
Shipper giao hàng cho khách trước một cao ốc văn phòng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nguyên nhân là cơ quan thuế lẫn sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn đang chờ nghị định hướng dẫn được thông qua. Trong khi đó, nhà bán hàng online gặp lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Các sàn chưa thể khấu trừ thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cả ba sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, TikTok Shop và Lazada) đều cho biết chưa tiến hành khấu trừ thuế đối với người bán - mô hình thu thuế đang áp dụng đối với tài xế công nghệ hiện nay.
Đại diện Shopee cho biết đơn vị tạm thời chưa tiến hành khấu trừ thuế, kê khai số thuế đã khấu trừ và nộp thuế thay người bán từ ngày 1-4-2025 như dự kiến trước đó cho đến khi có nghị định hướng dẫn chính thức ban hành. Trong thời gian chờ đợi, Shopee tiếp tục cập nhật các hướng dẫn từ cơ quan chức năng và thông báo đến người bán ngay khi có quy định chính thức về thời gian áp dụng, phương thức thực hiện và hỗ trợ người bán hàng trên sàn cập nhật các quy định của Luật Quản lý thuế.
Tương tự, đại diện TikTok Shop cũng cho biết tạm thời chưa tiến hành khấu trừ thuế của nhà bán hàng cho đến khi có hướng dẫn chính thức từ cơ quan nhà nước. "Do chưa có nghị định hướng dẫn việc kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân và hộ kinh doanh trên nền tảng TMĐT, TikTok Shop chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hướng dẫn để thực hiện nghĩa vụ này" - đại diện nền tảng này chia sẻ với Tuổi Trẻ.
TikTok Shop cũng bày tỏ "mong muốn có hành lang pháp lý cùng hướng dẫn thi hành rõ ràng, thời gian bắt đầu thi hành phù hợp để các bên liên quan cũng như nền tảng có thể triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tuân thủ pháp luật".
Cùng với lý do nghị định hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được Chính phủ ban hành, sàn Lazada cũng chưa thể xác định chính xác thời điểm, số tiền thuế khấu trừ, cách thức kê khai và nộp số thuế đã khấu trừ thay cho người bán như quy định. "Do đó chúng tôi tạm thời chưa khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho nhà bán hàng hoạt động kinh doanh trên sàn theo mốc thời gian 1-4", đại diện Lazada thông tin.
Người bán lúng túng
Trong khi đó, nhiều người kinh doanh trên sàn tại TP.HCM cũng hỏi nhau về việc sàn thu thuế thay. Đa phần người kinh doanh đều muốn sàn thực hiện việc này để họ tập trung vào việc kinh doanh. Nhà bán hàng cũng mong muốn ngành thuế có hướng dẫn với những doanh thu đã phát sinh từ trước 1-4-2025 thì sẽ xử lý như thế nào.
Anh Ng.V.Kh. - chủ tiệm chè và đồ uống trên đường Nghĩa Tân (Hà Nội), có gian hàng trên sàn - băn khoăn không biết nên nộp thuế hay chờ sàn nộp thay. Vì theo quy định của luật là từ 1-4 sàn kê khai và nộp thay người bán hàng.
Anh Ng.V.Kh. cho biết Shopee từng thông báo sẽ khấu trừ và nộp thuế thay người bán từ ngày 3-3, nhưng đến 31-3 lại thông báo tạm hoãn do chưa có hướng dẫn chi tiết. "Hiện tôi không rõ cá nhân bán hàng có phải tự nộp thuế không, vì luật quy định sàn nộp thay, nhưng sàn lại chưa thực hiện. Nếu sau này sàn nộp thay thì việc xử lý sẽ ra sao?" - anh băn khoăn, đồng thời mong Bộ Tài chính và cơ quan thuế sớm có hướng dẫn rõ ràng để người bán yên tâm thực hiện.
Cùng băn khoăn như trên, bà M.H.H. (Hải Phòng) - chủ tiệm hộ kinh doanh mỹ phẩm có gian hàng trên sàn - cũng mong sớm có nghị định hướng dẫn việc sàn sẽ khai và nộp thuế thay cho người bán hàng là hộ và cá nhân kinh doanh trên sàn. Bà H. lo với tình hình này liệu người bán có bị phạt, quy tội là trốn thuế?!
Cơ quan thuế cũng chờ
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Sơn - phó cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết việc sàn TMĐT nộp thay cho các cá nhân, hộ kinh doanh có dòng tiền kinh doanh trên sàn sẽ tạo thuận lợi và giúp tiết kiệm chi phí cho người kinh doanh. Dự thảo nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
"Cơ quan thuế đang tích cực trao đổi với các sàn. Việc sàn thực hiện kê khai nộp thuế thay là từ 1-4, nhưng tờ khai đầu tiên để khấu trừ và nộp thuế vào ngày 20-5. Trường hợp nghị định có hiệu lực thi hành thì sàn sẽ thực hiện chính sách này. Tất cả khó khăn vướng mắc của sàn nêu thì cơ quan quản lý thuế có giải pháp hỗ trợ tối đa" - ông Sơn thông tin.
Để hỗ trợ các tổ chức quản lý nền tảng TMĐT trong và ngoài nước thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay cho người bán hàng, Cục Thuế đang triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động TMĐT.
Đồng thời Cục Thuế cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tiếp nhận người nộp thuế là các tổ chức quản lý nền tảng thương mại, nền tảng số cũng như các mẫu biểu hồ sơ khai thuế để người nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của nghị định có thể thực hiện ngay khi nghị định có hiệu lực.
Nhằm có thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện cho hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT, từ 19-12-2024, cơ quan thuế vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Tính đến ngày 19-3, cổng đã hỗ trợ hơn 55.000 hộ và cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng này với số tiền nộp gần 410 tỉ đồng. Trong đó các địa phương có số tiền nộp thuế trực tiếp trên cổng cao nhất là Hà Nội (261 tỉ đồng), TP.HCM (71 tỉ đồng), Nam Định (7,1 tỉ đồng), Bắc Ninh (5,4 tỉ đồng).
Lẽ ra phải sớm ban hành nghị định hướng dẫn
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc sàn TMĐT nộp thuế thay người bán giúp thuận tiện và hạn chế thất thu thuế. Tuy nhiên do chưa có hướng dẫn cụ thể, cả sàn lẫn người kinh doanh đều lúng túng. Lẽ ra các văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành sớm, trước thời điểm áp dụng, hoặc ít nhất có thông báo rõ ràng nếu bị chậm để người nộp thuế chủ động thực hiện.
Còn hơn 300.000 gian hàng trên sàn chưa định danh được người bán
Trong dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính cho biết thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng phát triển. Quy mô thị trường tăng trưởng mạnh từ 16,4 tỉ USD năm 2022 lên đến 20,5 tỉ USD năm 2023 và đạt 25 tỉ USD trong năm 2024. Tuy nhiên, số thu thuế từ hoạt động TMĐT vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 17,4% tổng doanh thu toàn thị trường trong năm nay - giảm so với mức 20,1% của năm 2022.
Dù tổng thu từ TMĐT tăng từ 83.000 tỉ đồng (2022) lên 116.000 tỉ đồng (2024), phần đóng góp của hộ và cá nhân kinh doanh vẫn rất thấp, chỉ đạt 2.500 tỉ đồng trong năm 2024. Đáng chú ý, hiện có hơn 300.000 gian hàng trên các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab chưa xác định được danh tính người bán, với tổng doanh thu vượt 70.000 tỉ đồng. Có thể thấy rằng nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.
"Nên việc triển khai chính sách các sàn TMĐT thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân và hộ kinh doanh trên sàn sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch nghĩa vụ thuế của thương nhân kinh doanh trên sàn, nhất là đối với các gian hàng chưa được định danh trên sàn TMĐT" - Bộ Tài chính đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận