16/03/2023 14:00 GMT+7

Giấc mơ khởi nghiệp thành 'Tesla Đông Nam Á' của 3 kỹ sư Việt Nam

Selex Motors - một start-up hệ sinh thái xe điện thông minh tại Việt Nam ra mắt cuối năm 2022 - đang vươn tới giấc mơ lớn. Câu chuyện của Selex là một điển hình cho cụm từ "Make in Việt Nam": hệ sinh thái xe điện được làm từ A-Z tại Việt Nam.

Giấc mơ khởi nghiệp thành Tesla Đông Nam Á của 3 kỹ sư Việt Nam - Ảnh 1.

CEO Selex Motors giới thiệu mẫu xe điện giao hàng Selex Motors tại sự kiện ra mắt cuối năm 2022 - Ảnh: T.K.

Từ cuối năm 2022, những chiếc xe điện thông minh xuất xưởng từ nhà máy đầu tiên của Selex đã lăn bánh trên đường phố Hà Nội. Bước qua năm thứ 6, Selex đang dần mở rộng hệ sinh thái ra nhiều thành phố lớn, để dần tiến tới tầm nhìn xa hơn là xuất khẩu hệ sinh thái của mình ra Đông Nam Á.

Xe điện - phương tiện của tương lai

Những người sáng lập Selex rất tin tưởng vào tương lai của xe điện thông minh - phương tiện để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm phát thải gây ô nhiễm đô thị.

"Thế giới đang bước vào giai đoạn đại chuyển dịch phương tiện giao thông trước những thách thức chắc chắn phải được giải quyết trong tương lai gần là ô nhiễm không khí, giá nhiên liệu ngày càng tăng cao sau hơn một thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho hầu hết các phương tiện giao thông.

Tương lai của giao thông sau xe xăng sẽ là xe điện thông minh kết hợp với công nghệ", TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của Selex Motors, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về lý do chọn xe điện thông minh để khởi nghiệp.

Lựa chọn điểm xuất phát là xe 2 bánh thay vì xe hơi, vị CEO này cho rằng Việt Nam là một quốc gia xe máy và chưa thể thay thế.

"Với hơn 50 triệu chiếc đang lưu hành, tiêu thụ hơn 5 tỉ USD xăng dầu và thải ra một lượng khí CO2 khổng lồ, xe máy chạy xăng ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và sức khỏe.

Câu chuyện bụi mịn, ô nhiễm tiếng ồn mỗi năm lại được đề cập tới với mức độ ngày càng nghiêm trọng và vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả. Nếu như xe máy điện đạt được một độ phủ nhất định thì sẽ giải được bài toán ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn", anh Nguyên kỳ vọng.

Xe điện "Make in Việt Nam"

Ba gương mặt sáng lập của Selex Motors gồm: Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Nguyễn Trọng Hải - hai tiến sĩ cơ khí Đại học Michigan (Mỹ) có nhiều năm làm việc cho các công ty tại Mỹ cũng như Việt Nam và Nguyễn Đình Quảng - chuyên gia kỹ thuật phần mềm/IoT với kinh nghiệm phát triển các hệ thống quốc phòng phức tạp cho doanh nghiệp Israel.

Thời điểm 2022 khi ra mắt mẫu xe điện giao hàng Selex Camel, cả ba cùng với đội ngũ đã có 5 năm "nếm mật nằm gai", với rất nhiều lần sai, sửa sai để gây dựng từ con số 0 một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho Selex Motors và bắt đầu gọi vốn cho dự án.

Đó là những ngày tháng họ cùng nhau mày mò nghiên cứu, thiết kế đến gia công cơ khí, lắp ráp, thử nghiệm chiếc xe điện đầu tiên trong một căn phòng bỏ trống.

Sau 5 năm, thành quả là Selex Motors đã có một hệ sinh thái tối ưu cho xe điện với 4 thành phần: xe điện Selex, pin Selex, trạm đổi pin tự động Selex, ứng dụng Selex giúp quản lý toàn bộ hệ sinh thái.

"Chúng tôi có thể tự hào nói rằng Selex là start-up "make in Vietnam". Tất cả các thành phần trong hệ sinh thái được nghiên cứu và sản xuất từ A-Z tại Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện", anh Nguyên chia sẻ.

Việc làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, sản xuất giúp Selex giải quyết triệt để những bài toán khó nhằn nhất đối với xe điện, đó là giá thành sản phẩm; bất tiện trong việc sạc pin, thay pin.

Giá của mẫu xe bán tải giao hàng của Selex hiện ở mức dưới 23 triệu đồng. Với bài toán về pin, thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng, khách hàng sẽ mua các thuê bao pin và đổi pin ở các trạm đổi trong vòng chưa tới 2 phút, "tương tự như trải nghiệm đổ xăng" mà phần lớn người dân đã quá quen thuộc.

"Hơn nữa, việc xác minh, thanh toán sẽ thực hiện qua các thao tác quét mã QR tiện lợi hơn rất nhiều. Để đổi pin, người dùng vào app và chọn một trạm gần mình nhất, app sẽ hiển thị địa chỉ và số lượng pin đang khả dụng ở trạm này.

Khách hàng cũng sẽ không phải lo lắng về tuổi thọ pin. Bằng việc ghi nhận, phân tích hành vi, thói quen của người dùng, chúng tôi có thể tính toán được tuổi thọ xe và pin trong thời gian sử dụng để biết khi nào cần thay thế.

Đồng thời, với việc tự sản xuất và vận hành các trạm đổi pin, chúng tôi có thể chủ động trong việc quản lý chất lượng pin cũng như tính các bài toán cho việc thu hồi pin sau 10-14 năm sử dụng cho các hoạt động xử lý, tái chế, đảm bảo tính bền vững cho một dự án hướng tới giao thông thông minh, bền vững", TS Nguyên cho biết.

Với tinh thần 'Make in Vietnam', Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp. Hiện nay, nhà máy sản xuất xe máy điện và pin lithium-ion của start-up này có công suất khoảng 20.000 xe và 100.000 gói pin/năm.

CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết cuối năm 2022, Selex đã có đơn hàng đầu tiên với Lazada Logistics. Dự kiến lô xe máy điện giao hàng Selex Camel đầu tiên khoảng 100 chiếc sẽ được bàn giao cho Lazada trong năm 2023.

Để chuẩn bị cho số lượng xe đã được lên kế hoạch xuất xưởng, công ty đã lắp đặt 30 trạm đổi pin và dự kiến sắp tới nâng con số này lên 200 tại TP.HCM và Hà Nội.

"Trước mắt là xe máy điện, tương lai của Selex có thể là xe ô tô điện, xe buýt điện… Chúng tôi mong muốn trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu tiên phong trong việc cung cấp hệ sinh thái giao thông bền vững cho các đô thị không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn mình ra cả các nước trong khu vực", TS Nguyên chia sẻ về tầm nhìn của Selex.

Giấc mơ khởi nghiệp thành Tesla Đông Nam Á của 3 kỹ sư Việt Nam - Ảnh 2.

Sự kiện thử nghiệm mẫu xe điện của Selex Motors - Ảnh: T.K.

Giấc mơ khởi nghiệp thành Tesla Đông Nam Á của 3 kỹ sư Việt Nam - Ảnh 3.

Cận cảnh mẫu xe giao vận của Selex - Ảnh: T.K.

Giấc mơ khởi nghiệp thành Tesla Đông Nam Á của 3 kỹ sư Việt Nam - Ảnh 4.

Trải nghiệm các mẫu xe của Selex ngay tại xưởng sản xuất - Ảnh: T.K.

Mời bạn giới thiệu các dự án/gương mặt khởi nghiệp ấn tượng

Tháng 3 và tháng 4-2023, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện thường niên "Tuổi Trẻ Start-up Award" 2023. Đây là năm thứ tư diễn ra sự kiện này, hướng đến kỷ niệm 92 năm thành lập Đoàn 26-3, 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Dự kiến 25-30 câu chuyện khởi nghiệp sẽ được giới thiệu trên các nền tảng của Tuổi Trẻ (báo giấy, báo điện tử, truyền hình, fanpage...). Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi các anh chị đi trước chia sẻ cùng các bạn trẻ quan tâm, cơ hội để các bạn chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp.

Ngoài được vinh danh trên mặt báo, các start-up có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần. Một số start-up tiêu biểu được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của VinaCapital, Tân Hiệp Phát... Chương trình sẽ có một giải đặc biệt trao cho start-up xuất sắc nhất được hội đồng thẩm định chọn (trị giá 100 triệu đồng từ GIBC).

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay, có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh... hoặc bạn đọc có các câu chuyện về chân dung khởi nghiệp có thể gửi bài viết giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn ngay từ hôm nay.

- MINH HUỲNH -

Giấc mơ khởi nghiệp thành Tesla Đông Nam Á của 3 kỹ sư Việt Nam - Ảnh 5.

Khởi động Khởi động 'Tuổi Trẻ Start-up Award' 2023

Giải thưởng khởi nghiệp của báo Tuổi Trẻ tạo thêm không gian để nhiều người biết đến các start-up, ươm khát vọng, hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong các bạn trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên