22/05/2020 10:00 GMT+7

Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài: Không phù hợp, bãi bỏ sớm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Đó là kiến nghị được đưa ra sau cuộc họp ngày 21-5 của Bộ Công thương với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tổng cục Hải quan, một số hiệp hội về những vướng mắc quanh quy định mã số, mã vạch với hàng xuất khẩu.

Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài: Không phù hợp, bãi bỏ sớm - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội mong sớm bãi bỏ quy định gây khó. Trong ảnh: đóng gói thủy sản xuất khẩu ở một doanh nghiệp tại ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngay sau cuộc họp, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các bên tham gia.

Quy định "không có cơ sở pháp lý"

Tiếp tục "kêu", ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết những vướng mắc từ nghị định 74/2018 yêu cầu ghi mã số, mã vạch trên bao bì các lô hàng ("Doanh nghiệp lại lao đao vì quy định mới", Tuổi Trẻ ngày 20-5) đã được kiến nghị nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Mỗi ngày hiệp hội vẫn nhận được nhiều phản ảnh của doanh nghiệp: không xin được giấy ủy quyền, lỡ tàu, tốn phí...

Ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN - cũng cho rằng nghị định 74 ban hành hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhưng trong luật không có quy định cụ thể, nghị định lại có hướng dẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện xin - cho, nhũng nhiễu.

"Không tiêu dùng, sử dụng ở VN nhưng Nhà nước VN lại quản lý là bất hợp lý nên chúng tôi kiến nghị cần bỏ quy định" - ông Cẩm nói.

Thiếu khả thi, cần sớm bãi bỏ

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách VN, hiện hải quan mới kiểm tra một vài doanh nghiệp, nếu mở rộng đồng loạt chắc chắn dẫn đến ách tắc xuất khẩu. "Một doanh nghiệp đã hàng trăm mã hàng, mỗi một mã đi lấy thủ tục này mang ra Hà Nội thì không thể làm xuể" - bà Xuân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công thương cho hay mã số, mã vạch không liên quan đến chất lượng hàng hóa. Việc doanh nghiệp Việt in sẵn mã số, mã vạch nước ngoài lên hàng hóa là thỏa thuận dân sự giữa các doanh nghiệp, không nên thể chế hóa thành quy định.

Do đó, Bộ Công thương đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19.

Trong báo cáo ngày 20-5, Bộ Khoa học và công nghệ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa vào nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ cho phép không thực hiện thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài nữa. Doanh nghiệp xuất khẩu tự kê khai, chịu trách nhiệm.

Quy định mã số mã vạch vừa vô lý vừa cực kỳ... vô duyên Quy định mã số mã vạch vừa vô lý vừa cực kỳ... vô duyên

TTO - Có những quy định pháp luật khi đi vào thực hiện thì thấy vô lý, cực kỳ vô duyên. Một ví dụ là quy định về mã số mã vạch tại nghị định 74 năm 2018.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên