27/08/2019 11:02 GMT+7

Âm thanh đếm tiền

TRẦN THỊ NGỌC HÂN
TRẦN THỊ NGỌC HÂN

TTO - Một ngày, hơn mười chủ nợ tới đòi. Đứa bé mới 12 tuổi như tôi buộc phải hiểu đồng tiền là gì. Nó là nguyên nhân người ta mạt sát ba má tôi, là ba đứa em tôi đói lả vì không có tiền dù chỉ vài ngàn đồng mua gạo!

Âm thanh đếm tiền - Ảnh 1.

1. Tôi sinh ra và lớn lên tại làng biển ven TP Nha Trang, nơi bọn trẻ từ nhỏ đã quen sóng gió. Tuổi thơ êm đềm đến năm 11 tuổi, tôi bắt đầu nếm trải nghèo khó và bị coi thường. Làm ăn thất bát, tài sản gia đình đội nón ra đi. 

Tôi dần biết việc ba má đi cầm từng món đồ trong nhà, và cũng hiểu kẻ đi đòi tiền góp "xã hội đen" thế nào. Họ đập phá và bấu xiết con nợ ra sao. Má tôi phải vay mượn và chạy đủ cách để trả lãi nợ và gồng lưng lo từng miếng ăn cho đàn con.

Ba tôi - người đàn ông đi biển bản lĩnh, trụ cột gia đình. Nhưng sau thất bại, ông không vượt qua được cảm giác tay trắng. Ông tìm đến rượu bia, đánh đập vợ con thường ngày. 

Hai chị gái tôi không chịu nổi đành phải nghỉ học đi làm công nhân khi tuổi vị thành niên để kiếm miếng ăn và đỡ đần cho má tôi trả lãi nợ nhưng cũng không thấm vào đâu.

Tôi nhớ những ngày ba má đi trốn nợ, tôi phải ở nhà với mấy đứa em. Một ngày, tôi đếm hơn mười chủ nợ tới đòi. Đứa bé mới 12 tuổi buộc phải hiểu đồng tiền có nghĩa gì. Nó là nguyên nhân những lời mạt sát dành cho ba má tôi. 

Không có nó dù chỉ một vài ngàn đồng mua gạo, ba đứa em tôi đói lả cả ngày. Những đêm mưa gió bão bùng, sóng biển đánh vào tận sân nhà, tôi rất sợ ma nhưng phải thức không dám ngủ, vì ngóng ba má trốn đâu đó sẽ về đột ngột trong đêm và thì thào gọi tôi mở cửa.

Tôi từng ước gì mình sinh ra đã khổ để thấy cái sự khổ nào cũng bình thường. Sau này lớn lên, tôi hiểu do tuổi thơ đủ đầy nên khi đột ngột đối diện cùng cực nghèo khó và sự coi thường từ họ hàng, láng giềng, tôi đã chịu cú sốc đến trầm cảm.

TRẦN THỊ NGỌC HÂN

2. Suốt những năm học cấp II và cấp III, tôi phải cố gắng vượt qua cái đói, cái khổ mà học. Tôi cố hết sức để có thể đến trường. Ba má tôi không thể lo cho tôi được bao nhiêu, kể cả một phần tiền học phí sau khi trường đã giảm. 

Quần áo, cô giáo cho. Sách vở, tôi xin lại học. Tiền học phí, cô giáo cho mượn đóng đầu năm. Cuối học kỳ tôi cố giành học bổng để trả lại cho cô.

Những lời tôi viết ra thật sự không thể nào diễn tả hết được bao đắng cay của thời gian đó đối với gia đình và riêng tôi. Tôi đã cố đến trường bằng mọi giá dù ba má kêu tôi nghỉ học vì ăn còn không có.

Mùa hè 2004, tôi nhớ mãi tiếng thở dài của má khi tôi báo: "Con đậu đại học rồi, khoa hóa, Đại học Khoa học tự nhiên". Sau đó ba má phải vay mượn 1 triệu đồng đóng học phí học kỳ đại học đầu tiên của tôi. Và đó cũng là lần đóng học phí duy nhất trong suốt những năm đại học mà gia đình có thể lo cho tôi.

Suốt học kỳ 1, tôi không thể học hành đàng hoàng vì luôn nghĩ tới lời má: "Không học được thì về, gia đình không có tiền gửi cho con"! Tôi day dứt đi học đúng hay sai? Không biết bao lần tôi phải đấu tranh giữa từ bỏ và tiếp tục học. 

Lịch học năm ấy cả ngày từ thứ hai đến thứ bảy, tôi lại ở trọ trong khu ký túc xá A10, làng đại học Linh Trung. Hồi ấy, quanh nơi này vắng vẻ và nguy hiểm, sinh viên hạn chế ra ngoài ban đêm. Chiếc xe đạp cũng không có, tôi bế tắc không biết làm gì để kiếm được tiền dù ít ỏi.

Lay lắt gần hết năm học, bạn bè cùng phòng ký túc xá nhận ra sự bất thường của tôi dù tôi không thể cởi lòng vì sĩ diện. Biết tôi không có đến vài ngàn đồng để mua hộp cơm, cả bọn bảy đứa trong phòng đi mua cơm rồi bày ra ăn chung để tôi không phải ngại với ai.

3. Rồi ngày tôi lo nhất cũng đến! Hạn chót đóng học phí để có danh sách thi học kỳ 2. Trong khi bạn bè lo sách đèn, tôi thu mình, giả vờ ngủ. Quay mặt vào tường, nước mắt tôi không ngừng rơi, vì tôi biết sáng mai mình sẽ chính thức không có tên trong danh sách thi. Tôi còn không biết phải trở về nhà bằng cách nào.

Lúc đó, đột nhiên một bạn trong phòng lên tiếng: "Sao Hân không học bài?". Tiếng đứa khác lại vang lên: "Hình như Hân chưa đóng học phí. Tao nghe chiều nó khóc gọi cho má nó". Một khoảng lặng trong phòng. Tôi càng tủi thân, nước mắt đẫm mặt mà không dám lau!

"Hay bọn mình mỗi đứa góp một ít? Kêu thêm bạn phòng bên nữa. Bọn mình sẽ gom đủ tiền đóng học phí cho Hân". Cả bọn lập tức tán thành và lục lọi trong ví xem góp được bao nhiêu. Quả thật, âm thanh đếm tiền đó cả đời này tôi không thể nào quên! 

Khoảnh khắc khiến tôi không đủ dũng cảm nói với đám bạn là tôi đã nghe hết, nhưng tận thâm tâm tôi nhận ra mình có thể không sống cho mình, nhưng phải sống xứng đáng với các bạn ấy!

Năm ấy, tôi thi loại giỏi và được học bổng kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, tôi vẫn phải bỏ bớt giờ học để đi làm thêm mà xoay xở các năm sau. Nhưng dù thế nào, vì 1,3 triệu đồng học phí học kỳ 2 năm đó mà các bạn góp vào, tôi không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc.

Các bạn tôi ngày ấy giờ đã thành đạt và đa số ở nước ngoài. Tôi giờ cũng có sự nghiệp vững vàng và cuộc sống độc lập. Tự đáy lòng, tôi luôn nhớ mình nợ các bạn một lời nói thật rằng: "Ngày đó, mình không ngủ. Khoảnh khắc các bạn đếm những tờ tiền lẻ để giúp đã thật sự thay đổi đời mình".

photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1
Tôi sốc nặng khi bác sĩ kết luận cặp thiên thần sinh đôi của tôi đều tự kỷ Tôi sốc nặng khi bác sĩ kết luận cặp thiên thần sinh đôi của tôi đều tự kỷ

TTO - Tôi sốc nặng khi bác sĩ kết luận con tự kỷ, không phải một bé mà cả hai bé! Tôi bấn loạn, chới với, tim như bị ai bóp thắt lại! Trước đó, cặp thiên thần sinh đôi của tôi mạnh khỏe,bình thường...

TRẦN THỊ NGỌC HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên