Tôi trở lại Singapore từ đầu tháng 2 để tiếp tục công việc ở Đại học Quốc gia Singapore. Khi đó, Chính phủ Singapore phải nâng mức cảnh báo về dịch bệnh COVID-19 lên màu cam, mức cao thứ 2, khi đã có 33 ca nhiễm bệnh. Nhịp sống hằng ngày của chúng tôi bắt đầu có những khác biệt từ sau quyết định này.
Tại cao ốc văn phòng, công sở, mọi nhân viên phải tuân thủ quy định ngày đo thân nhiệt hai lần: buổi sáng khi mới tới và buổi chiều lúc ra về. Mỗi người khi đo thân nhiệt xong phải chụp hình lại con số hiển thị trên nhiệt kế và gửi vào hệ thống phần mềm theo dõi. Nếu thân nhiệt bất ổn sẽ được yêu cầu đi khám bệnh.
Đồng thời, mọi sự kiện hội thảo, họp hành hay lớp học có quy mô từ 50 người trở lên đã lên kế hoạch đều phải giải tán, nhưng vẫn có thể hội thảo, giảng bài thông qua nền tảng công nghệ.
Nhưng cho tới nay, Chính phủ Singapore vẫn quyết định không cho học sinh nghỉ học. Nhưng để duy trì sự bình thường đó, các biện pháp phòng dịch rất chi tiết đã được triển khai.
Trước hết là yêu cầu mỗi người dân có tinh thần tự giác, nếu thấy bản thân có bất cứ một hay nhiều trong số các triệu chứng thông thường của bệnh COVID-19 như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi thì phải đi khám ngay. Sở dĩ Singapore vẫn cho học sinh, sinh viên đi học vì có cơ sở vật chất trường lớp tốt, số học sinh cũng không quá đông nên cũng dễ quản lý hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa mọi thứ cứ trôi qua bình thường. Thực sự những ngày đầu khi dịch mới bùng lên, người dân ở đây cũng có lo sợ nhất định. Khi màu cam được ban bố, mọi người đã đổ xô ra siêu thị mua giấy vệ sinh, mì, gạo... để tích trữ.
Khi chính phủ đảm bảo với người dân sẽ không để khan hiếm nhu yếu phẩm, đồng thời đặt ra luật quy định mỗi người chỉ được mua một số lượng hàng hóa nhất định, tình trạng mới dịu đi. Cũng may là ở Singapore phần đông là người châu Á, người Trung Quốc và người gốc Hoa nên không có chuyện kỳ thị liên quan tới dịch COVID-19.
Tiếc rằng qua truyền thông, mọi người có biết đến tình trạng kỳ thị vì dịch bệnh COVID-19 ở một số nước. Sự kỳ thị đó bắt nguồn từ một số lý do, trong đó quan trọng nhất là vì nhiều người chưa hiểu đúng về dịch COVID-19.
Việc không hiểu đúng này có phần do không ít người có thói quen đọc tin tức trên mạng xã hội, trong khi rất nhiều người lên mạng đăng thông tin thường có tâm lý muốn tạo những "kịch tính" để gây chú ý. Và cũng có những người lại đâm lo lắng vì... quá hiểu biết, như thông tin công trình nghiên cứu y khoa nói virus corona chủng mới có thể tồn tại tới 24 ngày ngoài môi trường. Thực tế khả năng này, nếu có, cũng rất hiếm, do đó chúng ta không nên lo lắng thái quá...
Sự lo lắng thái quá không có lợi cho phòng chống dịch COVID-19. Là người nghiên cứu về kỹ thuật y sinh, tôi cho rằng có những cách rất đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả để giúp mọi người phòng tránh được lây nhiễm bệnh COVID-19. Như hãy tránh những chỗ đông người, rửa tay thường xuyên và đúng cách sau khi tiếp xúc với vật dụng hay bề mặt có nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, bàn phím thang máy... Thay vì quá lo lắng, hãy cẩn thận làm được những điều cơ bản ấy thường xuyên đã tốt lắm rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận