25/06/2019 10:44 GMT+7

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 2: Đi tìm cây kim trong bọc

VĨNH HÀ - THY ANH
VĨNH HÀ - THY ANH

TTO - Sự thật gian lận thi cử được phơi bày trên mặt báo làm rúng động dư luận trong những ngày tháng 7-2018. Nhưng ít ai biết để đưa điều đó ra ánh sáng là cả một cuộc đấu tranh của những người bên trong khu vực kiểm tra và truyền thông ở bên ngoài.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 2: Đi tìm cây kim trong bọc - Ảnh 1.

Bài báo trên Tuổi Trẻ về vụ gian lận thi ở Hà Giang

Hàng chục phóng viên có mặt ở Hà Giang ngồi bệt trước cổng Sở GD-ĐT tỉnh này cả ngày đến đêm là một áp lực hiện hữu. Nhưng áp lực vô hình khác là sự ngóng chờ của dư luận dõi theo từng động thái nhỏ nhất tại đây. 

Từ các trang báo chính thống đến các trang mạng xã hội đều đưa thông tin sâu về dữ liệu phân tích điểm thi tại một số tỉnh, trong đó có Hà Giang. Nghi vấn càng lên cao khi làn sóng bất bình của chính thí sinh dự thi năm 2018.

Lúc bấy giờ, cả những người đứng đầu Sở GD-ĐT Hà Giang và Bộ GD-ĐT đều chưa có phát ngôn chính thức nào về nghi vấn này. Ngoại trừ nội dung trả lời rất ngắn của ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch tỉnh Hà Giang, thừa nhận "có bất thường".

Sau này khi sự việc đã được làm rõ, mới vỡ lẽ từ ngày 7-7, khi Hà Giang và các địa phương đều đang trong giai đoạn chấm thi thì BCĐ thi ở Hà Giang đã được báo cáo về hành vi bất thường của ông Vũ Trọng Lương (hiện là một trong năm bị can ở Hà Giang bị khởi tố về hành vi gian lận thi). 

Theo báo cáo này, ông Lương có hành vi di chuyển thùng để bài thi gốc khỏi khu vực bảo quản. Sự việc này đã được BCĐ thi tỉnh Hà Giang lập biên bản, báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Đây cũng là một căn cứ để Bộ GD-ĐT quyết định lập đoàn kiểm tra đi Hà Giang giữa nghi vấn điểm thi bất thường diễn ra ở nhiều tỉnh. 

Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, văn bản của Hà Giang chuyển đi ngày 10-7 nhưng ngày 12-7 Bộ GD-ĐT mới nhận được. Ngay sau khi nắm thông tin, Bộ GD-ĐT yêu cầu Hà Giang chủ động rà soát tất cả các khâu liên quan tới bàn giao, bảo quản bài thi, chấm thi.

Ngày 14-7, cùng với áp lực lớn từ dư luận và phản hồi của BCĐ thi Hà Giang cho thấy sự việc có dấu hiệu phức tạp, Bộ GD-ĐT mới quyết định cử đoàn công tác đi Hà Giang.

Vào thời điểm đó, nhiều thông tin không chính thống gửi đến báo chí đã tường thuật chi tiết hành vi "sửa điểm" của cán bộ Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Hà Giang. 

Những thông tin tuy chưa đầy đủ nhưng khá chính xác so với kết luận sau này ghi nhận "hành trình" gian lận do ông Lương trực tiếp thực hiện, từ việc sửa chữa dữ liệu trên máy tính đến việc mang các thùng bài thi ra khỏi khu vực bảo quản để can thiệp.

"Không thể trắng trợn như thế được, chắc thông tin này không chính xác"- đó là suy nghĩ của nhiều phóng viên khi đó. Nhưng trong khu vực kiểm tra tại Hà Giang, những thành viên trong đoàn đều cảm nhận rõ tính chất nghiêm trọng của một vụ gian lận thi chưa từng có.

Một cán bộ của tổ công tác sau này tiết lộ việc đối chiếu giữa bài thi gốc và dữ liệu điểm (đã được sửa chữa) rất vất vả vì khối lượng bài thi nâng điểm lớn. Để khách quan, các thành viên trong tổ công tác từ chối bữa ăn do địa phương mời. 

Trong suốt hai ngày, phóng viên hàng chục báo nhắn tin, điện thoại cho ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - người đứng đầu đoàn công tác của bộ tại Hà Giang khi đó nhưng không có hồi âm.

Trong khi đó, tối 16-7, thông tin lan truyền ra ngoài về số lượng bài thi gian lận là hàng chục, có khi hàng trăm. Cuộc "họp báo" tại Hà Giang được ông Mai Văn Trinh quyết định lúc nửa đêm thực chất chỉ là cách "xì bớt hơi" trong quả bóng đang căng. Đó cũng là cách giảm bớt sự nhiễu loạn của thông tin, giảm căng thẳng và để dư luận tin vào sự quyết liệt mà Bộ GD-ĐT đang thực thi.

Sự thật ở Hà Giang và Sơn La được ví như những cơn cuồng phong của một trận bão lớn. Nó để lại một hậu quả tan hoang cho đến gần một năm sau chưa thể khắc phục.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 2: Đi tìm cây kim trong bọc - Ảnh 3.

Các phóng viên chờ xuyên đêm bên ngoài cổng Sở GD-ĐT Hà Giang, nơi chấm thẩm định bài thi - Ảnh: VĨNH HÀ

Sơn La và cuộc họp báo lúc 23h

Sau những ngày phóng viên chờ chực trong sự im lặng tuyệt đối của đoàn kiểm tra, một cuộc họp báo tương tự như Hà Giang đã diễn ra ở Sơn La vào 23h đêm 21-7. Dù không quá ngỡ ngàng, bị động như ở Hà Giang nhưng các phóng viên cũng phải gấp rút lao ra khỏi chỗ nghỉ đêm. 

Không có phương tiện nào di chuyển khi đó ngoài chạy bộ. Vẫn ông Mai Văn Trinh đi ra ngoài khu vực kiểm tra thi với sự giám sát của công an và thông tin cũng ngắn ngủi như cuộc họp báo bất thường ở Hà Giang. Khác ở chỗ gian lận ở Sơn La được xem là có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều ở khía cạnh tinh vi.

Khi thông tin tiêu cực đã lên mặt báo thì cái kim không còn giấu kỹ được trong vỏ bọc dày.

Tại Hà Giang, sau cuộc họp báo lúc nửa đêm, kết luận về vụ gian lận nhanh chóng được công bố sau đó 12 tiếng. Nhưng ở Sơn La, nhiều phóng viên mất ăn, mất ngủ vì thông tin họp báo đưa ra rồi lại rút về. Trong vòng hai ngày, có mấy lần đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT nhắn"sẽ họp báo" nhưng ngay sau đó lại có đính chính "chưa họp".

Nỗi lo sự thật không được công bố vì áp lực nào đó tác động đến đoàn kiểm tra đã nhen lên trong suy nghĩ nhiều phóng viên. Đến sau này, một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết quả nhiên lúc đó họ chịu áp lực rất nặng nề. Việc gian lận đã được xác định, nhưng công bố rộng rãi hay không, công bố đến mức nào, thực sự phải cân nhắc.

Cuối cùng thì một cuộc họp báo chính thức cũng diễn ra sau nhiều lần "dền dứ" tưởng như không tổ chức được. Tuy nhiên, vì áp lực của truyền thông, sự hé mở một phần thông tin trong cuộc họp vào 23h ngày 21-7 đã khiến những cản trở tiến trình công khai sự thật được dỡ bỏ.

Sự thật ở Hà Giang và Sơn La được ví như những cơn cuồng phong của một trận bão lớn. Nó để lại một hậu quả tan hoang cho đến gần một năm sau chưa thể khắc phục.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 2: Đi tìm cây kim trong bọc - Ảnh 4.

Cuộc họp nội bộ của ông Mai Văn Trinh và tổ công tác với Ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La - Ảnh tư liệu

Khôi phục niềm tin từ đống hoang tàn

Trao đổi trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, những cán bộ tham gia ban chỉ đạo thi ở Hà Giang, Sơn La thú nhận cho tới bây giờ đó vẫn là sự u ám chi phối mạnh mẽ đến tất cả cán bộ, giáo viên. Họ thực sự đang phải khôi phục niềm tin từ sự hoang tàn.

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu

TTO - Chưa bao giờ có một vụ gian lận thi phức tạp, bí ẩn, bất ngờ kéo dài từ kỳ thi năm trước đến sát kỳ thi năm nay như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Nhìn lại vụ gian lận này để có bài học sâu sắc cho kỳ thi năm nay và các kỳ thi kế tiếp...

VĨNH HÀ - THY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên