Hình ảnh xót xa nhất trong các lễ giỗ các liệt sĩ Gạc Ma ấy là những người mẹ chống gậy lần mò tên con trong bảng ghi danh rồi gục đầu khóc rấm rứt.
35 năm, mẹ vẫn khóc con!
"Thằng Lộc hy sinh nhưng mãi lâu sau tui mới biết. Mấy ngày đó tui và con gái cứ nằm mơ thấy Lộc về rồi nói mẹ ơi hai chân con bị nhúng dưới nước không thể rút lên được, lạnh lắm...", bà Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc (Đà Nẵng), ngồi trên xe lăn, lần ngón tay dò dẫm tên con rồi mếu khóc trong lễ giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma được anh em đồng đội tổ chức tại đình Nại Nam (Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng).
Mẹ Lan năm nay 81 tuổi. Từ ngày nhận tin con trai Nguyễn Hữu Lộc mất mẹ nói lòng mình đã chết đi phần nửa. Mắt mẹ đã mờ, chân không còn tự bước được, nhưng ngày giỗ Lộc mẹ vẫn lần bấm ngón tay, ngồi giữa gian nhà rồi thỉnh thoảng lại hối thúc con cháu sửa soạn gian bàn thờ.
Tròn 35 năm ngày Lộc mất, mẹ đến lễ giỗ trên xe lăn, phía sau là anh Đức, người em của Lộc. Anh Đức kể 35 năm qua mỗi ngày tới gần dịp 14-3 là mẹ lại ngồi lặng lẽ trước bàn thờ con từ sáng tới khuya. Nhiều hôm con cái mệt quá thiếp đi, rồi tỉnh dậy lúc 3h sáng vẫn thấy mẹ ngồi bần thần trước di ảnh Lộc, nước mắt cứ ngấn rơi.
"Mẹ tui có tới 10 đứa con, đứa nào cũng là máu thịt và tôi thấy mẹ khóc anh Lộc suốt bao năm qua rồi. Biết mẹ thương anh, dịp tháng 3 năm nào dù bận bịu đến mấy anh em cũng ráng sắp xếp để tắm rửa cho mẹ sạch sẽ, đẩy xe lăn bế mẹ đi chùa, rồi đi ra đình dự lễ giỗ", anh Đức nói.
Dáng mẹ gầy yếu, tóc bạc trắng và thân thể phải ngồi trên xe lăn đã gây nỗi thương cảm cho những đồng đội cũ của Lộc. Họ lui tới nắm tay rồi hỏi han. Khi khói nhang nghi ngút được thắp và tên con được đọc lên trong số các liệt sĩ quê Đà Nẵng, mẹ Lan ngồi trên xe lăn, tay vuốt khóe mắt rồi gục đầu khóc như đứa trẻ.
Mẹ Lan bảo ba Lộc mất sớm, mình mẹ nuôi đủ đàn con. Năm 1987, thấy bè bạn háo hức sửa soạn tư trang, tạm biệt ba mẹ và quê nhà để lên đường nhập ngũ thì Lộc cũng về xin mẹ. "Nó lễ phép và sợ mẹ lắm, tui nói chi cũng nghe. Hôm đó nó chạy từ đâu về rồi rón rén vô nhà, ấp úng thưa mẹ. Tui hỏi mi có chuyện chi thì cứ nói. Nó lí nhí bảo con xin mẹ cho con đi bộ đội. Nó vừa nói vừa sợ nhưng tui bảo tưởng cái chi chứ đi bộ đội thì mẹ đồng ý ngay", mẹ Lan nhớ như in từng chi tiết ngày con đi.
Buổi sáng mùa xuân năm ấy, Lộc tạm biệt mẹ rồi tòng quân. Đơn vị đầu tiên chàng lính trẻ Đà Nẵng nhận nhiệm vụ tập trung huấn luyện là Đà Nẵng. Lộc đi gần một năm rồi bữa đó tháng 2 đơn vị cho về phép, cũng là chuẩn bị tư trang, tiễn biệt gia đình để vào Khánh Hòa.
Mẹ Lan kể bữa đó cơn bão lớn ập đến khiến nhà bị thốc toạc phần mái. Lộc thương mẹ nên ráng ở nhà lợp lại mái, rồi tới ngày nhớ lịch vào đơn vị thì tá hỏa. Mẹ hiểu chuyện nên tự tay dẫn con trai vào đơn vị và thành thật rằng con trai bà vì lo cho mẹ nên quên lịch tới đơn vị.
"Tui bảo với chỉ huy của nó là bão lớn quá, cháu nó ở nhà sửa nhà cho mẹ chứ không phải đào ngũ đâu. Mấy chú chỉ huy ở đó cười rồi đón Lộc vào. Trước khi đi, tui kéo áo nó lại dặn dò: "Mày đi thì lo mà bảo vệ Tổ quốc, chấp nhận thiệt thòi hy sinh vì mẹ cũng như bao người mẹ Đà Nẵng, Quảng Nam khác đều dâng con cho đất nước".
Nó cười rồi bảo: "Mẹ đuổi con đi thì con đi luôn, con đi luôn thật đó! Mẹ! Con đi hỉ!", đó là lời nói sau cùng mà nó nói với tui trước lúc hy sinh", mẹ Lan lại bật khóc vì thương nhớ con dù đã là lễ giỗ thứ 35 rồi, xương cốt con trai mẹ nằm đáy biển xa chẳng biết còn không.
Con nằm xuống Gạc Ma cho Tổ quốc trường tồn
Chứng kiến câu chuyện đứt ruột gan của mẹ Lan kể giữa lễ giỗ, nhiều người đứng lặng yên rồi bưng mặt khóc. Mẹ Lan nói bao năm nay mẹ vẫn mơ thấy con trai của mẹ hằng đêm, đau xót nhất mà mẹ chưa một ngày an lòng là hài cốt con vẫn chưa thể đưa về bên mẹ.
Ngóng đợi suốt hàng chục năm không còn hy vọng, mẹ đành đưa bài vị con trai lên chùa gửi. Một ngôi mộ chiêu hồn trong nghĩa trang liệt sĩ ở Đà Nẵng được lập lên, đó là nơi mẹ ra rồi òa khóc mỗi khi thương nhớ con.
"Giờ mỗi lần nhớ Lộc là tui lại thấy nó chạy về rồi lẽo đẽo đòi mẹ cho đi theo phụ cho mẹ đỡ mệt. Lúc nuôi nó lớn tui làm công nhân môi trường", mẹ Lan kể.
Những hàng nước mắt buốt đau của mẹ Lan cũng là nỗi lòng của các bà mẹ ở Đà Nẵng có con đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có người may mắn thì giữ lại được kỷ vật của con, nhưng cũng có những người chỉ thấy được mỗi hình con trên di ảnh.
Mẹ Trần Thị Huệ, 81 tuổi, mẹ liệt sĩ Lê Thế, năm nào lễ giỗ con cũng đến từ sáng sớm. Chị Lê Thị Giới, con gái mẹ, ôm một tấm áo khoác dày, trên tay là bọc khăn để lau nước mắt cho mẹ. "Mẹ sinh ba anh em, anh Thế là con đầu. Mẹ cho anh đi bộ đội rồi tới năm 1988 thì nhận được tin anh mất. Từ đó đến nay mẹ buồn bã, thay đổi tâm tính hẳn. Tháng 3 nào cũng ôm mấy huy chương của anh đặt bên gối rồi khóc", chị Giới nói.
Ngày bi tráng 14-3-1988 đã lấy đi những người con trung hiếu của Đà Nẵng. 35 năm đã qua nhưng nỗi đau, niềm thương nhớ dường như không nguôi bớt với những người mẹ, những người đồng đội của liệt sĩ Gạc Ma.
Ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa, nói rằng dù khó khăn đến mấy thì mỗi năm dịp 14-3 anh em đồng đội lại góp tiền làm lễ giỗ cho đồng đội. Nhiều anh em cựu binh Trường Sa hiện sống rải rác ở các tỉnh, cuộc sống khó khăn, nhưng không ai bảo ai, hằng năm họ lại góp từng chút tiền để anh em ra bờ biển, thắp hoa đăng vọng về đồng đội đã gửi xác thân nơi đảo xa.
Dù diễn ra tại một ngôi đình nhỏ, nhưng lễ giỗ liệt sĩ Gạc Ma của anh em Đà Nẵng luôn kín người. Phần lễ giỗ cho 64 anh linh Gạc Ma còn có một hiện vật đặc biệt: đó là con tàu giấy được trang trí theo nguyên mẫu con tàu anh hùng HQ604.
Cựu binh Trường Sa Nguyễn Hữu Liên nói rằng anh em đã quyết dành chút kinh phí nhỏ để đặt làm con tàu này đưa đến lễ cúng, sau đó thì đưa ra giữa sông Hàn thả trôi tưởng nhớ về đồng đội hy sinh.
Năm 1987, ông Liên vào Cam Ranh cùng chuyến tòng quân của các liệt sĩ quê Đà Nẵng như Tài, Sự, Sanh, Đoàn, Hùng, Lợi... Tuy nhiên khi lệnh dọn hành lý khẩn cấp lên tàu ra đảo trong chuyến đi bi hùng đầu tháng 3-1988, ông Liên rớt lại vì được bố trí chuyến khác.
"Khi tạm biệt Hùng, Lợi, tụi nó bảo hẹn ngày ra quân rồi về Đà Nẵng tụ tập. Tui đợi từ ngày đó đến giờ mà không thấy hai đứa nó quay về", ông Liên nghẹn ngào trong nỗi nhớ đồng đội không nguôi.
Gạc Ma là biểu tượng ý chí bảo vệ Tổ quốc sắt đá của mỗi người Việt
Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa Nguyễn Văn Tấn đọc lời tưởng niệm trong nỗi nghẹn ngào, ngắt quãng: "64 người con kiên cường anh dũng của Tổ quốc đã hy sinh và nằm lại ở Biển Đông cho đất nước mãi trường tồn.
Hôm nay chúng ta ngồi lại ở đây, trên mảnh đất Đà Nẵng nằm ngay bờ Biển Đông này để nhắc nhớ nhau về sự kiện lịch sử đau buồn nhưng cũng tràn ngập kiêu hùng. Nhiều liệt sĩ hy sinh nay chưa tìm được hài cốt.
Sự nằm lại của các anh luôn gây thương nhớ khôn nguôi cho người ở lại và cũng nhắc nhở chúng ta về một vùng biển thiêng liêng nơi đó có thân xác các anh đang canh giữ, chưa thể trở về cùng gia đình. Sự hy sinh đó cũng nhắc nhở thế hệ hôm nay, những người còn sống không được giây phút nào lãng quên, không mất cảnh giác vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận