20/05/2020 06:36 GMT+7

Mã vạch hàng xuất khẩu: Bên mua không đòi hỏi, bên ta lại dựng ra quy định

TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI
TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó vì quy định đăng ký sử dụng mã vạch nước ngoài trên bao bì. Yêu cầu này cực kỳ khó thực hiện. Ngay các nước nhập khẩu cũng không yêu cầu hoặc không có quy định.

Mã vạch hàng xuất khẩu: Bên mua không đòi hỏi, bên ta lại dựng ra quy định - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong xuất khẩu vì quy định ghi mã số mã vạch - Ảnh: T.MẠNH

Nhiều doanh nghiệp (DN) và hiệp hội cho biết lẽ ra đây là giai đoạn cần khuyến khích thì các cơ quan chức năng lại đưa ra những quy định làm khó DN.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ông Phạm Thanh, đại diện một nhóm DN tại Bình Dương và TP.HCM, cho biết vừa được cho phép xuất khẩu gạo trở lại nhưng nhóm DN này lại vấp một quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) theo nghị định 74/2018/NĐ-CP khiến hàng hóa bị ách tắc ở hải quan.

"Chúng tôi xuất khẩu gạo, đóng bao nhỏ theo yêu cầu của khách để đưa vào các siêu thị nước ngoài nên gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến chậm trễ trong giao hàng và tốn kém nhiều chi phí", ông Thanh nói.

Một trong những ngành hàng gặp khó khăn nhất với quy định về MSMV này chính là thủy sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho hay nguồn cơn của vấn đề là từ nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ bổ sung quy định "với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức MSMV quốc tế GS1 thì phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng.

Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài".

Căn cứ quy định nói trên, cơ quan hải quan các cửa khẩu đã kiểm tra các lô hàng xuất khẩu đều phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu và giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký sử dụng MSMV cho các trường hợp sử dụng MSMV nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, khi DN liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở các tỉnh để xin cấp giấy xác nhận thì được thông báo là DN phải liên hệ với Trung tâm MSMV quốc gia (GS1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Hà Nội.

Theo phản ảnh của các DN, khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài đòi hỏi có thư ủy quyền của khách hàng (phải bản gốc), trong đó phải có thời hạn ủy quyền và hồ sơ chứng minh MSMV của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận kèm theo bảng dịch thuật tiếng Việt.

Để có được đầy đủ các giấy tờ, nhiều khi DN phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong thời gian này, DN vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng và chi phí kho bãi, trong khi có rất nhiều đơn hàng đòi hỏi cần hoàn tất trong thời gian chưa đến 1 tuần.

Giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt

Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng cho rằng những quy định này là đơn phương của Việt Nam, trong khi các nước nhập khẩu và thế giới không yêu cầu. Quy định cũng không góp phần làm tăng chất lượng hàng hóa mà chỉ làm khó cho DN.

"Điều quan trọng nhất là các nước nhập khẩu họ không có quy định tương tự này, nên khi DN Việt Nam hỏi họ cái giấy ủy quyền thì mất rất nhiều thời gian hoặc không có được. Trường hợp bắt buộc, họ sẽ chuyển qua mua hàng từ các nước khác", vị giám đốc này nói.

Theo VASEP, quy định ghi nhãn (labeling) là bắt buộc trong thương mại lưu thông hàng hóa ở Việt Nam và toàn cầu cũng không thấy có quy định ghi nhãn nào yêu cầu phải ghi MSMV. Trong khi thủy sản của Việt Nam xuất khẩu tới hơn 160 quốc gia suốt ít nhất 25 năm qua rồi mà không bị vướng mắc bởi các quy định này.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết với quy định hiện nay thì cộng đồng DN có nguy cơ ở vào tình thế vi phạm pháp luật, khiến nước ngoài e ngại giao dịch với DN Việt Nam, khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam đi lùi lại nhiều năm dưới con mắt của DN nước ngoài. Với việc thêm quy định cũng dễ xảy ra tiêu cực tại cảng, ở khâu thông quan để tránh bị đưa vào danh mục luồng đỏ.

Theo VASEP, hiệp hội này đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành có liên quan về vướng mắc nói trên đang cản trở hoạt động sản xuất xuất khẩu và quyền tự chủ của DN, kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ các quy định không hợp lý nói trên.

Bộ Khoa học và công nghệ sẽ xem xét sửa đổi

Trước phản ảnh của DN, theo thông tin của Tuổi Trẻ, Bộ Khoa học và công nghệ đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề MSMV.

Theo bộ này, việc quy định MSMV là phù hợp với quy định về quản lý chất lượng tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, bộ cho biết sẽ xem xét nghiên cứu sửa đổi nghị định 74 về sử dụng mã nước ngoài theo hướng tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu. Ngoài ra, thủ tục hành chính cũng xem xét rút ngắn.

Do sửa đổi nghị định 74 là không thể làm ngay nên trước mắt Bộ Khoa học và công nghệ sẽ triển khai các biện pháp tháo gỡ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong quá trình thực hiện quy định.

Cụ thể, giao một số chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và tạo cơ chế phối hợp giữa chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm MSMV quốc gia.

Ngoài ra, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ trong thực tế, thực hiện trong 1 ngày làm việc, đồng thời làm việc với Bộ Tài chính để nghiên cứu giảm 50% mức phí cấp xác nhận...

Tổng chi phí phát sinh không nhỏ

Theo VASEP, quy định nói trên đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng chi phí cho DN.

DN đang phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký đối với hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm hoặc 10.000 đồng/sản phẩm đối với hồ sơ trên 50 mã sản phẩm, chưa kể đến các chi phí khác như chi phí cho việc lưu kho bãi, chi phí lãi vay ngân hàng...

Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các DN phải chi trả cho việc xin giấy xác nhận đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.

Một số ý kiến cũng cho rằng việc chỉ có một cơ quan duy nhất ở Hà Nội cấp giấy xác nhận này cho tất cả các DN trong cả nước và thủ tục cấp được thực hiện hoàn toàn còn thủ công là không phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng hiện nay về phân cấp quản lý, điện tử hóa thủ tục hành chính, gây tốn kém chi phí và thời gian cho DN.

Việc quy định thêm một thủ tục về cấp giấy xác nhận đối với MSMV đăng ký ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu thực chất là tạo thêm "thủ tục con".

Sản xuất thiết bị đọc mã vạch Sản xuất thiết bị đọc mã vạch

TT - Công ty Datalogic Scanning VN chuyên về thiết kế và sản xuất các thiết bị thu thập dữ liệu tự động ngoại vi và phần mềm, bao gồm thiết bị đọc mã vạch cầm tay, cố định vừa đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

TRẦN MẠNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên