
Nhà bán hàng Việt tìm hiểu về sàn thương mại điện tử Amazon - Ảnh: BÔNG MAI
Từng mặt hàng này có giá trị thấp, số lượng nhỏ nhưng tổng doanh số trên các sàn sẽ rất lớn. Chẳng hạn, chỉ riêng sàn Amazon mỗi năm có khoảng 14 - 17 triệu sản phẩm hàng Việt có đặc điểm tương tự được bán ra với doanh số khá lớn.
Hàng Việt được đánh giá 5 sao trên sàn quốc tế
Truy cập vào sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon, khách hàng Mỹ và nhiều quốc gia trên toàn cầu dễ dàng tìm kiếm và chọn mua nhiều mặt hàng xuất xứ Việt Nam.
Vào một gian hàng Việt trên Amazon, mặt hàng xơ mướp có chiều dài khoảng 15cm, gắn thêm dây vải nhỏ được rao bán với giá khoảng 245.000 đồng/bốn miếng.
Theo giới thiệu, đây là sản phẩm tự nhiên, không hóa chất, làm thủ công cẩn thận và có thể tái chế.
Miếng xơ mướp này được nhiều người tiêu dùng quốc tế tin tưởng, chọn mua làm bông tắm, để lại phản hồi tốt. Khách hàng có tài khoản Sunny (Mỹ) nhận định đây là sản phẩm tuyệt vời, không có mùi, hiệu quả trong việc tẩy tế bào chết cho da, hơi mềm, không quá lớn nên đánh giá cao.
Trong khi đó, một khách hàng khác cũng ở Mỹ để lại đánh giá 5 sao kèm nhận xét: "Sản phẩm không gây trầy xước, nhẹ nhàng với làn da của tôi, nhưng vẫn có tác dụng tẩy tế bào chết tuyệt vời!(...) Nếu bạn muốn có một lựa chọn tự nhiên, thân thiện với môi trường cho quy trình chăm sóc da của mình thì đây là gói hoàn hảo".
Ở một gian hàng khác bán cà phê Việt Nam, có khách cũng để lại bình luận: "Đây là một loại cà phê rất mạnh với hương vị và mùi thơm tuyệt vời. Tôi rất thích loại cà phê này. Giao hàng rất nhanh. Việc giao tiếp với người bán rất tốt".
Bên cạnh sản phẩm giá trị cao, nhiều tiểu thương Việt cũng nhảy vào thị trường với hàng hóa có giá trị thấp, số lượng nhỏ với ngành hàng khá đa dạng như: dầu gội thảo dược, kem dưỡng da, mặt nạ giấy, ví da thủ công, túi mây, khăn choàng, đồ trang sức nhỏ, đồ chơi, cà phê, gia vị nấu lẩu, gia vị phở, trà thảo mộc...
Theo thống kê của Amazon trong 5 năm từ 2019 - 2023, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon.
Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện trên trường quốc tế. Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%.
Số lượng các đối tác bán hàng Việt tham gia chương trình đăng ký thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần. Top 5 danh mục sản phẩm có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon gồm: sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Những con số ấn tượng trên chứng minh tiềm năng, tiềm lực dồi dào của các doanh nghiệp Việt Nam để bứt tốc mạnh mẽ với TMĐT toàn cầu.
Gom tiền lớn từ những món hàng giá trị nhỏ
Với việc tăng áp thuế với nhiều quốc gia trên thế giới, đầu tháng 4 Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký sắc lệnh hành pháp, chấm dứt chính sách miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị nhỏ từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc). Theo đó, từ ngày 2-5 tới đây tất cả mặt hàng gửi theo đường thương mại hoặc bưu chính từ hai khu vực trên đều phải chịu thuế.
Đặc biệt, hàng gửi qua mạng bưu chính sẽ bị áp mức thuế cố định 30% giá trị, hoặc 25 USD/món hàng (tăng lên 50 USD sau ngày 1-6-2025). Mọi hãng vận chuyển đều phải kê khai chi tiết và ký quỹ với hải quan Mỹ để đảm bảo nộp thuế đúng hạn.
Phía Nhà Trắng giải thích lệnh hành pháp trên nhằm lấp lỗ hổng thương mại được sử dụng để vận chuyển các gói hàng giá trị thấp miễn thuế từ Trung Quốc.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) - nhận định đây là "cú đánh nghiêm trọng vào các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp TMĐT chuyên bán hàng giá rẻ trực tiếp sang Mỹ như Shein, Temu, AliExpress".
Trước đây, chính sách de minimis (những sản phẩm có giá trị thấp hoặc số lượng nhỏ) cho phép "công xưởng thế giới" gửi hàng hóa giá trị thấp miễn thuế trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ, tạo lợi thế lớn về giá và tốc độ giao hàng.
Việc bãi bỏ đặc quyền này khiến mọi đơn hàng đều bị đánh thuế, làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thông quan và giảm khả năng cạnh tranh. Trong bối cảnh Trung Quốc đã bị áp hàng loạt thuế khác, sắc lệnh mới buộc các công ty nước này phải tìm cách chuyển chuỗi cung ứng hoặc thâm nhập thị trường Mỹ qua đối tác thứ ba.
"De minimis là hàng bưu kiện, gói nhỏ bán bằng cách gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên giá trị và lợi ích của buôn bán mặt hàng này không hề nhỏ", ông Tuấn nói.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không bị áp dụng chính sách de minimis mới, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế cho hàng giá trị thấp. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp và doanh nhân năng động có thể mở các "gian hàng" của mình trên Amazon hay các nền tảng TMĐT khác.
Điều này giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh bán hàng trực tiếp qua các nền tảng TMĐT như Amazon, Etsy hoặc xây dựng thương hiệu riêng tại Mỹ. Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng năng lực xuất khẩu hàng tiêu dùng, dệt may, linh kiện điện tử...
"Dù vậy để giữ uy tín, các doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh sự minh bạch, tuân thủ quy tắc xuất xứ để tránh bị gộp chung với Trung Quốc trong các biện pháp trừng phạt tiếp theo của Mỹ", ông Hoàng Anh Tuấn khuyến cáo.
Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 296.300 tỉ đồng vào năm 2027

Nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng đưa hàng hóa lên sàn quốc tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo dự báo của Hãng tư vấn AccessPartnership (Anh), giá trị xuất khẩu TMĐT B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296.300 tỉ đồng vào năm 2027.
Trong khi đó, dữ liệu từ phía sàn Amazon cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên Amazon tăng gấp 10 lần, chỉ riêng giai đoạn 2019 - 2023. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) ước tính năm 2025 doanh số TMĐT của Việt Nam có thể cán mốc tới 45 tỉ USD.
Tại sự kiện "Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam - Tăng trưởng toàn cầu cùng Amazon" vào đầu tháng 4-2025, ông Hoàng Minh Chiến - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ quan điểm xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc tận dụng các nền tảng số giúp nâng cao hiệu quả kết nối thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt thích ứng nhanh với xu hướng mới...
Hàng "de minimis" là gì?
Trong ngành TMĐT quốc tế, "de minimis" là thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm có giá trị thấp hoặc số lượng nhỏ, thường được miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu. Mỗi quốc gia có quy định khác nhau về giá trị "de minimis".
Ví dụ, đối với Mỹ các sản phẩm nhập khẩu có giá trị thấp dưới một ngưỡng nhất định (dưới 800 USD, khoảng 20,6 triệu đồng) có thể được miễn thuế, không phải chịu các thủ tục hải quan phức tạp.
Theo đó, sản phẩm thường được coi là "de minimis" ở Mỹ gồm: hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép, mỹ phẩm hoặc các sản phẩm điện tử với giá trị thấp), sản phẩm nhỏ lẻ (quà tặng, vật dụng cá nhân, sách, hàng hóa mang tính chất dùng thử giá dưới 800 USD), thực phẩm và đồ uống có giá trị thấp, sản phẩm điện tử nhỏ (điện thoại di động, máy tính bảng hoặc phụ kiện điện tử nhỏ, khi có giá trị dưới ngưỡng quy định)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận