16/08/2019 10:38 GMT+7

Cô giáo đã cứu đời tôi

ĐỖ TUÂN SẮC
ĐỖ TUÂN SẮC

TTO - Năm khó khăn 1981 ấy, tôi đang học lớp 10 ở Trường Trần Phú (nay thuộc quận Tân Phú, TP.HCM). Trống điểm tan trường, tôi lững thững ra chỗ để xe, chợt tái mặt khi không thấy chiếc xe đạp cũ kỹ của mình...

Cô giáo đã cứu đời tôi - Ảnh 1.

Sau này, trên đường đời tôi còn gặp nhiều khó khăn tưởng như phải bỏ học, phải đánh mất mình, nhưng tôi đã nhớ lấy lời cô để sống tốt và vượt lên được khó khăn.

ĐỖ TUÂN SẮC

1 Do tiếc tiền gửi xe, tôi đã dựng bên hàng rào bãi giữ xe của trường. Hớt hải, tôi chạy tìm xung quanh với hi vọng mong manh người ta dời xe mình sang chỗ khác nhưng vẫn vô ích. Ngồi xuống nền đất ẩm ướt, tôi vừa khóc vừa lo nghĩ: Lấy đâu xe để đi học? Trường học quá xa nhà! Rồi ba má sẽ chửi đánh. Nhà nghèo nên chiếc xe đạp đối với gia đình tôi là cả một tài sản...

Giữa lúc căng thẳng, khủng hoảng tinh thần, tôi rụt rè đến bên một chiếc xe đạp cũ dựng gần đó. Ngó dáo dác không thấy ai, tôi chẳng kịp suy nghĩ gì, chỉ nhảy vội lên xe rồi chạy thật nhanh ra đường. Thỉnh thoảng, tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau xem có ai đuổi theo mình hay không. Nếu chẳng may mình bị bắt thì khủng khiếp quá! 

Mưa lâm râm. Những giọt nước mưa lạnh lẽo rơi xuống như đang khóc than cho số phận đen đủi và tính cách tự dưng bất chợt xấu xa của tôi.

Trời tối, nhà không ai để ý nên sáng hôm sau, tôi đem chiếc xe đạp ra sân sau sơn phết lại, thay đổi hình dáng của xe rồi yên tâm cưỡi đi học. Lần này, tôi dựng xe gần lớp học và khóa xe cẩn thận.

2 Tan buổi học, tôi vội vàng ra chỗ để xe, đang lui cui mở khóa xe, tôi chợt giật mình. Cô Lê Thị Ánh Ngọc, dạy môn toán cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi (nay đã về hưu), đang bước đến gần. Cô nhoẻn miệng cười, nhẹ nhàng nói:

- Em vào lại lớp đi, cô gặp em một chút.

Tôi bước theo cô, lòng trĩu nặng những lo nghĩ. Tuần rồi mình đâu có vi phạm nội quy học đường, điểm số môn nào cũng cao mà. Vậy cô gọi mình để làm gì? Học phí của mấy tháng trước ba cũng mới vừa đóng xong, mình còn đang giữ biên nhận. Hay là cô đã biết việc mình lấy cắp xe đạp? Trời ơi! Nếu đúng như vậy thì mình sẽ bị đuổi học, sẽ bị ở tù, không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè, hàng xóm! Trời ơi!

Tôi run run bước vào lớp. Cô mở quạt máy rồi mời tôi ngồi xuống ghế. Không gian im ắng, tiếng quạt máy chạy đều đều. Thấy tôi vẫn còn đứng, cô Ngọc nói:

- Em ngồi xuống đi.

Tôi rụt rè ngồi xuống mép ghế, không dám nhìn mặt cô. Cô nhẹ nhàng hỏi:

- Ba mẹ em vẫn khỏe chứ?

- Dạ, khỏe.

- Tuần rồi, gia đình em có gặp sự cố gì bất thường không?

- Dạ, không.

- Cô muốn em thành thật trong việc này để cô có cách giải quyết phù hợp.

- Dạ, dạ.

- Bạn Tuấn nói em lấy cắp xe đạp của nó...

- Đâu có cô, xe của em mà cô!

- Tuấn nói hai cái niềng xe sơn bạc của xe nó em chưa kịp sơn lại, cái ống khóa xe của Tuấn hiện còn gắn ở yên xe của nó.

Tôi bật khóc, cúi gằm mặt xuống bàn, chân tay bủn rủn!

- Em xin lỗi cô... Em xin trả lại xe cho bạn.

- Tại sao vậy em? Tại sao em lấy xe của bạn?

Tôi vừa đáp vừa nhìn cô qua màn nước mắt:

- Dạ, hôm qua, lúc tan học, ra hàng rào bãi giữ xe, em không thấy xe em đâu nữa... Ai đó đã lấy cắp xe của em! Sợ về ba má đánh chửi, không có xe đi học nên em đã dại dột lấy cắp xe của bạn...

- À! Cô hiểu rồi!

Cô Ngọc thở dài, vẻ mặt đăm chiêu, ái ngại nhìn tôi.

Tôi vẫn khóc nức nở. Lát sau, tôi ngập ngừng, nghẹn ngào nói:

- Trả xe rồi, chắc em sẽ xin nghỉ học. Em không còn dám nhìn mặt các bạn nữa.

Cô Ngọc ôn tồn:

- Không, em không phải trả xe cho Tuấn nữa. Cô biết nhà em rất khó khăn. Cô sẽ mua cho Tuấn một chiếc xe đạp khác và nói Tuấn giữ kín chuyện này. Cô chỉ mong ở em một điều là phải cố gắng sống tốt ngay cả khi bị rơi vào nghịch cảnh, hoàn cảnh ngặt nghèo...

3 Cô Ngọc nói ít, nhưng lời của cô như ăn sâu vào từng làn da, thớ thịt tôi. Trái tim nhân ái của cô vừa giúp tôi thoát khỏi hố sâu tăm tối, có thể đẩy đời mình rẽ sang hướng khác và gục ngã hoàn toàn!

Học xong phổ thông, tôi nỗ lực thi đậu vào ngành sư phạm như cô và trở thành giáo viên dạy văn. Hai cô trò lại trở thành đồng nghiệp thân thiết với nhau dưới mái trường cũ. Cô hay trò chuyện với tôi, nhưng không bao giờ gợi nhắc kỷ niệm đặc biệt mà đời tôi chẳng thể nào quên. Kỷ niệm cô giáo đã giúp tôi nên người.

Hiện nay, tôi đã có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, có mái ấm gia đình. Không quên công ơn của cô, tôi cố gắng giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng của mình như cô từng giúp đỡ tôi, cứu vớt đời tôi...

6493413911270833608114448185015653837570048n-1561093392208899906498

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo-hdbank-1561102649067325314979

Là con gái, lại đã ở tuổi 30, ra đi có còn... bồng bột? Là con gái, lại đã ở tuổi 30, ra đi có còn... bồng bột?

TTO - Là con gái, lại đã ở tuổi 30, tôi vẫn quyết định rời quê hương để tới vùng đất mới lập nghiệp và khiến cuộc đời tôi thay đổi.

ĐỖ TUÂN SẮC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên