Tối 13-4, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn hai tàu của Manila tại khu vực cách bờ biển Philippines chỉ 35 hải lý.
Báo Financial Times nhận định đây là phản ứng của Trung Quốc trước các động thái ủng hộ Philippines của Mỹ trong tuần qua, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ - Philippines - Nhật Bản tại Washington D.C mới đây.
Theo hình ảnh vệ tinh và dữ liệu từ sáng kiến chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực SeaLight, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đối mặt với một tàu nghiên cứu hàng hải của Philippines, cùng một tàu hộ tống của lực lượng tuần duyên nước này.
Dữ liệu theo dõi cho thấy hai tàu Philippines đã dừng lại hơn 8 tiếng, khi tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường. Cả hai tiếp tục hành trình về phía tây bắc vào sáng sớm 14-4.
Dữ liệu cho thấy tàu Philippines và tàu Trung Quốc gặp nhau tại ranh giới của đường chín đoạn - yêu sách do Trung Quốc đơn phương nêu ra để tuyên bố chủ quyền trái phép với phần lớn Biển Đông.
"Đây là điều chưa từng có tiền lệ: họ (Trung Quốc) chặn các tàu vì chúng vượt qua yêu sách đường chín đoạn", Giám đốc Ray Powell của SeaLight nhận định.
Các tàu Philippines bị chặn hôm 13-4 rời cảng để khảo sát thủy văn tại khu vực cách bãi cạn Scarborough (hiện do Trung Quốc kiểm soát) khoảng 80 hải lý về phía bắc.
Philippines lập luận bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và nước này có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với Scarborough. Năm 2012, Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.
Hiện cả Bắc Kinh và Manila đều chưa lên tiếng về vụ việc ngày 13-4.
Theo ông Powell, động thái của Trung Quốc có khả năng là phản ứng của nước này đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines đầu tiên diễn ra vào ngày 11-4 tại thủ đô Washington (Mỹ).
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông".
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ba nước cũng công bố một loạt hiệp ước nhằm tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế.
Trong nhiều tuần gần đây, Mỹ tăng cường cảnh báo Trung Quốc về các hoạt động của nước này ở Biển Đông, đặc biệt xung quanh bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà cả Manila và Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép. Philippines vào năm 1999 neo đậu một tàu chiến và có một số ít binh sĩ nước này đồn trú tại đây để củng cố yêu sách chủ quyền.
Vào hôm 12-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh cam kết của Washington trong hiệp ước phòng thủ chung với Philippines là "vững như thép".
Trong khi đó Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ. Ngày 12-4, Bắc Kinh triệu tập các nhà ngoại giao từ Mỹ và Nhật Bản, bày tỏ sự không hài lòng trước những bình luận tiêu cực được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: "Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi nào kích động, hoặc lên kế hoạch chống đối, hoặc làm tổn hại đến an ninh và lợi ích chiến lược của nước khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận