05/07/2024 10:16 GMT+7

Euro, châu Âu và nỗi lo cực hữu

Giờ đây, mối lo cực hữu nổi lên ở châu Âu đang làm giảm đi niềm vui trọn vẹn của Euro.

Đồng lãnh đạo Đảng AfD cực hữu ở Đức Tino Chrupalla (phải) và Alice Weidel (trái) ăn mừng chiến thắng khi có kết quả sơ bộ bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP

Đồng lãnh đạo Đảng AfD cực hữu ở Đức Tino Chrupalla (phải) và Alice Weidel (trái) ăn mừng chiến thắng khi có kết quả sơ bộ bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP

Cuối tháng trước, khi trái bóng Euro 2024 còn đang lăn trên sân cỏ nước Đức và các cổ động viên ngồi chật cứng các khán đài sân cỏ của những trận đấu đỉnh cao, có hai sự kiện gây chú ý có thể ảnh hưởng rất lâu dài đến cuộc sống của chính các cổ động viên đó cũng như của bóng đá nói riêng.

Đó là đại hội kéo dài của đảng cực hữu Lựa chọn cho nước Đức (AfD), với sự tham gia của hơn 600 đại biểu từ khắp nước Đức và sự có mặt của hơn 100.000 người ủng hộ đảng này ở Essen, miền tây nước Đức. Đụng độ giữa hàng nghìn người biểu tình chống AfD với cảnh sát đã nổ ra làm nhiều người bị thương.

Sự kiện biểu dương lực lượng đó tạo ra mối lo ngại lớn, bởi AfD là một chính đảng đang lên ở Đức sau khi giành thắng lợi quan trọng với 16% số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu vào đầu tháng 6, đánh bại cả liên minh trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz.

AfD đang hy vọng sẽ trở thành một trong ba chính đảng lớn nhất ở Đức và liên minh với các đảng cực hữu khác ở châu Âu để siết chặt "bức tường" chống nhập cư.

Đó là việc các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp cho thấy Đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp, khẳng định sự thống trị của họ trong nền chính trị Pháp và mở rộng cánh cửa đưa họ đến quyền lực.

Một đảng cực hữu chiến thắng trong tổng tuyển cử vòng đầu tiên là điều chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử Pháp.

Giờ đây, cả châu Âu nín thở chờ đợi kết quả bầu cử vòng 2, vòng quyết định vào chủ nhật 7-7, một ngày sau lượt trận tứ kết thứ 2 trên đất Đức.

Các lực lượng chính trị và xã hội Pháp, kể cả các ngôi sao lớn của đội tuyển Pháp như Kylian Mbappe, đều đã lên tiếng kêu gọi các cử tri ngăn chặn đà tiến của RN.

Nhưng những dự báo chính trị cho thấy những nỗ lực đó có thể không thành công. RN có thể không đủ số ghế để tự lập chính phủ, nhưng có thể tác động lớn đến xã hội nước Pháp.

Thành công của AfD và RN do đó hoàn toàn có thể che mờ những nỗ lực tổ chức của nước Đức cho Euro cũng như sự cố gắng lên ngôi vô địch của đội tuyển Pháp.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng dân túy được cho là phản ứng tiêu cực của nhiều người Đức và Pháp trước làn sóng nhập cư ồ ạt vào đất nước họ trong những năm qua, trong khi kinh tế trở nên bấp bênh, trật tự xã hội bị ảnh hưởng, lạm phát tăng, những mâu thuẫn trong các cộng đồng tôn giáo gia tăng, các cuộc tấn công mang yếu tố tôn giáo không còn là chuyện hiếm.

Lãnh đạo của cả hai đảng này đều còn rất trẻ, có học thức, có khả năng lôi cuốn cử tri và đã thành công trong việc khoét sâu vào các vấn đề xã hội mà các đảng trung tả cầm quyền lúng túng chưa giải quyết được.

Luật nhập tịch mới ở Đức, có hiệu lực từ 26-6, cho phép người sống ở Đức ít nhất 5 năm có quyền nộp đơn nhập tịch, rút xuống từ 8 năm trước đây, càng được cho là sẽ gia tăng các phản ứng tiêu cực khác.

Thành công của đội tuyển Pháp với chức vô địch thế giới năm 1998 ban đầu được ca ngợi là thắng lợi của nước Pháp mới, với sự kết hợp của các cầu thủ Pháp nhiều màu da.

Nhưng chức vô địch World Cup 20 năm sau đó không còn mang hương vị đó nữa, khi nước Pháp đã gặp phải quá nhiều vấn đề liên quan đến người nhập cư trong thời gian đó.

Hiện tại đội tuyển Đức đang đoàn kết cả quốc gia và cũng được ca ngợi là một đội bóng đa dạng thành phần, với đội trưởng đầu tiên là người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ (Gundogan) và một tài năng trẻ tài ba có gốc Nigeria (Musiala), trong hoàn cảnh AfD đang chiếm sự chú ý nhiều thứ hai sau họ.

Một chức vô địch Euro sẽ có rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh này. Nhiều người Đức cho rằng Đức khác Pháp và một quốc gia từng trải qua những năm tháng của chủ nghĩa phát xít sẽ không bao giờ để các đảng cực hữu lên nắm chính quyền.

Điều đó thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Còn giờ đây, mối lo cực hữu nổi lên ở châu Âu đang làm giảm đi niềm vui trọn vẹn của Euro.

Pháp sẽ có tân thủ tướng cực hữu tuổi 28?Pháp sẽ có tân thủ tướng cực hữu tuổi 28?

Mới chỉ 28 tuổi, ông Jordan Bardella đã đưa Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu trở thành lực lượng chính trị mạnh bậc nhất tại Pháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên