12/06/2020 09:07 GMT+7

Gỡ khó việc sử dụng mã số mã vạch: mệnh lệnh từ thực tế

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - Có thể thấy cấp quản lý vĩ mô đã nhận thấy sự cấp thiết của những thay đổi để phù hợp trong tình hình mới, cái gì có ích thì phải làm ngay, cái gì cuộc sống đặt ra thì phải nghiên cứu và chủ động giải quyết.

Gỡ khó việc sử dụng mã số mã vạch: mệnh lệnh từ thực tế - Ảnh 1.

Tàu chở hàng ở cảng Cát Lái (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 10-6, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn cách "gỡ khó" cho doanh nghiệp về việc sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu cho thấy cần phải có cái nhìn nghiêm túc về việc thay đổi, như một mệnh lệnh từ cuộc sống. 

Việc thay đổi càng cần phải chủ động và gấp rút hơn trong thời điểm hiện tại khi chúng ta đang bước vào thời kỳ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đưa ra bằng chứng đã được doanh nghiệp nước ngoài hoặc cơ quan nước ngoài ủy quyền in MSMV trên sản phẩm là được, không phải có xác nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) như trước nữa.

Trở lại vấn đề. Trong số báo ra sáng 10-6, Tuổi Trẻ đã có thông điệp "Nên bỏ ngay!" MSMV gây khó cho doanh nghiệp. Bài báo nêu: "Những tưởng vấn đề in MSMV trên các đơn sản phẩm xuất khẩu đã được giải quyết sau cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với các bộ, ngành ngày 20-5. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Thậm chí theo các doanh nghiệp, việc gỡ khó của Bộ Khoa học và công nghệ trong việc sử dụng MSMV thực tế còn làm doanh nghiệp khó khăn hơn".

Báo ra vào buổi sáng và trong ngày Tổng cục Hải quan đã có văn bản tháo gỡ ngay. Trước đó báo Tuổi Trẻ cũng đã có vài số liên tiếp nêu vấn đề, chỉ ra đầy đủ những bất cập của quy định về MSMV. Và cũng như đã nói ở trên, cứ tưởng sau ngày 20-5 đã được giải quyết, thay đổi.

Để đi đến hướng dẫn của Tổng cục Hải quan sau hơn 20 ngày trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", tranh thủ từng phút từng giây sau sự gián đoạn của dịch bệnh như hiện nay mới thấy doanh nghiệp mong mỏi được giải quyết càng nhanh càng có ý nghĩa. 

Với vị trí ngành, người được trao vị trí, trách nhiệm không thể chỉ chờ mãi vào việc chỉ giải quyết sự việc khi báo chí lên tiếng bởi họ là người trong cuộc, có đầy đủ thông tin hơn, biết rõ mức độ cần thiết đến cấp bách của vấn đề. Thế nên việc chậm thay đổi nói gì thì nói cũng thật đáng tiếc và đáng trách.

Ngay trong công văn mà Tổng cục Hải quan vừa gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố nêu trên cũng nói rõ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với các tài liệu cung cấp. Điều này cũng có thể hiểu đây là một cách làm quy về cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Quy chế này đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nhắc đến trong giai đoạn đặc biệt này.

Điều đó cho thấy ở cấp quản lý vĩ mô đã nhận thấy sự cấp thiết của những thay đổi để phù hợp trong tình hình mới, cái gì có ích thì phải làm ngay, cái gì cuộc sống đặt ra thì phải nghiên cứu và chủ động giải quyết.

Cùng nhau nhớ rằng, cuộc sống ấy là cuộc sống đang cần hồi phục một cách mạnh mẽ sau những tháng ngày "ê ẩm" vì đại dịch.

'Mã số mã vạch gây khó doanh nghiệp: nên bỏ ngay!': Các cơ quan ra văn bản tháo gỡ

TTO - Ngày 10-6, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã phản hồi về bài “Mã số mã vạch gây khó doanh nghiệp: Nên bỏ ngay!” trên Tuổi Trẻ.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên