18/09/2010 07:47 GMT+7

Đừng trông mong mãi vào thủy điện

TÔ QUỐC TRỤ (giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam)XUÂN LONG ghi
TÔ QUỐC TRỤ (giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam)XUÂN LONG ghi

TT - Điều bất thường của thiên nhiên do tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ ở các hồ chứa thủy điện. Chưa bao giờ ngay trong mùa mưa lũ mà lo thiếu điện, thiếu nước, điều đó chỉ xảy ra ở mùa khô. Có thể nói, chúng ta đã khai thác hết về tiềm năng kỹ thuật, kinh tế từ các dự án thủy điện rồi.

Cúp điện giữa mùa mưa

mivrCwic.jpgPhóng to

Ngân hàng Nam Việt chi nhánh Tiền Giang chạy máy phát điện để duy trì hoạt động - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Nếu không tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu khi xây dựng các nhà máy điện sẽ là một thiếu sót, một sai lầm rất lớn. Vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay tác động không chỉ riêng với thủy điện, nhiệt điện mà tất cả các nhà máy điện khác đều bị ảnh hưởng. Đơn giản nhất là việc tính toán cốt nền, trong điều kiện nước biển dâng, cao trình bắt buộc phải điều chỉnh cao lên, nếu không tính tới những vấn đề này khi xây nhà máy, những rủi ro gặp phải sau này sẽ không tính nổi.

Khó khăn của ta từ trước tới nay là không có nguồn năng lượng dự phòng. Do không có nguồn dự phòng, bổ sung nên trong điều hành luôn gặp khó khăn. Thực tế ai cũng thấy là ngành điện đã phải dùng cả những giải pháp sa thải trên lưới, cắt điện luân phiên, đây là điều làm hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Biện pháp trước mắt bắt buộc phải có quy trình vận hành liên hồ chứa lớn để đảm bảo có nguồn tối đa từ thủy điện. Đến năm 2020 chúng ta mới có điện hạt nhân, vì vậy nguồn điện trong mùa khô của các năm tới đây chắc chắn phải trông mong vào nhiệt điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo như phong điện (điện từ sức gió). Thậm chí có những giải pháp hiện nay chúng ta đang làm là phát triển thủy điện ở các nước láng giềng như Lào, Campuchia để cấp điện trở lại.

Riêng đối với nhiệt điện, điều cần giải quyết hiện nay chính là những bất cập từ tiến độ của các nhà máy, sự điều hành. Có nhiều nhà máy nhiệt điện đưa vào vận hành quá chậm so với tiến độ, ngay cả những nhà máy đã đưa vào cũng không đảm bảo vận hành thật ổn định, khi cần nhiệt điện lại làm lịch đại tu, sửa chữa nên việc điều hành vẫn cứ loay hoay.

Ngân hàng Thế giới vừa đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo của VN rất lớn. Thậm chí họ còn nhận định tiềm năng gió ở VN gấp nhiều lần thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, các cơ quan quy hoạch của VN chưa đánh giá thực tế, chưa xác định chính xác được tiềm năng này.

Hiện nay, tôi được biết đã có khoảng 14 dự án điện gió đã làm xong giai đoạn đầu tư, nếu được duyệt thì đây sẽ là nguồn năng lượng bổ sung góp phần hạn chế thiếu điện từ nay đến năm 2020, thời điểm có điện hạt nhân.

Về tiến độ, các dự án điện gió chỉ mất 1-2 năm có thể đưa vào vận hành. Tuy nhiên về giá thành, đây thật sự là trở ngại. Tôi được biết Bộ Công thương đã trình Chính phủ quy định về quản lý đầu tư công trình điện gió. Nếu Chính phủ ban hành quyết định này, nó sẽ gỡ được nhiều khó khăn, tháo được rào cản về giá với những nguồn năng lượng như điện gió.

Bài toán về nguồn điện phải được tính căn cơ chứ không thể trông mong mãi vào thủy điện như lâu nay.

Tin bài liên quan:

7 ngày tới, hồ thủy điện vẫn “khát” nướcThủy điện vẫn chờ nướcMong mưa, chờ lũThiếu nước, điện phập phùĐề nghị bỏ 38 dự án thủy điệnSông Bồ cạn vì hạn và thủy điệnChủ đầu tư muốn biến rừng thành... rẫyBị tái định cư trong rừng đặc dụngThủy điện gây sạt lởThủy điện “đuổi” dân chạy dàiSống chung với nước biển dângThủy điện sống cầm chừngThiếu nước, thủy điện Sơn La có kịp phát điện?

TÔ QUỐC TRỤ (giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam)XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên