09/11/2024 07:47 GMT+7

Học sinh giỏi toán của tỉnh phân loại ve chai thuần thục, thành tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM

Chế Hoàng Du, vừa đậu vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM, là học sinh giỏi toán của tỉnh Tiền Giang, từ bé đã đi lượm ve chai cùng mẹ, thân thuộc với các loại rác.

Học sinh giỏi toán của tỉnh phân loại ve chai thuần thục, thành tân sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh 1.

Công việc của bà Chế Thị Phương Dung là đi lượm ve chai. Mỗi ngày bà kiếm được vài chục ngàn, bữa nào nhiều thì khoảng 100.000 đồng. Đây là khoản thu nhập duy nhất để bà nuôi hai đứa con trai học đại học - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Người mẹ lượm ve chai tuyệt vời của hai cử nhân tương lai

Du còn có anh ruột Chế Hoàng Duy, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học tự nhiên

Căn nhà nhỏ của Du nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đống Đa (khu phố 3, P.4, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) những ngày này ngập trong đống ve chai. Bà Chế Thị Phương Dung cùng hai đứa con trai đang miệt mài phân loại ve chai để chuẩn bị chở đi bán.

"Mấy ngày nay người tôi đau nhức, chân bước không nổi nên ve chai bị dồn ứ lại. Sẵn bữa nay cả hai đứa được nghỉ học về quê thăm mẹ, tụi nó phụ làm luôn", bà Dung ngại ngùng nói như thể đang thanh minh cho căn nhà bề bộn.

Mẹ - gánh ve chai và hai cử nhân tương lai - Ảnh 2.

Bà Dung lượm nhặt tất cả những gì mà người khác thải bỏ, biến chúng thành nguồn thu nhập chính để nuôi hai anh em Duy và Du - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Giữa đống ve chai chất cao như núi, hai anh em Duy và Du thuần thục xé toạc các hộp giấy phế phẩm, sau đó xếp lại gọn gàng thành một kiện. Còn những chai nhựa, những thanh kim loại… được chất riêng, sau đó dồn vào từng bao lớn rồi chất vào góc nhà.

Thấy khách kinh ngạc trước sự phân loại ve chai thuần thục của hai đứa con, bà Dung cười nói: "Hai anh em nó theo mẹ đi lượm ve chai từ nhỏ. Tối về học bài xong hai đứa phụ mẹ phân loại rồi đóng gói. Làm riết rồi quen tay, quen mùi hôi thối của rác luôn. Bây giờ một đứa sắp ra trường, đứa vào đại học nhưng tụi nó cũng không ngại làm những công việc như vậy đâu".

Gần 60 tuổi, nhưng bà Dung chưa một ngày dám nghỉ ngơi. Những công việc mưu sinh cứ xoay vòng bám riết lấy bà kể từ lúc lập gia đình đến nay. Từ bán dạo, lao công đến lượm ve chai bà đều đã làm qua. Nếu ngày nào không đi lượm ve chai nổi thì bà ở nhà ngồi phân loại để chở đi bán.

Bởi theo bà, đoạn đường gian truân với ba mẹ con bà vẫn chưa hết. "Tui phải ráng thêm 4 năm nữa, khi nào thằng Du tốt nghiệp đại học ra trường tui mới an tâm. Tui sợ không biết còn trụ được tới đó hay không", bà Dung gượng cười, tay bóp mạnh vào hai đầu gối vốn thường xuyên bị đau nhức của mình.

Lần hồi về những năm tháng xa xôi, bà Dung kể sau khi lấy chồng rồi có với nhau 2 mặt con, lúc rảnh rỗi bà lại đẩy xe đi lượm ve chai. Mãi sau này, dù nhiều lần thay đổi công việc nhưng bà vẫn tranh thủ đi lượm ve chai kiếm thêm.

Cho đến một ngày, khi Chế Hoàng Du lên 6 tuổi thì hai vợ chồng thôi nhau, bà Dung chính thức chọn nghề lượm ve chai để mưu sinh. Những đồng tiền cóp nhặt từ những thứ đồ mà người khác bỏ đi giúp bà nuôi 2 đứa con ăn học và trả hết khoản nợ mà chồng để lại.

Thêm một lý do mà mãi về sau bà Dung mới cho các con biết vì sao bà gắn bó với nghề lượm ve chai, đó là để tận dụng những bộ quần áo, những quyển sách cũ để cho con không bị dang dở việc học.

Chế Hoàng Duy và Chế Hoàng Du lớn lên, đi học nhờ gánh ve chai của mẹ - Thực hiện: MẬU TRƯỜNG - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG

Sách giáo khoa, quần áo từ ve chai: Giải nhì học sinh giỏi toán tỉnh, trúng tuyển Đại học Kinh tế TP.HCM

Học sinh giỏi toán của tỉnh phân loại ve chai thuần thục, thành tân sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh 4.

Căn nhà của ba mẹ con luôn ngập trong đồ ve chai. Đây là khoản thu nhập chính để nuôi sống bà Dung cùng hai người con đang học đại học - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trên kệ sách của hai anh em Duy và Du, toàn bộ đều là những quyển sách chọn ra từ đống ve chai đi lượm hằng ngày. Từ lớp 1 đến lớp 12, hai anh em chưa lần nào phải mua sách mới.

"Hồi còn nhỏ, tôi cũng rất ngại với bạn bè vì mọi đồ dùng học tập, quần áo đều là đồ cũ. Trong khi các bạn ai cũng đồ mới, sách mới còn thơm mùi giấy. Nhưng đến năm cuối THCS, tôi không còn ngại nữa. Thậm chí tôi còn cảm thấy may mắn vì dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy nhưng chưa lần nào mẹ có ý định bắt hai anh em tôi phải nghỉ học", Du nói.

"Tôi nhớ lúc mới lên cấp 2, vừa mặc chiếc áo trắng đến trường ngày khai giảng thì ngay lập tức mấy bạn học chỉ trỏ cười tủm tỉm. Một hồi sau tôi mới biết do chiếc áo của tôi còn in logo của một ngôi trường khác nên mấy bạn nhận ra. Tôi chỉ biết cười trừ cho qua chuyện", Du kể lại và cho biết thêm sau lần đó, các bạn cũng xem chuyện Du xài quần áo, sách vở, giày dép…cũ đi học là chuyện bình thường.

Ngay cả chiếc bàn học tập của hai anh em Duy và Du cũng là đồ phế thải lượm về sửa sang, tân trang lại. Nhưng chiếc bàn cũ kỹ, chắp vá đó cũng làm bệ đỡ dẫn lối hai anh em lần lượt vào giảng đường đại học.

Học sinh giỏi toán của tỉnh phân loại ve chai thuần thục, thành tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh 5.

Dù cuộc sống nghèo khó, mọi vật dụng trong nhà đều tận dụng từ đồ ve chai, Du luôn đạt thành tích cao trong học tập và xuất sắc trở thành tân sinh viên ngành tài chính của Trường đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Riêng Chế Hoàng Du suốt 12 năm liền là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Du đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh THPT môn toán.

Du cũng là một trong những học sinh xuất sắc được Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tuyên dương. Trước đó, trong kỳ thi chọn vào lớp 10 Trường Nguyễn Đình Chiểu, Du đứng thứ 40 trong số 700 học sinh được chọn.

Mới đây, Du trở thành tân sinh viên ngành tài chính của Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

Săn học bổng trang trải cuộc sống

Dù có thành tích học đáng nể, nhưng Du chưa bao giờ nhận mình là người giỏi. Du nói: "Việc học của tôi cũng như công việc lượm ve chai của mẹ. Kiến thức của tôi được tích lũy từ từ qua những bài tập, còn ve chai của mẹ thì tích góp ngày qua ngày mới đầy".

Giờ đây gánh ve chai của mẹ lại oằn thêm gánh nặng khi cả hai anh em lần lượt bước vào giảng đường đại học, và học tại một nơi đắt đỏ nhất cả nước.

Du dựa vào sức học của mình để mong lấy được các suất học bổng, trong đó có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho mẹ.

Ông Lê Liên Hoàng - bí thư chi bộ, trưởng khu phố 3 (phường 4, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) - cho biết gia đình bà Chế Thị Phương Dung là hộ nghèo. "Nhà có 3 mẹ con, hai đứa đi học, mẹ làm nghề lượm ve chai từ hàng chục năm qua. Mới đây, thấy hoàn cảnh khó khăn quá nên chúng tôi đã vận động được nhà tài trợ sửa lại căn nhà nên cũng đỡ một phần vất vả.

Tuy nhiên, hiện nay hai đứa con vào đại học, nên thu nhập từ nghề ve chai của bà Dung sợ không đủ trang trải. Tôi mong có nhà tài trợ giúp ba mẹ con bà Dung được phần nào đỡ phần đó", ông Hoàng nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Bị bỏ rơi từ nhỏ, được nhiều người dưng nuôi lớn, chàng trai đậu Đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh 4.

Gánh ve chai của mẹ và hai cử nhân tương lai - Ảnh 9.Chưa có tiền, vẫn mang ba lô ‘đi đại’ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội

Ông bà ngoại cố gắng cho Hường học xong cấp 3 để tránh mù chữ rồi đi làm công nhân lấy tiền nuôi mẹ bệnh nặng. Nhưng đâu ngờ cháu gái lại ham học và đậu đại học với số điểm cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên