16/09/2019 08:36 GMT+7

Không để 'tiếp sức' ngược chiều

HUỲNH HIẾU
HUỲNH HIẾU

TTO - Giữa mùa 'Tiếp sức đến trường' dành cho tân sinh viên nghèo hiếu học, hôm nay (16-9) vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La được đưa ra xét xử.

Dõi theo hai sự kiện này, nhiều người thấy hiện lên hai con đường đến giảng đường đại học của hai dạng tân sinh viên ở hai thái cực cùng hai cuộc "tiếp sức" ngược nhau.

Một bên là "Osin đã trở thành bác sĩ Nam Phương", là cô học trò "học dưới ánh đèn đường", là cậu học trò ba năm sống một mình trong ngôi nhà nát .. Còn một bên là quý tử của lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo, là con cháu của các vị lắm quyền nhiều tiền vào những ngôi trường danh giá bằng điểm gian lận.

Không để tiếp sức ngược chiều - Ảnh 1.

Bên này nghèo mà tự trọng, không lùi bước trước nghịch cảnh, chắt chiu từng cơ hội đến với cuộc đời mình. Bên kia giàu có, quyền thế nhưng dối trá và cướp đoạt cơ hội của người khác.

Thứ bảy tuần rồi, cô Đinh Thị Quỳnh Ly (Bình Định) ra đi từ lúc gà gáy để kịp vào Nha Trang trao cho cô học trò nhỏ Hồng Hạnh (nay đã là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh) cuốn từ điển mà bao năm em này ao ước nhưng không có tiền mua.

Cô Ly và các thầy cô giáo khác, trước đó, mỗi người cũng đã đóng góp một vài trăm ngàn đồng cho Hạnh (không cha mẹ từ tấm bé, sống bằng tiền trợ cấp cho trẻ mồ côi) có lộ phí vào Sài Gòn nhập học. Họ là những mẹ hiền, những ân sư của học trò mình.

Trong khi đó, cũng trong vai người thầy nhưng những vị nguyên là lãnh đạo của phòng khảo thí ở Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La bước ra tòa hôm nay đã nhận hàng tỉ đồng để "bơm điểm" cho học trò mình.

Cũng trong lễ trao học bổng vừa rồi tại Nha Trang, nhiều người vui mừng đến trào nước mắt thay cho em Bùi Thị Thanh Nguyệt (nhân vật trong bài "Học dưới ánh đèn đường") khi biết một cựu chiến binh Trường Sa sau khi đọc bài báo đã quyết định hỗ trợ Nguyệt học phí, giúp chỗ trọ miễn phí và chỗ làm thêm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngược lại, sáng nay, trong danh sách ra tòa có đến hai bị can nguyên là sĩ quan công an cấp tá của Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La.

Là phụ huynh, là người thầy, là những cán bộ được xã hội tin cậy, nhưng các quan chức ở Sơn La đã liên kết làm một cuộc "tiếp sức"... mà nạn nhân, đau đớn thay, không ai khác là con em, học trò của chính họ (!).

Người Việt ta bao đời rất coi trọng sự học. Truyền thống hiếu học ở mỗi vùng đất, mỗi ngôi làng, mỗi dòng họ... đều được khích lệ và tôn trọng. Vì thế, cũng có thể nói rằng những cuộc "tiếp sức đến trường" đã âm thầm thực hiện từ xa xưa.

Trong khi ở chiều ngược lại, việc "mua quan bán tước" luôn bị luật lệ ngăn chặn và xã hội rẻ rúng. Mầm thiện cần được nhân lên nhiều hơn để cho quả ngọt và ngăn chặn sự gieo rắc dối trá tạo ra quả đắng.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại chuyện năm 1696, Ngô Sách Tuân vì đổi bài thi cho con trai quan Tham tụng Lê Huy mà bị xử phải thắt cổ chết. Vụ án hà khắc này cho thấy việc quản lý thi cử ngày xưa rất chặt chẽ và nghiêm túc.

Vì thế, để chấn chỉnh tiêu cực và răn đe việc "tiếp sức" gian lận trong thi cử hiện nay, những vụ án ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình cần phải được xét xử thật sự nghiêm minh, đúng người đúng tội.

Triệu tập 90 người đến phiên xử vụ gian lận thi cử, nâng điểm ở Sơn La Triệu tập 90 người đến phiên xử vụ gian lận thi cử, nâng điểm ở Sơn La

TTO - Ngày 16-9 tới, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La và nhiều thuộc cấp phải hầu tòa vì đã có hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa nâng điểm… cho 44 thí sinh thi THPT quốc gia 2018.

HUỲNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên