31/08/2019 14:35 GMT+7

'Đừng để sự ra đi của ba là vô nghĩa'

LÊ THỊ QUỲNH TRÂM
LÊ THỊ QUỲNH TRÂM

TTO - Bỗng một cái tát nảy lửa vào má, tôi run người vì đau và vì giận. Hai tay anh lắc tôi thật mạnh: 'Em sao vậy bé? Em không được lùi bước, đừng để sự ra đi của ba là vô nghĩa'.

Đừng để sự ra đi của ba là vô nghĩa - Ảnh 1.

14h

Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM vắng tanh. Sinh viên ai ở phòng nấy hoặc lên thư viện ôn bài chuẩn bị thi học kỳ 1 năm 2006.

Chiều hôm ấy không biết có chuyện gì mà lòng tôi hồi hộp, mắt phải máy liên tục. Cứ cúi xuống đọc sách, tâm trí tôi lại ở nơi đâu. Bỗng điện thoại Xuyến rung, bạn nhìn tôi: "Ai gọi nè Trâm!". (Ngày ấy, tôi chưa có điện thoại). Tôi cầm máy. "Chuẩn bị đồ đạc về nhà nha bé. Chút nữa anh xuống". Đó là tiếng anh Hai tôi. Tại sao lại về nhà, gần thi rồi mà?

Tôi ngồi sụp xuống. Lo lắng! Nước mắt chực trào! Bạn cùng phòng xếp vật dụng cá nhân vào balô cho tôi.

“Nếu không có cái tát ấy, có lẽ tôi vẫn đang ngụp lặn trong nỗi mất mát và chìm xuống. Cảm ơn cái tát của anh.

LÊ THỊ QUỲNH TRÂM

15h

Tiếng anh Hai gọi vọng lên phòng 316, tôi vội xách balô, hỏi gấp: "Sao về nhà vậy anh Hai? Có chuyện gì hả anh?". Anh nhìn tôi: "Nhà có chuyện bé à". Ánh mắt anh rất buồn, nhưng chẳng dám nói sự thật vì sợ tôi sốc. Bước chân tôi nặng trịch.

Tôi tự dưng thắt ruột gan nhớ dáng ba quảy từng gánh lúa, nụ cười của mẹ ngày tôi vào Sài Gòn nhập học. Mới tuần rồi tôi còn nhận được thư ba động viên con gái đừng nhớ nhà.

Chuyến xe bắt đầu lăn bánh. Tôi thấy thời gian như ngừng lại. Từng phút trôi qua tim tôi se thắt! Anh Hai bảo tôi cố chợp mắt cho đỡ mệt. Nhưng cứ nhắm mắt là tôi lại hồi hộp, lo sợ một chuyện gì đó. Tôi cố nuốt nước mắt vào trong vì sợ anh Hai nghe mình khóc.

4h

Xe về đến quê nhà ở làng Phú Lộc, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Tháng 11, trời trở lạnh. Tôi rùng mình khi cơn gió thổi qua. Hai anh em bắt xe thồ về nhà. Vừa tới cổng, tôi thấy nhà mình rất đông, rủ cờ trắng. Tôi cuống quýt vội chạy vào nhà.

Trời ơi! Bên trong linh cữu kia là ba tôi đang nằm. Tôi mất hồn, khóc ngất. Ba ơi! Tại sao ba nỡ bỏ anh em chúng con mà đi? Ba ơi! Con chưa được nhìn mặt ba lần cuối, có tàn nhẫn, bất công quá không ba? Dậy đi ba ơi... Tiếng tôi kéo dài, tim tôi như vỡ vụn trăm mảnh. Nỗi mất mát quá lớn! Nhìn sang thấy hai mắt má sưng vù, đứa em trai đầu khăn trắng, tôi càng đau đớn!

11h

Đi bên cạnh linh cữu ba giữa cái lạnh và mưa không ngớt. Đường đến nghĩa trang bao nhiêu ánh mắt xót thương nhìn theo. Có người bảo: "Thôi anh em nó chắc phải nghỉ học, chứ tiền đâu mà học với hành". Quan tài hạ chôn xuống, từng xẻng đất che dần. Hai mắt tôi nhòa đi. Tự dưng tôi lại thấy hình ảnh ngày xưa ba đèo tôi xuống chợ Tuy Hòa xem hoa tết rồi mờ dần, mờ dần...

19h

Căn nhà chỉ còn bốn mẹ con sao trống vắng, lạnh lẽo quá! Nhìn di ảnh ba, má nghẹn ngào: "Ba con mắc bệnh trầm cảm. Từ ngày các con vào đại học, ba sợ tất cả. Sợ không có tiền cho hai anh em học, ba lại bệnh nặng thêm. Suốt ngày ba cứ ru rú trong nhà".

Tháng trước, ba uống thuốc độc tự tử nhưng cứu được. Má chỉ dám nói cho anh Hai biết và giấu tôi. Chiều hôm qua, má đi làm gạch như mọi hôm, ai ngờ về thì thấy ba đã treo cổ tự tử. Má cố nén nước mắt, tôi chỉ biết ôm chầm lấy má. Rồi đây đôi vai gầy guộc của má sẽ càng thêm gánh nặng lo cho các con!

Trở lại TP.HCM để ôn thi nhưng tôi nào học được. Mở từng trang sách, nước mắt tôi lã chã. Quyển nhật ký đầy nước mắt của cô sinh viên năm nhất phải mất ba. Nỗi đau càng tăng lên khi những ngày cuối tôi không được gặp ba, được nhìn ba lần cuối. Tôi tự trách hay vì mình mà ba mắc bệnh rồi tự tử?

Nỗi ám ảnh ấy trong cả giấc mộng. Từ ngày ba mất, tôi không một đêm ngon giấc. Ánh mắt, nụ cười của ba như khắp nơi. Mặc sự động viên của bạn cùng phòng, tôi thu mình vào vỏ bọc và trở thành một người khác lúc nào không hay...

20h

Tiếng anh Hai vọng lên phòng 316. Tôi vội chạy xuống. Nhìn thấy anh, nước mắt tôi lại tuôn dài. Tôi muốn khóc thật to để được anh vỗ về. Bất ngờ, anh nghiêm giọng: "Học bài hết chưa bé?". Tôi nấc lên: "Chắc em không qua nổi kỳ thi này đâu anh ơi".

Bỗng một cái tát nảy lửa vào má, tôi run người vì đau và vì giận. Hai tay anh lắc tôi thật mạnh: "Em sao vậy bé? Em không được lùi bước, đừng để sự ra đi của ba là vô nghĩa. Em biết không, em là niềm tự hào của ba mà. Ba kỳ vọng vào em rất nhiều".

Trong giây phút ấy, tai tôi như nghe lời thì thầm của ba: "Đúng rồi con gái, con phải học để về làm cô giáo trường làng chứ". Mặt đau rát, tôi định thần lại. Đúng, sao tôi có thể làm ba thất vọng được. Khoảnh khắc ấy tôi vỡ lẽ hiểu được điều anh Hai nói. Tôi nhận ra rằng mình phải vượt qua nỗi đau này, vì còn có nhiều người yêu thương mình là má, là anh Hai, là Tí em. "Em xin lỗi anh" - tôi xúc động nói với anh.

Nếu không có cái tát ấy, có lẽ tôi vẫn đang ngụp lặn trong nỗi mất mát và chìm xuống. Cảm ơn cái tát của anh. Học kỳ ấy, tôi đã giành được học bổng của khoa trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, và sau này tôi đã trở thành cô giáo trường làng như ước nguyện của ba...

Tôi thật sự thấu hiểu rằng trong tuyệt vọng, khổ đau nhất, người chia sẻ cùng mình không ai khác chính là những người mình yêu thương nhất. Gia đình là tất cả đối với tôi.


photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1
Âm thanh đếm tiền Âm thanh đếm tiền

TTO - Một ngày, hơn mười chủ nợ tới đòi. Đứa bé mới 12 tuổi như tôi buộc phải hiểu đồng tiền là gì. Nó là nguyên nhân người ta mạt sát ba má tôi, là ba đứa em tôi đói lả vì không có tiền dù chỉ vài ngàn đồng mua gạo!

LÊ THỊ QUỲNH TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên