02/03/2024 08:35 GMT+7

Giờ Trái đất: Cả thế giới đoàn kết vì môi trường

Hằng năm, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3, khắp các quốc gia trên thế giới lại diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về thách thức của biến đổi khí hậu và khuyến khích việc bảo tồn năng lượng.

Trong sự kiện Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, mọi người tắt tất cả đèn, thiết bị điện trong nhà và văn phòng trong một giờ - Ảnh: Euronews

Trong sự kiện Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, mọi người tắt tất cả đèn, thiết bị điện trong nhà và văn phòng trong một giờ - Ảnh: Euronews

Trong sự kiện Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, mọi người tắt tất cả đèn, thiết bị điện trong nhà và văn phòng trong một giờ. WWF hy vọng kêu gọi càng nhiều người tham gia càng tốt, và tạo ra sức mạnh đoàn kết lớn nhất nhằm "cống hiến một giờ cho Trái đất".

Năm nay, Giờ Trái đất diễn ra lúc 20h30 đến 21h30 ngày 23-3.

Giờ Trái đất: Biểu tượng cho sự đoàn kết vì môi trường

Sự kiện Giờ Trái đất do WWF và các đối tác khởi xướng, diễn ra lần đầu tiên lúc 19h30 tối 31-3-2007 tại thành phố Sydney (Úc). Đây được xem như hoạt động tắt đèn mang tính biểu tượng nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, thu hút khoảng 2,2 triệu người tham gia.

Năm sau đó, Giờ Trái đất được tổ chức trên phạm vi quốc tế, với hơn 50 triệu người từ 35 quốc gia tham gia. Kể từ đó, sự kiện này ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một hiện tượng toàn cầu, với hàng triệu người từ hơn 190 quốc gia hưởng ứng.

Để đảm bảo tác động hiệu quả và lan tỏa, WWF vận động sự ủng hộ của những người nổi tiếng và có ảnh hưởng như ca sĩ Ellie Goulding, nam diễn viên Leonardo di Caprio hay cựu ca sĩ nhóm The Beatles, Paul McCartney.

Các hoạt động cũng được thiết kế đa dạng. Ở Mông Cổ, WWF tổ chức buổi trình diễn thời trang bền vững với quần áo tái chế, trong khi ở Latvia là buổi hòa nhạc và các chuyến đi bộ đường dài trong thiên nhiên.

Sự kiện Giờ Trái đất đã giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và thúc đẩy các hoạt động bền vững, truyền cảm hứng cho các cá nhân và tổ chức hành động để tạo ra tác động tích cực đến hành tinh.

Ngoài ra, sự kiện này còn khuyến khích các chính phủ ban hành nhiều chính sách và quy định nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giảm lượng khí thải carbon. Giờ Trái đất đã trở thành nền tảng quan trọng để các cá nhân, tổ chức thể hiện cam kết của mình vì một tương lai bền vững và đoàn kết vì môi trường.

17 năm với nhiều cột mốc

Qua 17 năm, Giờ Trái đất đã tạo ra nhiều cột mốc đáng chú ý. Năm 2009, sự kiện đã phá vỡ mọi kỷ lục về sự tham gia đông đảo, trở thành phong trào vì môi trường lớn nhất thế giới. Năm 2014, Người Nhện trở thành siêu anh hùng đầu tiên là đại sứ toàn cầu cho Giờ Trái đất, thu hút sự chú ý và truyền thông tích cực cho phong trào.

Năm 2015, phi hành gia người Ý Samantha Cristoforetti đã tham gia phong trào Giờ Trái đất từ không gian bằng cách cầm tấm biển 'Hãy thay đổi tình trạng biến đổi khí hậu' bên trong Trạm vũ trụ quốc tế.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động tại chỗ, sự kiện này lần đầu tiên được chuyển sang dạng kỹ thuật số hoàn toàn ở Vương quốc Anh. Ngoài việc tắt đèn, nhiều người còn tham gia các sự kiện trực tuyến và livestream quá trình tắt đèn trong vòng một giờ.

Với Giờ Trái đất, một giờ đồng hồ chìm trong bóng tối có nhiều ý nghĩa sâu xa. Đừng chỉ tắt đèn vì những lời kêu gọi hưởng ứng, hay để hòa cùng đám đông. 

Đây là lúc mỗi người suy ngẫm về tác động lâu dài của mỗi hành động mà chúng ta tạo ra trên hành tinh, cũng như cách để cùng nhau tạo ra sự thay đổi. 

Sự kiện này là thời điểm hàng triệu người trên toàn cầu đoàn kết để thể hiện sự quan tâm đến tương lai của hành tinh, ngôi nhà chung của nhân loại.

Giờ Trái đất cũng là thông điệp nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những hành động nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Có hàng triệu người cùng tham gia để giảm thiểu tác động đến môi trường, và chúng ta không hề đơn độc.

10 hoạt động thú vị trong Giờ Trái đất

Để một giờ đồng hồ tắt đèn trong Giờ Trái đất có ý nghĩa hơn, đây là một số hoạt động bạn có thể thực hiện:

  • Ăn tối dưới ánh nến
  • Nghe podcast hoặc xem video giáo dục
  • Chơi boardgame
  • Tổ chức cắm trại hoặc các trò chơi kết nối
  • Thực hành chụp ảnh ban đêm
  • Đi dạo ngoài trời hoặc công viên
  • Ngắm cảnh đêm và bầu trời
  • Thiền định và thư giãn
  • Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Giờ Trái đất
  • Đọc thêm kiến thức về biến đổi khí hậu

Bạn có ý tưởng gì muốn đóng góp cho sự kiện Giờ Trái đất năm nay? Bạn cùng bạn bè, người thân dự định làm gì trong dịp này? Mời bạn chia sẻ ý kiến về địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Giờ Trái đất: Đến năm 2030, mỗi ngày thế giới gánh 1,5 sự kiện thiên taiGiờ Trái đất: Đến năm 2030, mỗi ngày thế giới gánh 1,5 sự kiện thiên tai

Nhiều địa điểm trung tâm tại TP.HCM, Hà Nội đồng loạt tắt đèn 1 giờ (20h30 - 21h30) hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất cùng thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen" tối 25-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên