỷ lục, có thể tăng trung bình khoảng 150 USD hoặc hơn 200 USD với SUV, bán tải, xe thể thao. NBC quan ngại các nhà sản xuất ôtô hoặc phải nhịn đau chịu lỗ để giữ giá xe, hoặc buộc phải tăng giá bán lẻ.

Xe điện cũng có thể chịu ảnh hưởng của khủng hoảng Ukraine. Nguồn cung niken bị hạn chế có thể làm chậm quá trình sản xuất pin xe điện, giáng một đòn mạnh vào chính sách phát triển xe điện đang lên.

Indonesia và Philippines hiện là hai nguồn cung niken lớn nhất thế giới, nhưng khủng hoảng Ukraine có thể khiến giá niken tăng và gây áp lực tăng giá xe.

Giá nhiên liệu có thể tăng vọt

Không chỉ giá xe, khủng hoảng Ukraine có thể đẩy giá nhiên liệu lên cao. Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt chính của thế giới, và châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô của Nga.

Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều hãng xe đau đầu, nguy cơ tăng giá xe, giá xăng - Ảnh 5.

Giá nhiên liệu cũng đã tăng vọt với diễn biến mới - Ảnh: UPI

Do đó, thị trường lo ngại rằng năng lượng sẽ trở thành trung tâm của cuộc xung đột trừng phạt - trả đũa. Trong tuần này, giá dầu giao dịch đã ở mức cao nhất trong 8 năm qua: gần 100 USD/thùng.

Vàng, bạc và bạch kim tăng giá vì khủng hoảng Ukraine Vàng, bạc và bạch kim tăng giá vì khủng hoảng Ukraine

TTO - Giá dầu và các kim loại quý như vàng, bạc hay bạch kim tiếp tục tăng cao giữa bối cảnh căng thẳng tại Ukraine đang leo thang. Trong khi đó, giá USD không thay đổi đáng kể.

THANH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên