Thanh toán tiền bằng ứng dụng MoMo tại cửa hàng ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là câu chuyện của hầu hết các trường ở TP.HCM, nhờ thanh toán trực tuyến và thẻ học đường thông minh trong những năm học gần đây.
Phụ huynh bớt lo, học sinh an toàn
Những ngày sau dịch COVID-19, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP.HCM) trở lại trường đã rất thích thú khi căngtin yêu cầu thanh toán không tiền mặt, tránh tiếp xúc để phòng chống dịch. Cũng từ mốc thời gian đó đến nay, các em có thói quen vào trường quẹt thẻ để điểm danh và mua đồ ăn sáng ở căngtin, không dùng tiền mặt.
Em Nguyễn Tuấn Hiệp (lớp 11) chia sẻ: "Em thấy việc quẹt thẻ mua hàng rất hay. Đến trường sau khi dùng thẻ điểm danh, thẻ đó có thêm chức năng chọn thức ăn sáng. Có menu hiện ra, em thích ăn bún, em chọn bún. Bạn em có thể chọn thức ăn, nước uống bất cứ lúc nào. Khi xuống căngtin có thức ăn liền mà không phải chờ đợi mua hay chen lấn như trước".
Để sử dụng thẻ này, phụ huynh sẽ nộp tiền vào tài khoản thẻ cho con hoặc nộp trước cho căngtin. Chị Nguyễn Xuân Thu (Bình Tân) kể rất yên tâm với cách làm của trung tâm, khi các con không phải xếp hàng chờ đợi, trong khi "bụng cồn cào". "Mỗi ngày tôi nạp cho con khoảng 30.000 - 50.000 đồng để con ăn sáng uống nước trong chừng mực đó, không tiêu xài được việc khác. Cha mẹ kiểm soát được con, con cũng không bỏ bữa", chị Thu nói.
Phụ huynh em Đặng Phương Anh (lớp 7/2 của một trường THCS theo mô hình tiên tiến hội nhập ở quận 1) cho biết rất ủng hộ những mô hình "không tiền mặt" ở trường. Bởi nhiều lúc "đầu tắt mặt tối" chạy đến trường đón con, tiện thể đóng học phí luôn. Nhưng đi sớm thì lấn cấn công việc công ty. Nhưng đi muộn thì văn thư, thủ quỹ hết giờ hành chính, bảo mẫu thì không nhận đóng hộ...
"Từ khi có thanh toán trực tuyến, cha mẹ đỡ đi một bước. Vừa rồi trường con tôi lấy ý kiến là căngtin trường, hay quỹ lớp hay các hoạt động ngoại khóa trường tổ chức đều sử dụng thẻ hết. Không những tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình, chờ đợi năm học 2022 - 2023 này triển khai sớm", phụ huynh này nói.
Hay là "chập choạng" sử dụng hình thức nộp học phí và các khoản thu khác trong trường bằng thanh toán trực tuyến, anh Hà Anh Minh, có con học Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết ba đứa con, hai con chuẩn bị tốt nghiệp THPT, trước đây phải chạy tới trường đóng cho con mỗi tháng rất mất thời gian, bất tiện nhưng mọi chuyện đã được giải quyết sau khi được áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.
"Ban đầu sử dụng thanh toán học phí trực tuyến cũng sai lên sai xuống. Nhưng làm quen tay một năm qua, bây giờ có gì phụ huynh trao đổi trong group, học phí và dịch vụ cho con ở trường quét mã QR, chuyển khoản... và làm thẻ cho con tự xài. Tôi thấy quá tiện lợi", anh Minh nói.
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông, quận 8, TP.HCM mua nước giải khát bằng thẻ. Đây là một trong số ít trường học thực hiện việc học sinh không sử dụng tiền mặt - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trang bị kỹ năng cho học sinh
Từ năm 2014, TP.HCM bắt đầu xây dựng đề án thanh toán không dùng tiền mặt - thẻ học đường để thu học phí, các khoản trong nhà trường. Đến nay, hầu hết các trường thanh toán học phí, các khoản thu khác không dùng tiền mặt.
Ông Đỗ Minh Hoàng - giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An - cho biết các em học sinh, người phục vụ ở căngtin trường đã quen với dịch vụ không tiền mặt; quên hẳn việc mang tiền đi học. "Khi dùng thẻ thông minh, phụ huynh quản lý được con; nhà trường, giáo viên theo dõi được học sinh. Đặc biệt là hướng các em một kỹ năng nhanh, tiện lợi trong thao tác mà khi ra đời, các em cần chủ động, linh động", ông Hoàng nói.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho hay 3 năm qua, nhà trường đã thu học phí không dùng tiền mặt. Những năm đầu, nhà trường chỉ thực hiện được khoảng 60-70% nhưng hiện tại 100% phụ huynh đã nộp tiền cho con trực tuyến.
"Năm học 2022 - 2023, trường tính mở thêm dịch vụ không tiền mặt ở căngtin, để các con sáng đến trường hoặc ra chơi, muốn mua cái gì chỉ cần chạm thẻ vào là có thể mua được. Tôi nghĩ việc này không những tiện, mà giúp học trò tiếp cận những kỹ năng, những thao tác mới, để các con lớn lên bước ra cuộc sống cũng đã thuần thục và quen thuộc", vị này cho biết.
Ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, chia sẻ khi mới bắt đầu triển khai, tỉ lệ chưa đồng đều giữa các trường, do một số cha mẹ học sinh giữ thói quen sử dụng tiền mặt. Trường học vẫn triển khai song song việc thu tiền trực tiếp và thanh toán trực tuyến.
"Nhưng thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế của xã hội hiện đại, hướng đến trường học thông minh. Tôi khuyến khích các trường ngày càng có nhiều chương trình hạn chế dùng tiền mặt, thay vào đó là mọi thứ phải hiện đại, nhanh, tiện, hợp xu thế", ông Huy nói.
Thầy Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho biết đã chứng kiến cảnh phụ huynh "rồng rắn" ở bộ phận phục vụ khi tới hạn đóng tiền bán trú cùng các khoản khác, trong khi thủ quỹ phụ trách chỉ có một người nên dễ có những sai sót, thất lạc giấy tờ, thậm chí có trường hợp thối nhầm tiền.
"Người dân sử dụng thành thục các app thanh toán trực tuyến, mua sắm online, nhà trường triển khai cho phụ huynh thực hiện rồi tuyên truyền. Bây giờ 100% phụ huynh nào cũng nhuần nhuyễn thanh toán trực tuyến", thầy Đắc cho biết.
Bạn Ngọc Trang (phải), sinh viên năm 4 Trường ĐH Y dược TP.HCM, thanh toán học phí thông qua các app điện tử - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tăng minh bạch, ngăn tiêu cực trong thu chi
Ông Phạm Xuân Đông, trưởng phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết từ nhiều năm nay, hầu như các hoạt động tài chính của trường đều được thực hiện qua ngân hàng, kể cả học bổng cho sinh viên.
"Việc thu chi qua ngân hàng có nhiều thuận lợi như an toàn cho người chi và nhận, giảm được nhiều thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, rất thuận lợi cho phụ huynh, sinh viên bởi hạn chế rủi ro mất mát, phụ huynh có thể giám sát việc đóng học phí và các khoản tiền khác của sinh viên hoặc trực tiếp đóng học phí cho con", ông Đông nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết ngoại trừ các khoản thưởng cho sinh viên, các hoạt động tài chính khác đều thực hiện qua ngân hàng, nhờ đó đã không còn cảnh thiếu nhân sự thu ngân để thu và kiểm đếm vào mỗi kỳ thu học phí.
"Nhiều năm nay, các khâu này không còn nữa. Phụ huynh, sinh viên có thể chuyển học phí từ ngân hàng, ứng dụng hoặc máy cà thẻ. Việc thanh toán qua ngân hàng có chứng từ, lưu vết nên khi có sai sót có thể dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh", ông Quốc Anh cho biết thêm.
Theo ông Giang Quốc Tuấn - trưởng phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Sài Gòn, các hoạt động thu chi của trường đều thực hiện qua ngân hàng, rất chính xác, hạn chế các vấn đề tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro về tài chính.
"Khi sử dụng tiền mặt, người thu vì lý do nào đó có thể biển thủ hoặc làm mất mát. Khi thực hiện qua ngân hàng, dù có ý muốn tiêu cực cũng khó và đều có lưu dấu vết nên dễ dàng kiểm soát", ông Tuấn khẳng định.
MINH GIẢNG
100% trường học không thu học phí tiền mặt
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trên địa bàn hiện có 1.400 cơ sở giáo dục ở các quận huyện tham gia sử dụng hệ thống quản lý nguồn thu tích hợp thanh toán và hóa đơn điện tử, thuế điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp; số tiền học phí và các khoản thu khác tại trường học mỗi tháng lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
TP.HCM từng đưa việc thanh toán trực tuyến vào tiêu chí thi đua. Bởi mục tiêu 100% trường học ở thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và thành phố. Có trường sĩ số lên đến 3.000 em nhưng vẫn đóng tiền trực tiếp. Lãnh đạo sở đã đề nghị các trường nhanh chóng triển khai với đa dạng hình thức, không giới hạn các ngân hàng thanh toán.
Trong đó, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến... Đến nay, 100% trường học trên địa bàn thực hiện việc thanh toán học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.
Thẻ học đường thông minh
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình điểm danh bán trú bằng thẻ học đường thông minh - Ảnh: HÀ HUY
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), cho biết từ năm 2020, trường này đã triển khai cho học viên sử dụng thẻ học đường thông minh. Các em sẽ dùng thẻ này để điểm danh khi vào trường, mua thức ăn, nước uống ở căngtin. Phụ huynh ở nhà cũng có thể kiểm tra và biết được con mình đã vào trường lúc mấy giờ, ăn uống món gì...
"Mùa dịch vừa rồi, khi học viên trở lại trường, cái thẻ còn có thêm nhiệm vụ kiểm tra việc đo thân nhiệt và khai báo y tế cho học sinh. Em nào không đo thân nhiệt và khai báo y tế, quẹt thẻ cũng không điểm danh được", ông Hoàng nói. Ngoài ra, phụ huynh có thể thanh toán học phí không dùng tiền mặt, xem điểm của con em...
Dự kiến, năm học tới trung tâm và đơn vị đối tác sẽ triển khai cho học viên được gọi điện thoại miễn phí cho người thân bằng thẻ học đường thông minh. Theo đó, trong khuôn viên trung tâm sẽ có trụ điện thoại, học viên quẹt thẻ là có thể gọi điện miễn phí cho cha mẹ để thông báo nhanh vấn đề gì đó hay kêu cha mẹ đến đón...
"Đến thời điểm này, trung tâm đã có 100% học viên sử dụng thẻ học đường thông minh", ông Hoàng thông tin thêm.
Ông Dương Hoàng Nam, phụ huynh lớp 11A2 Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, cho biết lúc đầu nhiều phụ huynh cũng lo ngại khi cho con em sử dụng thẻ, nhưng đến nay hầu hết phụ huynh đều thấy cái thẻ này quá tiện ích.
"Chúng tôi không có điều kiện đưa con đi học. Việc cho con đi xe ôm công nghệ cũng rất hồi hộp. Nhưng nhờ cái thẻ mà tôi yên tâm hơn khi mình đi công tác xa nhưng máy báo con đã đến trường. Ngay cả việc chi tiêu của con cũng vậy, chúng tôi biết được ở trường con ăn món gì, uống món gì, bao nhiêu tiền, thẻ của con sắp hết tiền chưa...", ông Nam nói.
Thẻ học đường thông minh đã được triển khai thí điểm ở một số trường trên địa bàn thành phố từ năm 2018. Đến nay, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trên địa bàn đã có 20.000 học sinh thuộc 20 trường từ tiểu học đến THPT sử dụng thẻ này. Ngoài những tiện ích như điểm danh, sử dụng như thẻ thư viện, chi tiêu trong trường học... Trong năm học 2022 - 2023, chương trình này sẽ được mở rộng ra thêm nhiều trường - nếu phụ huynh đồng thuận.
HOÀNG HƯƠNG
Giáo dục quản lý chi tiêu
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chủ đề "Quản lý tài chính, chi tiêu" đã được nhiều trường tiểu học, THCS và THPT ở TP.HCM đưa vào chương trình ngoại khóa, chương trình nhà trường để giảng dạy cho học sinh.
Ông Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết khi nhận thấy nhiều phụ huynh cho con em tiền nhưng cứ sợ con mình chi tiêu không hợp lý, thậm chí không cho con em tiếp cận với tiền bạc, nhiều năm nay trường này đã đưa chủ đề "Quản lý tài chính, chi tiêu" vào chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và mời giáo viên đến dạy.
Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt
Chiều 17-6 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt".
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt 2022, nhằm hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia. Nhiều chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận tại hội thảo như "Triển khai đề án 06 và sự hòa nhập của ngành ngân hàng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội"; những vấn đề về con người, công nghệ và tư duy chiến lược trong lộ trình chuyển đổi số ngành ngân hàng; các yếu tố bảo mật và quy chuẩn trong công nghệ thanh toán...
Phiên thảo luận của sự kiện cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp... phân tích, chia sẻ câu chuyện thanh toán không tiền mặt góp phần thực hiện Chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là phát biểu tổng kết chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Cũng tại sự kiện này sẽ có không gian trưng bày các thành tựu, công nghệ thanh toán hiện đại để khách tham dự trải nghiệm. Dịp này, ban tổ chức cũng công bố kết quả bước đầu của cuộc "Khảo sát quy mô quốc gia về mức độ hài lòng của người dân về thanh toán không tiền mặt".
N.D.
Singapore "phổ cập" chi tiêu không tiền mặt cho học sinh
Một học sinh thanh toán bằng đồng hồ thông minh tại hiệu sách trong trường học ở Singapore - Ảnh: DBS
Tháng 4-2022, Bộ Giáo dục Singapore và Ngân hàng DBS đã ký thỏa thuận triển khai chương trình thanh toán không tiền mặt Smart Buddy đến tất cả trường tiểu học, trung học tại đảo quốc sư tử. Chương trình được thực hiện từ năm 2017 hiện đã áp dụng tại 80 trường và dự kiến nâng lên thành 340 trong ba năm tới.
Như vậy, đến năm 2025, các học sinh Singapore có thể mua từ sách vở, dụng cụ cho đến ăn trong căngtin mà không cần sử dụng tiền. Thay cho tiền, các em sẽ quẹt thẻ hoặc đồng hồ thông minh Smart Buddy có liên kết với tài khoản của cha mẹ, hoặc các thẻ khác, tại các điểm thanh toán lắp trong trường. Chương trình cũng liên kết với một số cửa hàng bán lẻ khác như 7-Eleven, Cheers...
Mục đích của chương trình Smart Buddy là giáo dục học sinh quản lý chi tiêu tài chính và phụ huynh có thể theo dõi con mình xài tiền như thế nào. Phụ huynh có thể theo dõi chi tiêu của con thông qua ứng dụng di động và đặt các hạn chế, mục tiêu tiết kiệm cho con. Phụ huynh cũng có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại của con để giúp các em theo dõi chi tiêu của mình.
"Lựa chọn không dùng tiền mặt... sẽ cho học sinh một môi trường để sử dụng thanh toán điện tử một cách an toàn, đồng thời tận hưởng sự tiện lợi và lợi ích của việc không dùng tiền mặt", ông Clarence Tang, giám đốc bộ phận tài chính và mua sắm của Bộ Giáo dục Singapore, nói trên báo Straits Times.
TRẦN PHƯƠNG (tổng hợp)
Mở rộng giáo dục về tín dụng
Từ năm 2021, một trường tiểu học ở bang Pahang, Malaysia đã thí điểm thanh toán hoàn toàn không tiền mặt. Ngân hàng tham gia chương trình cũng có các buổi thảo luận để giúp học sinh hiểu về tiền và quản lý chi tiêu.
"Kiến thức về tài chính và kỹ thuật số cũng quan trọng như biết đọc, viết, làm toán, để tồn tại trong thế giới mà kỹ thuật số đang đi đầu ngày nay", ông Datuk Ng Chong Hin, chủ tịch hội phụ huynh - giáo viên của trường, cho biết.
Nhưng làm sao để các học sinh hiểu giá trị "thật" của tiền ảo khi mọi thanh toán chỉ diễn ra bằng một cú chạm?
"Chúng ta nên dạy các em điều gì sẽ xảy ra khi chạm, việc đó ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng ra sao, số tiền trong tài khoản đến từ đâu... Khi các em lớn hơn, hãy mở rộng giáo dục về tín dụng, nợ và lừa đảo", cây viết Annie Tan của Channel News Asia cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận