Phóng to |
Nguy cơ nước biển dâng đe dọa trực tiếp đời sống của người dân ĐBSCL. Trong ảnh: Vùng biển tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Công Anh |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Ban chỉ đạo đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu “Cơ sở khoa học và đề xuất các biện pháp ứng phó cho ĐBSCL đảm bảo việc phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng” của Viện Thủy lợi và môi trường thuộc Đại học Thủy lợi và “Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng” do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện.
Cả hai công trình nghiên cứu đều thống nhất nhận định những nguy cơ đe dọa đến sự phát triển ổn định cả về kinh tế, xã hội, môi trường của ĐBSCL do biến đổi khí hậu - nước biển dâng trong những năm tới là rất rõ ràng.
Phóng to |
Các nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL ngày càng bị biển xâm mặn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân ở đây. Trong ảnh: thu hoạch cá ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang - Ảnh: N.C.T. |
Đề xuất xây đập ở các cửa sông lớn
Theo Viện Thủy lợi và môi trường, kết quả phân tích tài liệu mực nước thực đo ở năm trạm trên biển Đông trong nhiều năm và tài liệu vệ tinh về bờ biển cho thấy trên vùng biển quanh ĐBSCL, nơi thủy triều có dạng bán nhật (hình chữ M), đỉnh triều tăng nhanh hơn chân triều, dẫn tới biên độ và năng lượng triều tăng gây nên xói lở bờ biển.
Ngược lại, trên biển Tây dạng triều hình chữ W, chân triều tăng nhanh hơn đỉnh triều khi nước biển dâng làm việc thoát nước từ nội đồng ra biển trở nên khó khăn hơn. Kết quả phân tích cũng cho thấy những biến động do biến đổi khí hậu - nước biển dâng đang diễn ra và đồng bằng đang cầm cự. Bằng chứng là mùa lũ ở ĐBSCL mấy năm qua đến chậm và đỉnh lũ rất thấp, trong khi tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển diễn biến rất phức tạp.
Trong khi đó, ĐBSCL có 17 cửa sông rất rộng, gồm bảy cửa thoát nước thuộc sông Tiền và sông Hậu rộng gần 200km, là nơi tiếp nhận tất cả những biến động của nước biển dâng và chuyển tải những biến động đó vào nội đồng. Trung bình có trên 1,5 tỉ m3 nước mặn đổ vào các cửa sông Tiền, sông Hậu vào mỗi ngày mùa nước kiệt, khi nước biển dâng lượng nước mặn khổng lồ này tăng thêm 25% làm gia tăng xâm nhập mặn và ngập triều.
Chưa kể nước biển dâng sẽ làm giảm đáng kể khả năng thoát nước của cửa sông trong mùa lũ, gây ngập lụt kéo dài. Do đó, Viện Thủy lợi và môi trường đề xuất các giải pháp ứng phó nước biển dâng nên bắt đầu từ cửa sông, bờ biển bằng cách bổ sung các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời hỗ trợ việc tiêu thoát nước bằng phương pháp động lực (bơm).
"Bộ NN&PTNT nên có quy hoạch khu vực an toàn để sản xuất giống lúa, vật nuôi bảo đảm đủ để phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là để duy trì sản xuất sau khi có thiên tai bất lợi" |
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi đến năm 2050 cần phải bảo đảm an toàn tính mạng của 17,2 triệu dân ĐBSCL, trong đó có khoảng 10 triệu dân trong vùng ngập lũ và 6 triệu dân vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề do nước biển dâng.
Đồng thời phải bảo vệ vựa lúa ĐBSCL để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ngoài các công trình cống đập ven sông Tiền, sông Hậu, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đề xuất xây dựng năm hệ thống cống đập lớn ở các cửa sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và Cung Hầu, cửa Tiểu và cửa Đại, cửa Định An và Trần Đề. Song song đó phải đẩy mạnh giải pháp phi công trình là hướng dẫn người dân thay đổi tập quán, tổ chức sản xuất từ “sống chung với lũ” chuyển sang sẵn sàng sống chung với... nước biển dâng.
Phóng to |
Kịch bản mực nước biển dâng (cm) so với thời kỳ 1980-1999-Nguồn: Bộ Tài nguyên - môi trường - Đồ họa: M.TÁNH |
Cảnh báo hệ lụy về môi trường
Đánh giá cao đề xuất của hai viện nghiên cứu, song TS Tô Trung Nghĩa - nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi VN - cho rằng các đề án nghiên cứu cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của vùng thượng lưu sông Mekong để tính toán hết các kịch bản có thể xảy ra. “Phía thượng nguồn Mekong là những bậc thang thủy điện, mà quy trình vận hành của họ là tích nước trong mùa lũ rồi đợi đến cuối mùa kiệt mới xả. Đây là vấn đề phải tính!” - ông Nghĩa cảnh báo.
* GS Võ Tòng Xuân: Nên tăng diện tích nuôi tôm và thủy sản Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc làm giàu ở các tỉnh ĐBSCL cần phải được tính toán cụ thể với một nguyên tắc chung là sản xuất phải gắn liền với đầu ra. Trước tiên nông dân cần từ bỏ hẳn kiểu làm ăn cũ: tự phát, mạnh ai nấy làm và gắn với doanh nghiệp có đầu ra. Có thể phải giảm diện tích lúa vụ đông xuân lại, tăng diện tích tôm và thủy hải sản nước lợ và mặn. Vùng có nguy cơ nhiễm mặn nên áp dụng hệ thống lúa tôm, cần sử dụng giống lúa năng suất cao dưới 100 ngày, sau đó nuôi tôm. Vùng ngọt không ngập sâu nên chuyển vụ hè thu sang thu đông với các giống lúa chất lượng cao, rồi trồng màu giá trị cao trong vụ đông xuân. Các vùng cây ăn trái nên củng cố đê bao giữ ngọt, dần chuyển sang những giống độc đáo của VN như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm nhãn, mít nghệ... |
GS.TS Nguyễn Tất Đắc và GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cũng đồng tình và cho rằng việc nghiên cứu số liệu vùng thượng lưu là hết sức quan trọng. “Trong những năm tới dân số ở thượng lưu tăng lên, nhiệt độ Trái đất tăng lên kéo theo nhu cầu nước cho sinh hoạt, tưới tiêu của họ cũng tăng. Những yếu tố đó sẽ tác động đến nguồn nước của chúng ta như thế nào? Đây là vấn đề sống còn!” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đặt vấn đề.
Ông Trân cho biết đáng ngại nhất là những dự án chuyển nước ra khỏi dòng chảy sông Mekong ở Thái Lan và Trung Quốc. Một dự án của Thái Lan chuyển nước từ sông Mekong để tưới cho một khu vực có hàm lượng muối rất cao trước khi trả nước lại cho sông Mekong, chất lượng nguồn nước “đầu ra” này cần phải được xem xét.
Các nhà khoa học lưu ý năm hệ thống cống đập ở các cửa sông lớn cần được xem xét thật cẩn trọng về vấn đề tác động môi trường. Bởi việc ngăn cửa sông về lâu dài sẽ gây những tác động lớn về môi trường, sinh thái mà ngay cả ở những quốc gia giàu kinh nghiệm như Mỹ, Hà Lan còn phải tính chuyện phá những con đập đã xây để giải quyết vấn đề môi trường.
TS Nguyễn Ngọc Anh, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trấn an rằng những cống đập mà đơn vị này đề xuất là đập đa năng, có thể mở để thoát lũ và đóng để ngăn mặn, giữ ngọt nên tác động xấu về môi trường không lớn. Mặt khác, theo TS Nguyễn Ngọc Anh, xây đập ở cửa sông Vàm Cỏ là rất cần thiết để giữ ngọt cho cả vùng Gò Công, nếu không khi nước biển dâng là cả vùng này phải chuyển đổi sản xuất. Riêng các đập cửa sông Cổ Chiên và Cung Hầu nếu có xây dựng cũng phải sau năm 2030 nên chưa đáng lo ngại.
Nước đã đến chân
Các nhà khoa học cũng thống nhất rằng song song các giải pháp công trình, cần tập trung cho các giải pháp phi công trình mà cụ thể là thay đổi các tập quán và cách tổ chức sản xuất.
GS Nguyễn Sinh Huy - Viện Thủy lợi và môi trường - cho rằng nước biển dâng cũng mở ra cơ hội cải tạo cả vùng ĐBSCL vì sẽ làm dâng mực nước trong nội đồng và tạo ra những thay đổi về sinh thái. “Vấn đề là chúng ta phải tận dụng những thay đổi này như thế nào để biến nó thành yếu tố có lợi cho phát triển nông nghiệp” - GS Nguyễn Sinh Huy nói. Tương tự, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho hay hiện đơn vị này đang triển khai việc cấy ghép gen chịu mặn cho cây lúa để tăng sức chống chịu trong điều kiện độ mặn đến 5-6‰.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết “Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng” phải được trình Chính phủ để đưa vào giải pháp phát triển kinh tế - xã hội báo cáo trước Đại hội lần thứ XI của Đảng nên thời gian không còn nhiều, nếu không nói là “nước đã đến chân”. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa của cả nước mà là của cả thế giới nên việc bảo vệ ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng là nhiệm vụ sống còn.
Nước ở thượng nguồn thấp nhất trong lịch sử Năm nay trên thượng nguồn sông Mekong cũng như ở các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ mùa mưa đến muộn và trong tám tháng qua hầu hết có lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Trong ba tháng 5, 6 và tháng 7-2010, mực nước thượng nguồn ở mức thấp hơn so với cùng thời kỳ từ 1,5-3m, thấp nhất trong chuỗi số liệu lịch sử và thấp hơn cả những năm 1992 và 1998 là những năm thấp nhất trên sông Mekong. Tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 0,7-1,1m, tương đương với mực nước năm 1998. _______________________ Dự báo những tác động do biến đổi khí hậu - nước biển dâng đến năm 2050 tại ĐBSCL * Gần 6,5 triệu người vùng ven biển không có nước sinh hoạt * Không đủ khả năng cấp nước từ nguồn nước mặt cho các khu công nghiệp ven biển * Các dự án ngăn mặn hiện nay không đủ giữ nước để sản xuất lúa hai vụ * Hạn trên 10 ngày gia tăng 1,5 lần * Các vùng ngập sâu hiện nay (khoảng 90.000 ha) không đủ thời gian trồng hai vụ * Hầu hết đường giao thông vùng ngập lũ bị ngập 0,2-0,6m * Thêm nhiều thị trấn, thị xã và TP 13 tỉnh ĐBSCL bị ngập * Nền các khu công nghiệp trong vùng ngập lũ bị ngập 0,2-0,5m |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận