Nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị vướng ở hải quan vì quy định mã số mã vạch của Bộ Khoa học và công nghệ. Trong ảnh: xe container ra vào cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM (ảnh chụp trưa 9-6) - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Thậm chí theo các doanh nghiệp (DN), việc gỡ khó của Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) trong việc sử dụng MSMV thực tế còn làm DN khó khăn hơn.
Tự ta làm khó ta
Anh Nguyễn Tuấn Đức - nhân viên xuất nhập khẩu một công ty tại TP.HCM - cho biết lô hàng thủy sản của công ty đang phải để lại tại cảng sau khi hải quan yêu cầu phải có giấy xác nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về việc in MSMV lên sản phẩm.
Trước đó, sau nhiều ngày trao đổi bằng email và điện thoại với đối tác nhập khẩu tôm đông lạnh tại Mỹ, khách hàng mới gửi cho công ty này xác nhận cũng như ủy quyền in MSMV trên bao bì sản phẩm để xuất khẩu theo quy định.
Tưởng thế là đã xong, nào ngờ khi anh Đức làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái thì lô hàng bị giữ lại do cán bộ hải quan yêu cầu phải có xác nhận MSMV của Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN).
"Thực sự bất ngờ vì hôm trước Hiệp hội Thủy sản cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo gỡ khó cho DN rồi mà nay thực tế quy trình không có gì thay đổi, thậm chí còn khó hơn" - anh Đức bức xúc.
Bởi theo anh Đức, muốn có "giấy xác nhận" thì DN phải mang toàn bộ hồ sơ giấy tờ đơn hàng cùng giấy ủy quyền của khách hàng về việc in MSMV tới Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra và xác nhận, sau đó mới về đưa cho hải quan thông quan lô hàng.
"Lô hàng nào cũng phải làm thì tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của DN quá", anh Đức than thở.
Hàng ngàn DN xuất khẩu các loại hàng hóa của VN từ thủy sản, thực phẩm đến giày da... đều đang gặp khó với thủ tục phải có giấy xác nhận về MSMV trên các sản phẩm xuất khẩu. Hàng hóa bị ùn ứ tại cảng hải quan và cả trong kho nhà máy trong khi việc xuất khẩu hiện nay rất cấp thiết, nhằm tạo điều kiện để DN phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trước đó để giải quyết những khó khăn xung quanh MSMV, ngày 20-5 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Và ngày 25-5, Bộ KH-CN đã có công văn gửi Bộ Tài chính với nội dung hỗ trợ DN xuất khẩu vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, để đơn giản cho DN về giấy ủy quyền sử dụng mã nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài cung cấp dưới hình thức như: văn bản ủy quyền, thư ủy quyền, hợp đồng gia công, thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên đóng dấu xác nhận của DN xuất khẩu và DN chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp.
Nếu dừng lại ở đó thì thực tế sẽ giảm khó cho DN. Nhưng trong công văn của Bộ KH-CN còn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) những trường hợp DN xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận ủy quyền hoặc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài để theo dõi, tổ chức thực hiện hậu kiểm.
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho rằng nếu chỉ dừng lại ở mức DN tự cung cấp các giấy tờ ủy quyền cho hải quan để thông quan lô hàng xuất khẩu thì đó là biện pháp gỡ khó.
Thế nhưng với việc yêu cầu hải quan thông báo những trường hợp DN không có giấy ủy quyền thì cũng đồng nghĩa với việc hải quan phải kiểm tra về hồ sơ giấy tờ này ở tất cả các lô hàng.
Hơn nữa, hải quan trong khi kiểm tra dù đã có những giấy tờ này nhưng vẫn yêu cầu phải có xác thực của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng mới cho thông quan. Như vậy thực chất quy trình vẫn lặp lại y như cũ, thậm chí càng tháo gỡ lại càng khó khăn hơn cho DN.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị vướng ở hải quan vì quy định mã số mã vạch của Bộ Khoa học - công nghệ. Trong ảnh: cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM (ảnh chụp trưa 9-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đi ngược chỉ đạo của phó thủ tướng
Bà Phan Thị Thanh Xuân - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso) - cho biết: "Vô cùng bất ngờ khi nhận được công văn trả lời của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về đăng ký MSMV nước ngoài đối với hàng xuất khẩu. Bởi nó ngược lại tinh thần làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì giải quyết về vấn đề này.
Thậm chí, công văn còn thể hiện rõ sự bảo thủ, không lắng nghe các ý kiến của rất nhiều hiệp hội phản ánh về tính bất cập, không khả thi, không cần thiết nếu tiếp tục áp dụng quy định nói trên".
Theo bà Xuân, công văn trả lời của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vẫn không thuyết phục được cộng đồng DN về các yếu tố liên quan đến việc giám sát quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu, phòng chống hàng giả hàng nhái, hoặc nâng cao chất lượng uy tín sản phẩm của DN khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
"Nếu quy định nói trên tiếp tục được duy trì đến hết tháng 12-2020 như văn bản trả lời của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chỉ tính riêng ngành da giày, việc đăng ký xin giấy chứng nhận MSMV khi xuất khẩu sẽ tắc nghẽn khủng khiếp khi mỗi DN có đến hàng trăm mã hàng khác nhau.
Trong khi thực tế cũng cho thấy rất rõ, quy định MSMV với hàng xuất khẩu chẳng có ý nghĩa gì đối với DN xuất khẩu của VN. Còn đối tác mua hàng họ cũng không cần mình làm thay phần việc của họ trên chính đất nước họ", bà Xuân bức xúc nói.
Đại diện của Lefaso còn cho rằng những kiến nghị góp ý của nhiều hiệp hội ngành hàng được Bộ KH-CN ban đầu hết sức cầu thị lắng nghe khi họp với phó thủ tướng Vũ Đức Đam để giải quyết về vấn đề này. Thậm chí bộ còn hứa hướng đến việc sửa đổi, bỏ quy định phiền phức nói trên.
"Điều này khiến chúng tôi vui mừng bao nhiêu. Thế nhưng nay chúng tôi lại hụt hẫng bấy nhiêu khi văn bản trả lời chẳng khác gì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Thủ tục làm khó DN vẫn còn nguyên xi", bà Xuân bày tỏ.
Đặc biệt, với "cam kết" của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng "giải quyết thủ tục hành chính trong 1 ngày làm việc", hoặc "giảm 50% phí cấp chứng nhận xác nhận", bà Xuân còn e ngại về tính khả thi của việc "hứa" giải quyết của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng khó thực hiện được đối với DN.
Đồ họa: T.ĐẠT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận