Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) phải trả 0,8 - 1,5 triệu đồng/tháng cho chi phí thuê phòng trọ (15 - 20m2), chưa kể tiền điện nước - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hôm qua 15-8 là hạn cuối để doanh nghiệp nộp danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 của Thủ tướng (gói 6.600 tỉ đồng) lên UBND cấp huyện và ngày 31-8 là hạn cuối để các địa phương phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Thủ tướng 4 lần đốc thúc
Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ từ gói 6.600 tỉ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng) và người lao động quay trở lại thị trường lao động (1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng) có hợp đồng lao động, đang thuê trọ từ ngày 1-2 đến 30-6-2022.
Người lao động có giấy đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (theo mẫu) để doanh nghiệp tổng hợp. Danh sách đề nghị được doanh nghiệp niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày trước khi gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để xác nhận (thời gian xác nhận là 2 ngày làm việc). Sau khi có xác nhận của BHXH, doanh nghiệp gửi danh sách đến UBND cấp huyện, hạn cuối nhận hồ sơ là 15-8-2022.
Thời gian thẩm định hồ sơ trình UBND cấp tỉnh là 2 ngày làm việc. UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Quy định rất rõ như vậy nhưng thực tế thời gian qua việc triển khai, tiếp nhận và phê duyệt hỗ trợ ở nhiều địa phương diễn ra rất chậm đến mức Thủ tướng phải sốt ruột. Sau quyết định 08 ngày 28-3, ngày 19-5 Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp đăng ký và phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Tiếp đó Văn phòng Chính phủ 3 lần có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đốc thúc Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương khẩn trương giải ngân gói 6.600 tỉ để kịp tiến độ quy định. Ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15-8 phải tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, ngoài một số địa phương có tiến độ chi trả tiền thuê nhà cho người lao động tốt, nhiều địa phương giải ngân rất chậm. Thậm chí đến ngày 14-8, số liệu tổng hợp cho thấy tỉnh Phú Yên chưa giải ngân đồng nào.
Theo ông Vũ Trọng Bình - cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tỉ lệ chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại các địa phương tăng nhiều lần sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (ngày 3-8) chứng tỏ nguyên nhân chậm chi trả hỗ trợ người lao động là do nhận thức và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
"Khi Thủ tướng chỉ đạo, nhiều lãnh đạo quan tâm và tổ chức, bố trí nhân lực thực hiện quyết định 08 nên tỉ lệ giải ngân rất cao. Các tỉnh thành có lượng hồ sơ lớn, trọng điểm, tình hình giải ngân rất tốt như Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội", ông Bình đánh giá.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp để đốc thúc, chỉ đạo gỡ khó, nhất là khi ngân sách trung ương đã hoàn thành tạm ứng 70% về địa phương từ tháng 7-2022.
Một khu nhà trọ công nhân ở khu phố 3, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Có quyết định là phải giải ngân ngay
Thực tế cho thấy chỉ những nơi chính quyền địa phương chủ động đôn đốc thì việc lập danh sách, phê duyệt và chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân mới diễn ra nhanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phương Liên, trưởng phòng việc làm và an toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết UBND TP đã ủy quyền cho quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ để rút ngắn thời gian chi trả.
"Cứ có quyết định đến đâu là giải ngân đến đấy, tỉ lệ giải ngân đạt 92,5% so với số đã được phê duyệt. Chúng tôi phấn đấu không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ và hoàn thành chi trả cho người lao động đề nghị hỗ trợ thuê nhà trước 30-8", bà Liên cho hay.
Tính tới 17h chiều 14-8, TP Hà Nội đã giải ngân trên 104 tỉ đồng cho hơn 208.000 lượt lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và khoảng 8,9 tỉ đồng cho hơn 8.900 lượt lao động quay trở lại thị trường lao động. Số giải ngân ước tính gần 70% so với dự kiến của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.
Còn tại "điểm sáng" Bắc Giang, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Văn Hà cho hay ngay sau khi Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, sở đã tổ chức tập huấn, soạn, gửi tài liệu hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đến toàn bộ nhân sự của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Sở cũng lập các nhóm Zalo, công khai số điện thoại cán bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, cán bộ hướng dẫn và giải đáp vướng mắc phát sinh. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên rà soát, đôn đốc, giám sát doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động. Sở còn bố trí 1 tổ công tác hỗ trợ huyện Việt Yên đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp.
"Đến nay UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách. Các huyện đã chủ động cân đối nguồn, ưu tiên bố trí trước kinh phí giải ngân trong khi chờ ngân sách từ trung ương phân bổ về", ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, đến ngày 14-8, Bắc Giang đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của trên 200.000 lượt người lao động với số tiền khoảng 108 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành phê duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 20-8.
Tiến độ giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân (tính đến ngày 14-8) - Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Giao quyền cho huyện để giải quyết nhanh hơn
Ngày 15-8, ông Lý Văn Cẩm, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, cho biết đến nay các doanh nghiệp có quy mô lớn trong tỉnh hầu như đã gửi hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân. Theo ước tính, số lao động được hỗ trợ ở tỉnh khoảng 33.000 người.
Ông Cẩm cho biết tiến độ giải quyết chế độ cho người lao động nhanh một phần là nhờ UBND tỉnh Tiền Giang đã giao quyền cho các huyện xét duyệt, chi trả hỗ trợ cho người dân nên không xảy ra quá tải, người lao động không mất công chờ đợi. Để đảm bảo việc hỗ trợ được công bằng, tỉnh đã lập đoàn giám sát để theo dõi, chỉ đạo việc hỗ trợ người lao động được tốt hơn, nhanh hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, cho biết toàn tỉnh đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ 10.265 lao động với số tiền hơn 5,6 tỉ đồng.
"UBND tỉnh đã phê duyệt 9.439 công nhân với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng. Hiện đã chi hỗ trợ 5.870 lao động của 7 doanh nghiệp, với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng, đạt 62,19% so với tổng số phê duyệt", ông Út cho biết.
Theo ông Út, trước đó việc chi trả có chậm là do chưa xác định được nguồn kinh phí. Tuy nhiên sau đó địa phương đã cho chủ trương ứng trước tiền để chi trả nên việc hỗ trợ người lao động được đẩy nhanh hơn.
MẬU TRƯỜNG
Địa phương giải ngân "nhỏ giọt" nói gì?
Nghệ An là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 1%, tính tới ngày 14-8. Ông Bùi Văn Hưng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho hay nguyên nhân chậm giải ngân do tâm lý của người lao động và người sử dụng lao động chờ lập hồ sơ đề nghị gộp 3 tháng; một số cán bộ, doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm khi hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ nên còn tình trạng người lao động phải làm lại hồ sơ.
Ngoài ra có nhiều trường hợp sau khi rà soát thì không còn thuộc đối tượng hỗ trợ do đã được doanh nghiệp hỗ trợ ký túc xá. Chẳng hạn một công ty về thiết bị điện tử ở Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có khoảng 1.000/5.598 lao động thuê trọ ngoài, được công ty lập danh sách đề nghị hỗ trợ nhưng hơn 3.500 người còn lại ở trong khu ký túc xá của công ty nên không được hỗ trợ.
Theo ông Hưng, sau khi rà soát, toàn tỉnh có 6.520 người thuộc đối tượng thụ hưởng với kinh phí khoảng 8,67 tỉ đồng. Con số này giảm 11.480 người và 30,3 tỉ đồng so với dự kiến ban đầu. Đến ngày 15-8, UBND tỉnh Nghệ An đã giải ngân cho 1.057 lao động, kinh phí trên 1,55 tỉ đồng.
DOÃN HÒA
TP.HCM: công nhân chờ nhận tiền hỗ trợ
Anh Trần Văn Phố (quê Quảng Bình), đang làm công nhân của một công ty tại TP Thủ Đức, cho biết anh nhận được tiền hỗ trợ nhà trọ 495.600 đồng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
UBND TP.HCM đã ra văn bản đốc thúc các quận huyện đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân nhưng người lao động, doanh nghiệp cho hay vẫn đang đợi nhận tiền dù đã nộp hồ sơ từ lâu.
Chị Trần Thị Lan, 34 tuổi, công nhân may Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), cho biết chị đã nộp giấy xác nhận ở trọ để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà cho công ty từ giữa tháng 5. Với thâm niên gần chục năm, mức lương chị Lan nhận được gần 9 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chật vật xoay xở khi giá xăng, tiền chợ búa tăng chóng mặt từ sau Tết.
"Nhận được mỗi tháng 500.000 đồng, 3 tháng 1,5 triệu chưa đủ tiền phòng trọ một tháng đâu nhưng thời buổi khó khăn được hỗ trợ bao nhiêu cũng mừng. Nhưng chờ lâu quá nên không nhắc chắc quên luôn rồi. Công nhân công ty đa số ở trọ mà, giờ đâu đã có ai nhận được. Những người ở cùng khu trọ làm công ty khác cũng chưa nhận được", chị Lan cho biết.
Ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết công ty có khoảng 26.800 người lao động đã làm hồ sơ để nhận gói hỗ trợ tiền thuê nhà và đã nộp hồ sơ lên BHXH từ cuối tháng 4. "Thấy nhiều doanh nghiệp khác cùng quận có số lao động ít hơn đã nhận được tiền rồi. Công ty cũng đang chờ nhận tiền hỗ trợ để chuyển cho công nhân", ông Nghiệp cho biết.
Nhiều doanh nghiệp có đông lao động cũng đang chờ tiền hỗ trợ rót về để chi cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP Thủ Đức), cho biết công ty có gần 80% trong số 5.000 công nhân thuộc diện nhận gói hỗ trợ tiền thuê nhà.
"Công nhân cũng đang ngóng, nhiều người mới hỏi chừng nào có tiền hỗ trợ nhưng cũng chưa biết khi nào có", bà Vân cho biết. Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức) có 1.500 công nhân đang chờ nhận gói hỗ trợ này.
Ngày 12-8, 3 ngày trước hạn cuối nhận hồ sơ, UBND TP.HCM đã đốc thúc các quận, huyện và sở, ngành liên quan đẩy nhanh gói hỗ trợ bằng cách tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ vào ngày thứ bảy, chủ nhật.
Theo UBND TP, gói hỗ trợ tiền thuê nhà đã triển khai từ tháng 4 nhưng chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có sự lãnh đạo và chỉ đạo của người đứng đầu của một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
UBND TP giao chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đồng thời người đứng đầu chịu trách nhiệm trong các trường hợp địa phương không hoàn thành tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết do gói hỗ trợ quy định doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ cho người lao động nhận gói hỗ trợ theo từng tháng với tối đa 3 lần nộp hoặc gộp 2 - 3 tháng với hạn cuối là ngày 15-8 nên nhiều doanh nghiệp đã chờ gộp hồ sơ cho cả 3 tháng để nộp 1 lần.
Điều này dẫn đến lượng hồ sơ dồn vào một thời điểm khiến quận, huyện gặp khó khăn để tiếp nhận, xử lý. "Từ cuối tuần qua, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đều đã tăng cường nhân lực tối đa để kịp tiến độ gói hỗ trợ", ông Lâm cho hay.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến hết ngày 15-8, hạn chót để nộp hồ sơ của gói hỗ trợ tiền thuê nhà, toàn TP đã tiếp nhận hơn 1,2 triệu lượt hồ sơ của người lao động. Trong đó có gần 570.000 lượt hồ sơ đã được quận, huyện duyệt chi hỗ trợ (chiếm khoảng 51,9% số đã tiếp nhận).
Số tiền chi hỗ trợ đến nay là khoảng 191,188 tỉ đồng, trong đó TP Thủ Đức, Củ Chi, Bình Tân là 3 địa phương đã chi nhiều nhất.
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận