An ninh ở nhà hát Crocus City Hall hời hợt
Ngày 25-3, tạp chí Business Insider trích phát biểu ngày 25-3 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc hàng trăm ngàn người Nga tham chiến trên lãnh thổ Ukraine hoàn toàn đủ để ngăn chặn bất cứ lực lượng khủng bố nào.
Phát ngôn của ông Zelensky làm dấy lên tranh luận về việc dồn nguồn lực cho chiến trường Ukraine có thể khiến Nga xao nhãng an ninh trong nước.
Hiện có nhiều tranh luận trên truyền thông phương Tây liên quan đến trách nhiệm của lực lượng an ninh Nga khi để vụ xả súng làm thiệt mạng ít nhất 137 người và 182 người bị thương.
Theo báo Washington Post, hồi đầu tháng 3, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo về "các kế hoạch tấn công vào các địa điểm tụ tập đông người ở Matxcơva sắp xảy ra" bởi phe khủng bố. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã gạt bỏ những lời cảnh báo này.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Putin ngày 19-3 cho rằng mục đích của "những tuyên bố khiêu khích gần đây từ một số cơ quan chính thức của phương Tây về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Nga" là gây tổn hại cho xã hội Nga. "Tất cả những điều này giống như hành vi tống tiền trắng trợn và có ý định đe dọa, gây bất ổn cho xã hội chúng ta", nhà lãnh đạo Nga nói.
Nhưng báo Guardian của Anh dẫn lời nhiều nhân chứng sống sót sau vụ xả súng khẳng định lực lượng an ninh canh phòng nhà hát Crocus City Hall cũng tương đối mỏng và lơ là trong đêm 22-3. Điều này khiến nhóm tấn công có thể tự do tung hoành trong nhà hát, gây thương vong cho hơn 300 người và đủ thời gian bỏ trốn (dù bị bắt sau đó).
Ông Mark Galeotti - chuyên gia về giới an ninh Nga - nhận xét: "Rõ ràng là Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đặt sai ưu tiên. Họ dồn các nguồn lực chính vào Ukraine và các thế lực đối lập. Những ưu tiên này bị giới lãnh đạo đất nước áp lên họ".
"Điểm mù" Trung Á
Vụ tấn công tối 22-3 cũng cho thấy nước Nga dường như đã không còn quá chú trọng mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo trong nước. Đây từng là nỗi kinh hoàng rình rập xứ sở bạch dương trong những năm đầu nắm quyền của Tổng thống Putin.
Các chiến lược cứng rắn ở vùng Bắc Caucasus (lãnh thổ Nga nơi đông đảo người Hồi giáo sinh sống) của Điện Kremlin đã phần nào vô hiệu hóa mối đe dọa trên.
Tuy nhiên, Matxcơva dường như không lường trước được mối đe dọa đến từ Trung Á. Theo thông tin sơ bộ, những kẻ tấn công mang hộ chiếu Tajikistan.
Nghi phạm thứ 4 vụ xả súng khủng bố nhà hát ở Maxtcơva đến tòa bằng cáng - Nguồn: The Telegragh - AFP
Ông Galeotti cho biết: "Khủng bố Hồi giáo Trung Á vẫn là vấn đề thật sự với FSB. FSB có nhiều kinh nghiệm đối phó với phần tử cực đoan ở vùng Caucasus. Họ đã dồn nhiều nguồn lực vào đó. Tuy nhiên, Trung Á nhìn chung vẫn là điểm mù".
Chĩa mũi dùi cho Ukraine
Bất chấp tuyên bố nhận trách nhiệm của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và quan điểm của phương Tây, Matxcơva vẫn nghi Kiev có liên quan đến vụ xả súng.
Ngay sau khi bắt được bốn tay súng, FSB cho biết nhóm này đang tìm cách vượt biên sang Ukraine và đã có liên lạc với đồng phạm bên kia biên giới.
Trong một đoạn video trên truyền hình, một trong các nghi phạm trả lời thẩm vấn với lực lượng chức năng Nga khẳng định nhóm này được một bên liên hệ để thuê tiến hành xả súng - tương đối khác với cách thức hoạt động của IS.
Nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra nhiều điểm đáng ngờ trong phản ứng của phương Tây. Cựu phân tích viên của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Bộ Ngoại giao Mỹ Larry Johnson nhận xét việc Nhà Trắng khẳng định Ukraine không liên quan đến vụ tấn công ngay sau khi vụ việc kết thúc là quá vội vàng. Khi ấy, cơ quan điều tra Nga còn chưa rõ danh tính thủ phạm, cách thức gây án...
Giới chuyên gia Nga cũng lập luận rằng Kiev hoàn toàn có động cơ để chủ mưu vụ xả súng. Nhiều quan chức Ukraine từng công khai đe dọa tấn công thẳng vào người dân Nga, trong đó có lãnh đạo tình báo quân đội Kyrylo Budanov.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận