04/04/2025 13:36 GMT+7

Trước thuế 46%, Mỹ chuộng mặt hàng gỗ nào của Việt Nam mà tiêu tốn 7-9 tỉ USD mỗi năm?

Nhiều năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn và quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị thu về từ 7 - 9 tỉ USD mỗi năm.

Việt Nam - Ảnh 1.

Ngành sản xuất gỗ ở Việt Nam - Ảnh: TTO

Liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo ông Tiến, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất với kim ngạch năm 2024 khoảng 13,8 tỉ USD và giá trị xuất siêu 10,8 tỉ USD.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất.

Trong 4 năm gần đây, mỗi năm Mỹ chi khoảng 7-9 tỉ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Riêng năm 2024, Mỹ chi 8,8 tỉ USD (cao nhất từ trước đến nay) để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, tăng 24% so với năm 2023; chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam (15,9 tỉ USD) và chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ (97,1 tỉ USD).

Viforest cho biết các hàng đồ gỗ là mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ vào thị trường này, còn lại là nhóm gỗ và sản phẩm nguyên liệu khác.

Dẫn đầu trong các sản phẩm xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ trong năm 2024 là ghế ngồi với kim ngạch đạt trên 2,78 tỉ USD, tăng 23% so với năm trước, chiếm gần 32% tổng kim ngạch.

Đứng thứ hai là nội thất bằng gỗ khác với kim ngạch 1,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2023 chiếm hơn 17% tổng kim ngạch.

Tiếp đến là nội thất phòng ngủbộ phận đồ gỗ khi đều thu về gần 1,2 tỉ USD, đều tăng 30% so với năm trước, hai mặt hàng này chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch.

Đứng thứ năm là nội thất sử dụng trong phòng bếp khi thu về 1 tỉ USD, tăng 19% so với năm ngoái và chiếm khoảng 11,5% tổng kim ngạch.

Các mặt hàng ván ghép, đồ mộc xây dựng; gỗ dán/gỗ ghép; nội thất văn phòng thu về lần lượt 376, 310 và 230 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, năm 2024 Việt Nam chi khoảng 316 triệu USD (tăng 32%, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu) để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Mỹ. Ba mặt hàng chính nhập khẩu là gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer.

Như vậy, năm 2024 Việt Nam xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ khoảng 8,5 tỉ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 3 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2024.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay khi chiếm tới 53% thị phần, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 18 tỉ USD, cao hơn năm trước khoảng 2 tỉ USD, trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực.

Hôm qua, ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - bày tỏ mức thuế 46% mà tổng thống Mỹ đưa ra đối với hàng hóa Việt Nam là "khủng khiếp" và hy vọng Việt Nam có thể đưa ra đàm phán, bởi nhiều nhận định trước đó cho rằng mức thuế dự kiến thấp hơn, song con số 46% doanh nghiệp gỗ sẽ rất khó khăn.

Cũng theo ông Hoài, ngành gỗ đang chịu điều tra theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Vì thế có thể trước mắt chưa phải chịu áp mức thuế này, song cũng không thể đoán định được về khả năng đánh thuế sau cuộc điều tra của Mỹ.

Do vậy để ứng phó trước mắt, doanh nghiệp sẽ tìm cách đẩy hàng trước khi đưa ra phán quyết điều tra, và lệnh áp thuế nhằm giảm bớt thiệt hại và tìm cách cơ cấu lại hoạt động để giảm thiệt hại.

Mỹ chi 9 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng gỗ nào từ Việt Nam? - Ảnh 3.Ngành gỗ Việt không nằm trong diện áp thuế 46%?

Một số doanh nghiệp trong ngành gỗ vẫn đang trao đổi với nhau cũng như với các hiệp hội và đối tác trong chuỗi cung ứng nhằm làm rõ các khái niệm trong sắc lệnh liên quan đến thuế đối ứng mới được chính quyền Donald Trump công bố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên