Trước thông tin tỉnh Đồng Nai đề xuất xây một số nút giao thông, trong đó có hai nút giao ngã tư Vũng Tàu và nút giao khu vực Cổng 11 - thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông - người dân Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung hy vọng rồi cũng sớm thoát cảnh chen chúc qua đây.
Nhưng đọc kỹ thông tin lại thấy lo. Có gì không ổn. Bởi bài học trạm thu phí đặt "nhầm" chỗ gây bức xúc có thể lặp lại.
Hai nút giao này đã ùn tắc, có thể ùn tắc khủng khiếp khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hoạt động năm 2026 với dự báo lưu lượng lưu thông tăng lên rất lớn. Xây nút giao là đúng rồi, làm hạ tầng giao thông là phải đi trước đón đầu.
Thế nhưng một trong những phương án lo vốn cho hai nút giao này thì lại có vẻ đi chậm hơn thời đại.
Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép đầu tư hai nút giao nêu trên theo hình thức BOT, vốn giai đoạn 1 là trên 6.000 tỉ đồng và cho tiếp tục khai thác trạm thu phí quốc lộ 51.
Cách tạo vốn bằng các đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu được xem là lựa chọn số 1, vì trong trường hợp không thể đầu tư hình thức BOT, tỉnh đề nghị ngân sách trung ương đầu tư, tỉnh lo giải phóng mặt bằng.
Chưa rõ kiến nghị này có "qua được cửa" cấp thẩm quyền nhưng "ngó qua" đã thấy không ổn.
Bởi dự án BOT quốc lộ 51 có nhiều trạm thu phí trải dài từ Đồng Nai qua Bà Rịa - Vũng Tàu từng bị chính quyền, tài xế phản ứng vì đường xuống cấp, thu lố thời gian, Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu dừng thu.
Còn trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa cũng từng bị tài xế, người dân kéo ra đường phản ứng về vị trí đặt trạm...
Bởi thế kiến nghị tiếp tục thu phí ở các trạm này là lập lại bài học "xương máu" trạm BOT đặt nhầm chỗ. Quốc hội đã có quy định chỉ làm BOT trên đường mới mở, vì thế các kiểu đặt trạm thu phí khác với quy định này nên được xem là đặt nhầm chỗ.
Chúng ta chưa thể quên những hệ lụy do chủ trương cho đặt trạm thu phí nhầm chỗ dạng như BOT Cai Lậy, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp... Còn theo Bộ Giao thông vận tải đánh giá, toàn quốc từng có 21 trạm thu phí đặt nhầm chỗ.
Trạm BOT đặt nhầm chỗ có phần do yếu tố lịch sử, khi đó chúng ta không có đủ vốn, phải xã hội hóa và cho đặt "nhầm chỗ" để tạo sức hấp dẫn, có thêm nguồn thu... Nhưng cái được thì ít mà mất quá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, an ninh trật tự.
Nhiều dự án bị vỡ phương án tài chính, chịu nợ xấu vì người dân phản ứng không thể thu phí. Chính quyền cũng vất vả khi phải xử lý "hậu" chủ trương cho đặt trạm BOT nhầm chỗ.
Người dân bức xúc khiến cho một hình thức tạo vốn cho hạ tầng đã bị nhìn nhận méo mó, mà sau đó Quốc hội đã "luật hóa" chỉ cho làm BOT trên đường mới, trừ cơ chế đặc thù.
Cái giá phải trả lớn như vậy thì nay, liệu chúng ta có nên nghĩ đến việc đặt trạm thu phí nhầm chỗ để tạo vốn xây hai nút giao khác ở Đồng Nai? Câu trả lời phải dứt khoát: Không. Thậm chí cũng phải loại ngay suy nghĩ đó khi tính toán bất kỳ các dự án hạ tầng nào khác.
Cũng phải khẳng định, nếu không thể tạo vốn bằng phương án BOT đặt nhầm chỗ để xây hai nút giao trên tại Đồng Nai hoặc giả sử những công trình hạ tầng khác, chúng ta vẫn có đủ nguồn lực, các công cụ tài chính để tạo vốn và bố trí vốn đã được pháp luật cho phép. Đừng quay lại trả giá cho bài học cũ. Dứt khoát không để trạm BOT đặt nhầm chỗ sống lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận