03/04/2025 23:44 GMT+7

Ngành gỗ Việt không nằm trong diện áp thuế 46%?

Một số doanh nghiệp trong ngành gỗ vẫn đang trao đổi với nhau cũng như với các hiệp hội và đối tác trong chuỗi cung ứng nhằm làm rõ các khái niệm trong sắc lệnh liên quan đến thuế đối ứng mới được chính quyền Donald Trump công bố.

Ngành gỗ  - Ảnh 1.

Các khách hàng trao đổi với doanh nghiệp gỗ Việt Nam tại hội chợ Q-FAIR 2025 - Ảnh: BIFA

Chưa có cách hiểu thống nhất về mức thuế đối ứng liệu có áp cho ngành gỗ?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một số doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam bày tỏ băn khoăn: Liệu mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam nhập vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9-4 có áp dụng với ngành hàng này không? 

Để làm rõ vấn đề, họ phải đang trao đổi trong các hiệp hội và đối tác trong chuỗi cung ứng để làm rõ và hiểu chính xác các khái niệm trong sắc lệnh thuế đối ứng mới công bố của chính quyền Donald Trump.

Sự lo ngại này xuất phát từ việc bởi lẽ, sản phẩm gỗ nằm trong danh sách một số loại hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng theo sắc lệnh mới đây của chính quyền Trump.

Cụ thể, danh sách này gồm các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo mục 232; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo mục 232 trong tương lai; vàng thỏi và năng lượng cùng một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ. 

Dù vậy, một yếu tố khiến doanh nghiệp ngành gỗ chưa thể yên tâm là vào ngày 1-3, Tổng thống Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại khởi động cuộc điều tra với gỗ và sản phẩm gỗ, theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Dự kiến, báo cáo được đệ trình lên tổng thống trong vòng 270 ngày. 

Như vậy, liệu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ bị áp thuế từ 9-4 và cộng thêm mức thuế theo mục 232 nếu được đưa ra trong thời gian tới dù chưa rõ thời điểm nào? 

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), các sản phẩm đang bị điều tra theo mục 232, bao gồm các sản phẩm gỗ thuộc mã HS 94 (đồ gỗ) và từ mã HS 4414 đến 4421 chưa bị áp thuế ngay, mà còn chờ kết quả điều tra 270 ngày. Trong khi đó, gỗ dạng tấm và các sản phẩm thuộc mã HS 4401-4413 vẫn bị áp thuế 46%.

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng thông tin chưa rõ ràng về thuế đối ứng cũng khiến nhiều doanh nghiệp tại các nước khác lúng túng.

Ông Xiaofeng Xu, quản lý cấp cao tại Công ty luật thương mại quốc tế Sandler, Travis & Rosenberg (ST&R), cho biết hôm nay đã trao đổi với rất nhiều đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành khác nhau.

Ông quan sát, thị trường đang có nhiều phản ứng trái chiều trước các thông tin mâu thuẫn liên quan đến thuế với hàng hóa từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các ngành như thép và nhôm.

"Họ không biết liệu mức thuế mới được công bố có được cộng thêm vào các mức thuế hiện tại hay không", ông Xiaofeng Xu nói với Tuổi Trẻ Online.

Về ngành gỗ của Việt Nam, ông Xu cho rằng Mỹ đang mở cuộc điều tra mới theo mục 232 và kết quả sẽ được công bố trong vài tuần tới. "Vì thế, mặt hàng này của Việt Nam có thể sẽ có mức thuế được áp dụng, nhưng hiện tại không phải mức 46% từ ngày 9-4", ông Xiaofeng Xu phân tích.

Bình tĩnh tìm giải pháp

Trong khi doanh nghiệp ngành gỗ còn đang tìm kiếm thêm thông tin chính xác, một số ngành xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như điện tử và thủy sản sẽ chịu mức thuế 46% từ ngày 9-4 theo giờ miền Đông nước Mỹ (EST).

Là lãnh đạo một trong năm doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Sao Ta, cho rằng với mức thuế đối ứng lên tới 46%, cả người tiêu dùng Mỹ lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều khó có thể gánh vác chi phí này.

Không chỉ lo ngại về tác động tài chính, ông Lực còn đang chủ động trao đổi với các đối tác trong ngành để cập nhật thông tin và tìm kiếm giải pháp giúp con tôm Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại Mỹ trước tôm Ecuador và Ấn Độ.

"Tình hình này đòi hỏi Chính phủ cần có các cuộc đàm phán, trao đổi để hy vọng mức thuế sắp tới có thể giảm xuống mức chấp nhận được. Riêng Sao Ta, chúng tôi đang tìm thêm các thông tin thuế áp dụng ra sao", ông Lực cho biết.

Ông Xiaofeng Xu nhận định việc áp thuế đối ứng đã được dự đoán trong thời gian qua, vì vậy các doanh nghiệp không nên quá bất ngờ về quyết định này.

Trong bối cảnh đó, theo ông Xu, các doanh nghiệp có thể cân nhắc một số giải pháp như: tự gánh chi phí thuế, chấp nhận yêu cầu giảm giá từ các nhà nhập khẩu Mỹ hoặc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế.

"Thuế quan là một công cụ đàm phán. Việt Nam vẫn có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ để giảm hoặc loại bỏ mức thuế này trong những tháng tới. Vẫn còn vài ngày trước khi thuế có hiệu lực và sẽ có thêm thông tin chi tiết được công bố. Các quyết định kinh doanh không thể đưa ra trong vài ngày ngắn ngủi. Các công ty nên chuẩn bị cho các tình huống", ông Xiaofeng Xu nói.

Ngành gỗ Việt không nằm trong diện áp thuế 46%?  - Ảnh 5.Bộ trưởng Bộ Công Thương có công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên