Sáng 11-7, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn.
Đường chậm tiến độ, không cho đấu nối vì trạm BOT
Cử tri Nguyễn Việt Dũng (huyện Triệu Phong) có ý kiến gần 6 năm qua, tỉnh Quảng Trị gửi văn bản ra Bộ Giao thông vận tải xin đấu nối 14 tuyến đường của thị trấn Ái Tử với quốc lộ 1 nhưng vẫn không được trạm BOT Trường Thịnh đồng ý.
Điều này gây ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, bức xúc cho cán bộ và nhân dân, cản trở lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt khi huyện sắp trở thành huyện nông thôn mới.
Thậm chí, tuyến đường Hùng Vương nối TP Đông Hà với huyện Triệu Phong bị chậm tiến độ, không thể thi công dù đã có mặt bằng và nguồn vốn cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ trạm BOT Trường Thịnh.
"Năm 2022, dự án đường Hùng Vương được huyện bàn giao mặt bằng nhưng đến nay không thi công được, chúng tôi cho rằng có tác động của Tập đoàn Trường Thịnh, sợ rằng giảm nguồn thu. Đường phải đi vòng vèo vào 2 đầu trạm BOT, để thu tiền.
Chúng tôi mong muốn, đề nghị trung ương hỗ trợ tỉnh như Quảng Trị, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh để tháo dỡ trạm BOT", ông Dũng phát biểu.
Mua trạm không được, dời đi không xong
Giải đáp ý kiến cử tri, ông Trần Hữu Hùng - giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị - cho rằng thủ tục đấu nối rất phức tạp, sở đã làm việc với Tập đoàn Trường Thịnh, gửi văn bản cho Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, bộ yêu cầu muốn thực hiện đấu nối thì huyện Triệu Phong phải đáp ứng các yêu cầu: đưa vào quy hoạch đấu nối, sử dụng hành lang đường bộ đảm bảo an toàn giao thông, có điện chiếu sáng vào ban đêm, có mặt bằng sạch để đảm bảo các điều kiện phê duyệt thỏa thuận đấu nối.
Mặt khác, Tập đoàn Trường Thịnh không đồng ý vì sợ đấu nối xong phân lưu khiến trạm BOT Trường Thịnh ảnh hưởng nguồn thu. Nếu tỉnh không đàm phán được với Trường Thịnh thì phải chờ đến hết 2036, khi trạm này hết thời hạn thu phí.
Ông Hùng cho hay Quảng Trị có ra làm việc với Bộ Giao thông vận tải, "đặt vấn đề mua lại trạm BOT nhưng luật không cho mua lại, hơn nữa không có tiền mua, chuyển trạm vào ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thì sai luật, chỉ được đặt trạm trong phạm vi nhà đầu tư".
Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐND tỉnh - cho rằng kiến nghị của cử tri là hết sức chính đáng, mọi kết cấu hạ tầng đều phải phục vụ xã hội.
"Tư lệnh ngành giao thông phải làm việc ngay với huyện, buộc phải đấu nối phục vụ kinh tế xã hội và dân sinh. Trách nhiệm của nhà đầu tư, khi xây dựng phương án đầu tư thì phải kết nối, hoặc làm đường gom để kết nối, nhất là các vị trí thiết yếu như bệnh viện, nghĩa trang, cơ quan nhà nước, cụm công nghiệp…", ông Quang nhấn mạnh.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Trị dài 28,78km, có điểm đầu ở Dốc Miếu (xã Phong Bình, huyện Gio Linh) và điểm cuối ở bắc cầu Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị). Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.100 tỉ đồng.
Thu phí cho dự án là trạm BOT Trường Thịnh tại Km763 qua xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận