20/05/2020 10:24 GMT+7

'Không hiểu phải có giấy xác nhận mã số mã vạch nước ngoài để làm gì?'

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH

TTO - Giấy "Xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài" không chỉ không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước do cơ quan cấp không có cơ sở đối chiếu, mà còn gây hiểu lầm chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Không hiểu phải có giấy xác nhận mã số mã vạch nước ngoài để làm gì? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang "mệt mỏi" với giấy xác nhận mã số mã vạch nước ngoài theo quy định hiện hành - Ảnh: TRẦN MẠNH

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), khẳng định như vậy sau khi xem thông tin Mã vạch hàng xuất khẩu: Bên mua không đòi hỏi, bên ta lại dựng ra quy định mà Tuổi Trẻ phản ánh sáng 20-5.

Theo bà Chi, sau khi rà soát hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam thì không tìm thấy có cơ sở nào đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

"Theo các luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, miễn là không vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam và nước nhập khẩu", bà Chi cho biết.

Đưa ra dẫn chứng, bà Chi cho thấy trong Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, hay Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa đều không có bất cứ yêu cầu nào về ghi nhãn nói chung và ghi mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

Như vậy, từ 2018 trở về trước, trước khi Nghị định 74/2018/NĐ-CP "xuất hiện" việc bổ sung các quy định về mã số mã vạch, "hoàn toàn không có các quy định pháp quy về việc bắt buộc ghi nhãn mã số mã vạch cho các lô hàng xuất khẩu".

Ngay như Thông tư 15/2006/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học - công nghệ về việc ban hành quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch cũng chỉ nêu đối tượng sử dụng là các tổ chức - cá nhân "có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch". 

Và cũng không có điều khoản nào xử phạt doanh nghiệp và người dân nếu không có "giấy xác nhận của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền đối với việc doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch của tổ chức nước ngoài ủy quyền" như quy định tại Điều 32 của Nghị định 119/2017 về xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bổ sung mã số mã vạch vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP cần xem xét về việc không có cơ sở pháp lý, do Nghị định này chỉ là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP cũng trong phạm vi hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hơn nữa, việc cấp giấy "Xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài" hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước do cơ quan cấp không có bất cứ một căn cứ nào (ngoài hồ sơ doanh nghiệp nộp) để kiểm tra, đối chiếu, so sánh, việc cấp giấy này chỉ là hình thức, không có hiệu quả quản lý nhà nước.

"Mã số mã vạch hoàn toàn không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm, cũng không chứa đựng thông tin về chất lượng sản phẩm. Việc đưa vấn đề này vào Nghị định của Chính phủ thậm chí có thể gây hiểu nhầm là mã số mã vạch cho biết chất lượng sản phẩm", một thành viên của Tổ Tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho hay.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên