Tính đến tối 23-3 (giờ Việt Nam), vụ tấn công khủng bố tại trung tâm thương mại Crocus ở ngoại ô Matxcơva, Nga đã khiến ít nhất 133 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Tổng thống Putin tuyên bố quốc tang vào ngày 24-3.
IS nhận trách nhiệm, bắt 11 người
Vụ tấn công xảy ra tại phòng hòa nhạc Crocus City Hall (có sức chứa 6.200 người) trong trung tâm thương mại Crocus ở Krasnogorsk, vùng Matxcơva vào tối 22-3.
Kể lại với Hãng tin AFP, một nhân chứng cho biết chỉ vài phút trước giờ khai mạc đêm diễn của nhóm nhạc rock Nga Picnic (Piknik) thì tiếng súng vang lên, sau đó là tiếng la hét của mọi người.
Truyền thông Nga tường thuật có từ 2 đến 5 kẻ mặc đồ ngụy trang xông vào phòng hòa nhạc, sau đó nổ súng tự động và ném "lựu đạn" hoặc "bom xăng" gây ra hỏa hoạn.
Một dấu hỏi lớn lúc này là ai đã gây ra vụ tấn công khủng bố và động cơ là gì? Theo Hãng thông tấn RIA Novosti, Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov đã báo cáo với Tổng thống Putin, cho biết ít nhất 11 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công ở Crocus City Hall đã bị bắt, trong đó có "4 kẻ khủng bố dính dáng trực tiếp" đến vụ tấn công.
Trong ngày 23-3, bà Margarita Simonyan, tổng biên tập Đài RT (Nga), đăng trên Telegram video cho thấy các sĩ quan an ninh thẩm vấn 1 trong 4 nghi phạm vụ khủng bố nhà hát Crocus City Hall. Tên này khai đã được hứa trả gần 11.000 USD để thực hiện vụ tấn công.
Theo nghi phạm, anh ta đã "nghe bài giảng của một giáo sĩ" trên Telegram, trước khi bị những kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công tiếp cận "khoảng một tháng trước".
Trong video, nghi phạm thừa nhận đã từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga vào ngày 4-3. "Giấy tờ ở Thổ Nhĩ Kỳ hết hạn nên tôi vượt biên sang đây", nghi phạm nói thêm.
Một số nhà phân tích cho rằng vụ tấn công này đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Những kẻ khủng bố đã chọn phòng hòa nhạc ở ngoại ô Matxcơva để thực hiện vụ tấn công nhằm tránh các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn ở trung tâm thành phố và có cơ hội trốn thoát cao hơn.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga vừa kết thúc và một số biện pháp an ninh (được áp dụng để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ) đã được dỡ bỏ. Điều này có thể dẫn đến việc lơ là cảnh giác và những kẻ khủng bố đã lợi dụng thời điểm này để phát động cuộc tấn công.
Một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên, tuy nhiên họ không cung cấp bằng chứng.
Nhóm này cho hay các tay súng đã tẩu thoát sau khi thực hiện vụ khủng bố và đã "về tới căn cứ an toàn".
Theo báo New York Times, nhánh này hoạt động ở Afghanistan, có tên "Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo" hay ISIS-K. Xâu chuỗi nhiều sự kiện thời gian qua, có thể thấy tuyên bố nhận trách nhiệm của IS là đáng chú ý.
ISIS-K chính là nhóm từng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết tại Đại sứ quán Nga ở Kabul, Afghanistan vào tháng 9-2022.
Ông Colin P. Clarke - nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group (công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York) - chỉ ra "ISIS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua" và nhóm này từng chỉ trích lãnh đạo Nga.
Giới chức Mỹ cho biết Washington đã thu thập được thông tin tình báo hồi tháng 3 cho biết ISIS-K đã lên kế hoạch tấn công Matxcơva.
Có một chi tiết đáng chú ý: Ngày 8-3, Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva từng cảnh báo "những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch tấn công nhằm vào các cuộc tụ tập đông người ở Matxcơva, trong đó có cả các buổi hòa nhạc, và khuyến cáo công dân Mỹ tránh các cuộc tụ tập đông người trong 48 giờ tới".
Lúc đó Đài Russia Today (RT) của Nga cũng đăng lại cảnh báo này.
Trước đó một ngày, FSB từng thông tin họ đã tiêu diệt các thành viên IS khi những người này lên kế hoạch "tấn công khủng bố" vào một giáo đường Do Thái tại Matxcơva.
Nga chưa phản hồi trước tuyên bố nhận trách nhiệm của IS và cũng chưa công bố thủ phạm đứng sau vụ tấn công.
Đặt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và các cuộc tấn công gần đây của lực lượng Ukraine vào lãnh thổ Nga, Kiev cũng bị hoài nghi về vụ tấn công.
Theo Hãng tin RIA Novosti, nghị sĩ Nga Andrei Kartapolov nói nếu Ukraine liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Matxcơva, Nga sẽ cần trả đũa trên chiến trường.
Ngay sau vụ tấn công, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định "Ukraine hoàn toàn không liên quan gì đến những sự kiện này" và rằng "Ukraine không bao giờ dùng đến các phương thức khủng bố vì tấn công khủng bố không giải quyết được gì".
Lên án mạnh mẽ
Theo các quan chức chống khủng bố của Mỹ, sau một thời gian tương đối yên ắng, IS đã cố gắng tăng cường các cuộc tấn công bên ngoài.
Hầu hết những âm mưu đó ở châu Âu đều bị ngăn chặn khiến người ta đánh giá năng lực của nhóm này đã suy giảm.
Tuy nhiên giờ đây, nếu quả thật IS đứng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Matxcơva ngày 22-3, vụ việc này cùng với vụ tấn công ở Iran hồi tháng 1 có thể khiến người ta phải đánh giá lại khả năng của IS trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), các nhà phân tích nhận định vụ tấn công khủng bố ngày 22-3 có thể sẽ gây sốc tâm lý cho người dân Nga và gây áp lực lên Điện Kremlin trong việc ổn định tình hình và trấn an dư luận.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết các thành viên của hội đồng đã lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất về vụ tấn công khủng bố tàn ác và hèn nhát này".
Các thành viên Hội đồng Bảo an khẳng định chủ nghĩa khủng bố - dưới mọi hình thức - là "một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất" đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Họ cũng nhấn mạnh cần phải "bắt những thủ phạm, những người tổ chức, những kẻ tài trợ cho các hành động khủng bố đáng lên án này chịu trách nhiệm và đưa họ ra trước công lý".
Hội đồng Bảo an nhắc lại bất cứ hành động khủng bố nào đều là phạm tội và không thể biện minh dù cho động cơ là gì, ở đâu, khi nào và do ai thực hiện.
Họ tái khẳng định tất cả các nước cần chống lại những mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới do các hành động khủng bố gây ra.
Đường dây nóng liên lạc
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết đến nay chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ở Nga.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga khuyến cáo cộng đồng hạn chế có mặt tại những khu vực đông người, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và liên hệ ngay với Đại sứ quán theo đường dây nóng bảo hộ công dân +79166821617 hoặc tổng đài bảo hộ công dân tại Việt Nam +84981848484 khi gặp tình trạng khẩn cấp để được hỗ trợ.
Việt Nam và các nước gửi điện chia buồn
Ngày 23-3, quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố dưới mọi hình thức và tin tưởng chắc chắn những kẻ thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi lời chia buồn tới Tổng thống Nga Putin sau vụ tấn công nói trên và nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby gửi lời chia buồn tới các nạn nhân. Tổng thống Pháp, thủ tướng Ý, tổng thống Syria, thủ tướng Ấn Độ… cũng đã lên án vụ tấn công này và chia buồn với Chính phủ, nhân dân Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận