Theo ông Quang, bản chất của việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là phá rừng, thu hẹp diện tích rừng phòng hộ (có cả rừng đặc dụng), làm nghèo tài nguyên rừng.
Phóng to |
Nhà dân tái định cư cho công trình thủy điện Sông Tranh 2 được bố trí sát rừng phòng hộ và khu rừng này bị phá liên miên - Ảnh: KHẢI MINH |
Không có đất chôn người chết Theo ông Nguyễn Thành Vân - chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, người dân tái định cư không chỉ không có đất sản xuất mà đến nay còn chưa có nghĩa trang. Theo ông Đinh Văn Xuân - chủ tịch UBND xã Trà Pui - xã tái định cư, từ khi tái định cư đến đây đã có chín người chết, do không có nghĩa trang, đồng bào phải chôn người chết ngay sau nhà mình. Đây là việc trái hoàn toàn với phong tục tập quán của đồng bào. |
Để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị chủ đầu tư - Ban quản lý dự án thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) - di dời tái định cư 834 hộ dân địa phương. Trong đó có 431 hộ tái định cư đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp đất sản xuất, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Giải quyết tình trạng này, ngày 15-3 Ban quản lý dự án thủy điện 3 có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị “thống nhất chủ trương và có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các cấp hỗ trợ phối hợp cùng Ban quản lý dự án thủy điện 3 lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng 745ha rừng xung quanh khu vực tái định cư để tạo quỹ đất giao chính quyền địa phương cấp cho người dân tái định cư sản xuất”.
Theo ông Đoàn Tất Chẩn - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, hầu hết diện tích rừng mà chủ đầu tư muốn chuyển đổi mục đích sử dụng là rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng không thể chấp nhận kiểu làm ngược của chủ đầu tư, thu hồi đất sản xuất của dân, di dời họ đi mấy năm rồi mới tính chuyện tìm đất cho họ sản xuất. Thật ra nơi dân đến tái định cư vẫn có đất sản xuất, diện tích rất lớn, theo chủ đầu tư là 845,7ha, quyền sử dụng thuộc về người dân sở tại. Sở dĩ nhà đầu tư không coi đây là quỹ đất để giao cho dân tái định cư vì sợ... tốn tiền.
Tại báo cáo trên, chủ đầu tư cũng thừa nhận: “Hiện nay đơn giá bình quân thu hồi 1ha đất sản xuất của người dân sở tại gần khu tái định cư khoảng 100 triệu đồng... Nếu đền bù đất cho người dân sở tại để thu hồi sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho chủ đầu tư”. Ngại tốn kém nên chủ đầu tư đã nêu ra giải pháp không thiệt cho mình là biến rừng phòng hộ thành rẫy để giao cho dân.
Theo ông Nguyễn Thành Vân - chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, địa điểm tái định cư cho dân sát ngay vùng rừng phòng hộ cũng là một nghịch lý. Cách nhà dân 100m là bìa rừng phòng hộ. Trong khi chưa có đất sản xuất và tiền đền bù cũng chẳng bao nhiêu thì việc bà con phá rừng lấy đất là điều dễ hiểu.
Theo ông Đoàn Tất Chẩn, từ khi dân đến tái định cư, tình trạng phá rừng diễn ra liên miên. Chỉ ba tháng đầu năm 2010 đã có 6,4ha rừng phòng hộ bị phá. Một người dân có tham gia phá rừng nói: “Biết phá rừng là sai nhưng không phá thì chết đói”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận