16/06/2019 10:45 GMT+7

Không để 'Bao Công' thất nghiệp

ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TIẾN LONG ghi
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TIẾN LONG ghi

TTO - Nghi án cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng đòi 'chung chi' tại Vĩnh Phúc đang được cơ quan điều tra xem xét. Nếu vụ việc được chứng minh thì sẽ nối dài thêm chuỗi sai phạm có tên gọi tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng.

Tên gọi này do bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - đặt ra trong quá trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

Liên tục từ năm 2016 đến nay, bà Nga đã báo động về tình hình này, với những dẫn chứng từ báo chí và từ chính các báo cáo hằng năm của Chính phủ. Tham nhũng trong thanh tra thuế, thanh tra giao thông, trong hải quan, tòa án, công an và bởi chính những người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà theo pháp luật phòng chống tham nhũng, họ chịu trách nhiệm cao nhất và được giao quyền hạn nhiều nhất để chống tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. 

Tuy số lượng phát hiện không nhiều, nhưng nguy cơ đáng báo động, khi tham nhũng có dấu hiệu di căn lên những cơ quan, bộ phận lẽ ra phải miễn nhiễm để từ đó đẩy lùi bệnh tật ra khỏi cơ thể.

Một hiện tượng đáng lo ngại là hành vi tham nhũng thông qua "thương lượng", "ngã giá" giữa người vi phạm pháp luật và người bảo vệ pháp luật. Không ít người đã từng chấp nhận "ngã giá - chung chi" để được giảm nhẹ hay gạch bỏ các hành vi sai phạm trong những bản kết luận kiểm tra, thanh tra, nhưng không bao giờ dám tố cáo. 

Lý do đơn giản: khi tố cáo, họ cũng sẽ bị buộc tội cùng với người bị tố cáo; cho dù có thể được miễn giảm ít nhiều khi xét xử chăng nữa thì cũng đã là tội phạm!

Hiện nay vai trò của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong công cuộc phòng chống tội phạm được phát huy rất mạnh mẽ. Ngoài Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ ngành, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trực thuộc Quốc hội. 

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đã từng nhận xét: có tình trạng thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế, tài chính, nhưng chuyển qua cơ quan điều tra rất ít. Một trong những nguyên nhân như đã nêu trên, có thể là sự ngần ngại tố giác của những người là "nạn nhân" của các "quan thanh tra" xấu tính. 

Do đó, cần tuyên truyền, giải thích cho các tầng lớp nhân dân một quy định hiện hành của pháp luật hình sự: "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ" (Bộ luật hình sự 2015, điều 364, khoản 7). 

Cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án cần áp dụng mạnh mẽ hơn điều luật này, để khuyến khích công dân tố giác các hành vi bức bách người vi phạm hối lộ, ngay cả khi họ đã "trót" hối lộ.

Nếu không có cách phát hiện và truy cứu nạn "ngã giá - chung chi", mọi nỗ lực phá án và xét xử đúng người, đúng tội của "Bao Công" sẽ bị vô hiệu hóa bởi chính những Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ... của mình. 

Và khi tội phạm vẫn lộng hành mà "Bao Công" thất nghiệp thì đó là thảm họa của nền tư pháp!

Tất cả cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị Công an Vĩnh Phúc tạm giữ Tất cả cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị Công an Vĩnh Phúc tạm giữ

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tạm giữ tất cả cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc để làm rõ các sai phạm trong vụ đòi chung chi hàng chục tỉ đồng tại huyện Vĩnh Tường.

ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên