21/05/2020 06:16 GMT+7

Quy định mã số mã vạch vừa vô lý vừa cực kỳ... vô duyên

ĐỨC ANH
ĐỨC ANH

TTO - Có những quy định pháp luật khi đi vào thực hiện thì thấy vô lý, cực kỳ vô duyên. Một ví dụ là quy định về mã số mã vạch tại nghị định 74 năm 2018.

Quy định mã số mã vạch vừa vô lý vừa cực kỳ... vô duyên - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bỗng gặp khó khăn vì quy định ghi mã số mã vạch - Ảnh: T.M.

Gần đây, xuất khẩu hàng hóa khi bao bì hàng hóa in sẵn mấy cột mã vạch, các nhà xuất khẩu Việt Nam bị yêu cầu phải có: giấy ủy quyền của chủ hàng nước ngoài, giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch của Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Bộ KH&CN) tận Hà Nội ("Doanh nghiệp lại lao đao vì quy định mới", Tuổi Trẻ ngày 20-5).

Để có được giấy xác nhận này, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ chứng minh mã số mã vạch được cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chứng nhận, nếu không có thể bị phạt.

Doanh nghiệp lúng túng vì các nước chẳng ai cấp kiểu này, đối tác nước ngoài cũng ngạc nhiên vì chẳng nơi nào đòi như thế. Doanh nghiệp cần xuất hàng nên phải tìm cách xin giấy ủy quyền.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao các nước nhập không đòi mà nước mình lại đòi cấp, lo hộ cho các nước? Tại sao Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 không hề có mà nghị định 74 lại quy định? Nhà nước xác nhận cái này, vậy có sự cố gì Nhà nước có chịu trách nhiệm không?

Nhưng thiệt hại có thể đong đếm được. Doanh nghiệp mất thêm 20 - 30 ngày để xuất được lô hàng, gấp từ 3 - 4 lần so với thời gian yêu cầu giao của nhiều đơn hàng, và phát sinh thêm khoản không nhỏ chi phí xin xác nhận (ít nhất 500.000 đồng/hồ sơ), rồi chi phí lưu kho, lãi vay ngân hàng... Với nhiều ngành, đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần. Nguy cơ không đảm bảo tiến độ, mất đơn hàng sắp tới hoặc trong tương lai.

Vậy mã số mã vạch là gì mà cần gánh trách nhiệm lớn thế, liên quan đến chất lượng hàng hóa chăng? Thực ra chẳng phải, các chuyên gia chỉ ra rằng trong 13 số trên quy ước mã số mã vạch GS1 không có bất cứ thông tin nào về chất lượng, kể cả truy xuất nguồn gốc theo đúng nghĩa. Vì:

- 3 số đầu: chỉ định danh quốc gia mà chủ hàng có trụ sở;

- 5 số tiếp: mã của doanh nghiệp chủ hàng;

- 4 số tiếp theo: mã định danh của sản phẩm do chủ hàng đặt vào để quản lý;

- 1 số cuối: là số kiểm tra.

Đó là lý do các chuỗi, các tập đoàn, các siêu thị hoặc hệ thống phân phối họ quản lý hàng hóa lưu thông của chính họ. Vậy cớ gì mà Việt Nam đứng ra quản lý? Hết sức vô duyên!

Chiều 20-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ liên quan về quy định này. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự kiến cũng sẽ tổ chức cuộc họp để tháo gỡ khó khăn này cho xuất khẩu. Hi vọng các doanh nghiệp, hiệp hội sẽ sớm có tin vui!

"Không hiểu phải có giấy xác nhận mã số mã vạch nước ngoài để làm gì?" 'Không hiểu phải có giấy xác nhận mã số mã vạch nước ngoài để làm gì?'

TTO - Giấy "Xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài" không chỉ không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước do cơ quan cấp không có cơ sở đối chiếu, mà còn gây hiểu lầm chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

ĐỨC ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên