07/12/2017 14:04 GMT+7

Cảm ơn nghề cô giáo mầm non cho tôi nhiều cảm xúc

TRỌNG THỨC (Thanh Hóa)
TRỌNG THỨC (Thanh Hóa)

TTO - Từ bỏ đại học, tôi chọn làm cô giáo mầm non và dù có thế nào, tôi vẫn đứng vững với nghề bởi tôi luôn tâm niệm việc chọn nghề giống như người trồng cây...

(Ghi theo lời kể của cô giáo Trang, Chư Sê, Gia Lai)

Cảm ơn nghề cô giáo mầm non cho tôi nhiều cảm xúc - Ảnh 1.

Cô giáo Trang - Trường mầm non Sao Mai (thị trấn Chư sê, tỉnh Gia Lai)

Gia đình tôi chuyển từ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) khi tôi vừa học xong lớp 4. 

Nhớ lại hồi ấy, mỗi ngày anh em tôi phải cuốc bộ gần 5 cây số đến lớp, ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa, đường đất đỏ trơn trượt rất vất vả. Nhiều bạn đến lớp rồi lại bỏ học dở chừng, có lúc tôi giận bố mẹ sao lại chuyển nhà vào tận nơi "khỉ ho cò gáy" thế này?

Lên cấp hai, bố mẹ mua cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc xe đạp nên đi lại dễ dàng hơn. Tôi vẫn nhớ như in cảnh những người mẹ địu con lên rẫy hái cà phê thuê. 

Có người mẹ kể không có tiền cho con đến trường để học con chữ. Khi đó tôi cứ nghĩ, tương lai của những đứa trẻ "đen thui" ấy sẽ ra sao nếu không được đi học? Và rồi nhen nhóm trong tôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non từ đó.

Tuy nhiên, khi chọn nghề, tôi vấp phải sự cản trở không nhỏ. Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình vào đại học để nở mày nở mặt với hàng xóm, láng giềng. Đó là lý do tôi thi vào ngành kế toán (Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương). 

Vào học khoảng một năm, không hiểu sao tôi cảm thấy mình như đang lạc đường. Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, "tỉ tê" với mẹ để xin được chuyển nghề, tôi vẫn run khi đứng trước bố, nhất là bố thường nói: "Con đừng trứng khôn hơn vịt".

Có lúc tôi nghĩ, nếu bỏ phí một năm đại học, tôi còn nhiều cơ hội khác. Nhưng nếu cứ theo đuổi nghề mình không thích, tôi cảm thấy lạc lõng, vô nghĩa lắm. 

Giáp tết 2012, tôi nung nấu quyết định chuyển nghề một cách nghiêm túc hơn, để rồi cuối cùng tôi đã… chiến thắng! Tôi thi lại và đỗ khoa Mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.

Mọi người bảo tấm bằng đại học có "giá" hơn, tôi thật dại khi đi học cao đẳng, nhất là nghề trông trẻ đang để mất niềm tin của công chúng. Nhưng trăn trở từ cái thuở ấu thơ, nghĩ đến những ngày cuốc bộ đến trường, nghĩ đến những gương mặt đen nhẻm của những đứa trẻ theo mẹ lên rẫy hái cà phê thuê, tôi thầm nghĩ: nếu là cô giáo, tôi sẽ giúp ích được nhiều trẻ hơn.

Ra trường, tôi xin vào Trường mầm non Sao Mai (thị trấn Chư sê, tỉnh Gia Lai). Trở thành cô giáo mầm non, có những giây phút tôi cũng thổn thức khi nghĩ về nghề. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy áp lực khi trẻ có vết xước trên tay sẽ bị phụ huynh trách móc. 

Tuy nhiên, cảm giác ấy dần qua mau bởi mỗi ngày được yêu thương gần 50 gương mặt thơ ngây, ngắm những đôi mắt to tròn của các con, tôi cảm thấy lời trách móc kia chỉ là một nét chấm phá nhỏ trên đường đời.

Bình thường thì thế nhưng ngày nhà 20-11, có nhiều phụ huynh rất nghèo, suốt năm "bán mặt" trong rẫy cà phê nhưng vẫn nhớ ngày và có quà tặng cô. Tôi nhớ có lần một người mẹ nghèo đi bộ suốt 7 cây số đến để tặng quà cô giáo, từ chối thế nào người mẹ ấy cũng không chịu. 

Có lẽ, đó là những món quà ý nghĩa, niềm an ủi đối với chúng tôi - những cô giáo mầm non trên đất đỏ Tây Nguyên.

  Làm cô giáo mầm non, chúng tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía, chỉ một phút không kiềm chế dễ làm tổn thương trẻ. Tự khi nào, tôi học được tính dịu dàng, phải tạo cho các con cảm giác an tâm. 

Những khi trẻ ị đùn, những khi trẻ khóc tập thể, tôi tự dặn mình hãy yêu trẻ như con mình, hãy làm bằng tình yêu thay vì trách nhiệm. Nhất là những khi chúng tôi phải vào nhiều vai, vừa là người mẹ vừa là cô giáo, vừa là người giúp việc vừa là thầy thuốc, có lúc lại như một chuyên gia tâm lý. 

Trong mắt trẻ, có khi chúng tôi là họa sĩ, có lúc lại là diễn viên múa, rồi là phiên dịch viên, có khi vào vai chú sửa nhà vệ sinh, gọi thế nào cũng đúng.

Dường như đối với cô giáo mầm non không bao giờ hết nỗi lo. Sự căng thẳng, mệt nhọc khi mỗi ngày đánh vật với gần 50 trẻ nhưng không để mất đi tình yêu trẻ, yêu nghề trong tôi. 

Bởi tôi thích được mặc chiếc áo dài vào những dịp lễ. Tôi thấy vui khi các con ngô nghê gọi mình là "mẹ Trang". Được làm nghề mình thích, mình yêu, tôi cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa, xao xuyến khi nghe bài hát "Tâm tình cô giáo mầm non"…

Mỗi người đều có lý do của riêng mình khi bước chân vào cái vạch gọi là chọn nghề. Tôi nhận ra, bất cứ nghề nào cũng phải có tình yêu. Nhưng đối với cô giáo mầm non, trên hết còn cần phải yêu trẻ và có bản lĩnh thực sự. 

Với tôi, cô giáo mầm non cũng giống như người trồng cây. Tôi vẫn có một ước mơ, hơn cả ước mơ của một cô giáo mầm non, đó là làm sao để vận động trẻ được đến trường…

Tôi nghĩ hôm nay mình đang trồng những cái cây đầu tiên và tôi tin những cái cây nhỏ xíu ấy sẽ lớn lên, xanh tươi, sẽ đơm hoa kết trái. 

Dẫu biết rằng hiện nay có bao nhiêu "cơn bão" đang đổ dồn về nghề giáo, người ta nhìn cô giáo mầm non với một ánh mắt thiếu thiện cảm, ít nhiều vơi bớt niềm tin. Để làm tròn vai, đối với mọi cô giáo mầm non thật không dễ dàng gì, nhưng tôi luôn có niềm tin vào chính mình và tôi biết mình đã đúng.

Cảm ơn nghề đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cảm xúc và những yêu thương, trách nhiệm trong công việc…

Mời dự thi viết Mời dự thi viết 'Tôi chọn nghề', nhiều giải thưởng hấp dẫn

TTO - Cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận bài dự thi từ nay đến 21-01-2018 với giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác đang chờ bạn.

Cảm ơn nghề cô giáo mầm non cho tôi nhiều cảm xúc - Ảnh 3.
TRỌNG THỨC (Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên