06/07/2019 08:13 GMT+7

Đừng để Việt Nam mình 'chìm' trong rác nhựa

Ông HỒ ĐỨC LAM (chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN) - TRẦN VŨ NGHI ghi
Ông HỒ ĐỨC LAM (chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN) - TRẦN VŨ NGHI ghi

TTO - Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất túi tự phân hủy chỉ đang cung cấp cho thị trường xuất khẩu, tiêu thụ rất ít tại thị trường nội địa, chủ yếu theo đơn đặt hàng của một số siêu thị.

Đừng để Việt Nam mình chìm trong rác nhựa - Ảnh 1.

Sản xuất bao bì tự hủy tại một doanh nghiệp nhựa Ảnh: T.T.D.

Ngay từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% khối lượng túi nilông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% sản phẩm này tại các chợ dân sinh, đồng thời sẽ thu gom, tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải từ túi nilông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. 

Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ "xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất, sử dụng bao bì, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilông khó phân hủy".

Như vậy, ngay từ rất sớm, Chính phủ đã nhận thấy được sự cần thiết phải hạn chế việc sử dụng túi nilông và thải ra môi trường, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong 500 doanh nghiệp sản xuất túi nilông hiện nay, chỉ có vài chục doanh nghiệp đầu tư sản xuất túi tự phân hủy. 

Phần lớn các doanh nghiệp này chỉ cung cấp cho thị trường xuất khẩu, tiêu thụ rất ít tại thị trường nội địa, chủ yếu theo đơn đặt hàng của một số siêu thị.

Trong thực tế, hơn 90% lượng túi nilông thông thường đều do các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cung cấp, Nhà nước lại khó thu thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg như quy định hiện hành với các doanh nghiệp hay cơ sở này. Nhờ đó, giá thành của các sản phẩm này thường thấp hơn 20-30% so với các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Đây là một trong những lý do quan trọng nhất mà nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi thân thiện với môi trường chưa "mặn mòi" với thị trường nội địa.

Để đầu tư sản xuất túi thân thiện môi trường hay túi tự phân hủy cần rất nhiều công sức, từ nhà xưởng, máy móc đến đạt được chứng nhận tiêu chuẩn mới được miễn thuế, nhưng sản phẩm không thể cạnh tranh được với các loại túi nilông thông thường do giá thành cao hơn.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về vấn đề quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa và túi nilông, cũng chưa được thông suốt. Ví dụ Bộ Tài nguyên - môi trường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhưng việc quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn lại được giao cho Bộ Xây dựng.

Tương tự, Bộ Khoa học - công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, với công nghệ không phải áp dụng lần đầu lại không thấy giao cho bộ nào chịu trách nhiệm thẩm định công nghệ.

Với việc sử dụng túi nilông "vô tội vạ" như hiện nay, ngay cả khi Việt Nam xây dựng được ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa đúng quy chuẩn, cũng cần phải siết lại và xác định loại hình túi có thể thay thế. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi nilông sang loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường hơn một cách tự nguyện, hoặc bắt buộc.

Cũng nên áp dụng biện pháp mạnh để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (nói chung), có lộ trình tính toán mức chế tài đối với người bán lẫn người sử dụng nếu không thay đổi ý thức, hành vi lẫn thói quen. Nếu không, Việt Nam sẽ "chìm" trong ô nhiễm từ nguồn rác thải nhựa khó phân hủy ra môi trường lên đến cả 100.000 tấn/năm.

Việt Nam sẽ cấm đồ nhựa dùng 1 lần Việt Nam sẽ cấm đồ nhựa dùng 1 lần

TTO - Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ông HỒ ĐỨC LAM (chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN) - TRẦN VŨ NGHI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên