07/04/2017 08:25 GMT+7

Hãy quên đi tư duy đẩy việc

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - “Nếu tất cả mọi việc đều trình lên xin ý kiến Thủ tướng thì công việc sẽ ách tắc. Trong thẩm quyền mà không làm thì anh đang né tránh trách nhiệm, và người dân cũng có quyền đặt câu hỏi liệu có phải anh đang có lợi ích gì ở đó?”.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định như vậy trước ứng xử của Bộ Giao thông vận tải về đề xuất về giá sàn vé máy bay.

Nguy cơ một thị trường hàng không giá rẻ mới phát triển có thể bị bóp chết bởi đề xuất được xem là có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh này. Điều này cũng có nghĩa cơ hội đi máy bay của mọi người cũng bị thu hẹp lại.

Một hãng hàng không đã tính toán, đề xuất này khi được thông qua sẽ giúp hãng tăng doanh thu khoảng 2.500 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, đây là hành vi can thiệp quá sâu, làm méo mó thị trường và làm giảm bớt sự cạnh tranh. “Nhà nước phải vì người tiêu dùng trước hết, chứ không phải vì các hãng hàng không. Cách hành xử phải có trách nhiệm, là làm đúng luật và theo thị trường” - ông Dũng nói.

Thế nhưng, thay vì thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình, bộ này lại đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng với lý lẽ “chỉ để định hướng”. Thực trạng này là rất đáng quan ngại, không những làm cho người đứng đầu Chính phủ bị quá tải, mà chế độ trách nhiệm sẽ khó được vận hành và khả năng phản ứng nhanh nhạy trước các vấn đề cũng bị hạn chế.

Chuyện đẩy việc lên Thủ tướng không còn là vấn đề mới. Đến nỗi trong một phiên họp Chính phủ vào cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải “nhắc nhở” các bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền và đừng đá ngược “quả bóng trách nhiệm” lên Chính phủ, Thủ tướng và các phó thủ tướng. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã phải liên tục nhắc nhở vấn đề này và yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện.

Khi từng cán bộ, lãnh đạo bộ ngành, địa phương chủ động giải quyết công việc liên quan mật thiết tới người dân thì tinh thần Chính phủ hành động mới thực sự thấm nhuần trong toàn hệ thống. Có thế mới tạo được bước đột phá trong cải cách bộ máy, thủ tục hành chính, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hơn lúc nào hết trong mỗi vấn đề, người dân cần nhất là một thái độ dứt khoát, thể hiện rõ trách nhiệm của người quản lý, trên cơ sở tôn trọng pháp luật, thúc đẩy phát triển và bình đẳng lợi ích giữa các bên.

Không chỉ vậy, sự đùn đẩy, thiếu dứt khoát còn phát đi những thông điệp không tốt cho cả cơ quan quản lý lẫn người tham gia thị trường và người dân. Lẽ ra, trước đề xuất về giá sàn vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải phải có thái độ hành xử dứt khoát thay vì đùn đẩy. Làm được vậy sẽ tránh bật ra những câu hỏi liệu có hay không “lợi ích nhóm” đằng sau đề xuất áp giá sàn.

Thói quen việc gì cũng xin ý kiến khiến việc giải quyết chậm trễ, ách tắc. Những bức xúc của người dân cũng khó được giải quyết kịp thời. Không thể chấp nhận tồn tại tư duy ỷ lại, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thẩm quyền, sẽ tạo ra sức ì, là rào cản lớn, cản trở sự phát triển và nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên