Trong phát biểu ngày 1-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại rằng ông phản đối cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus. Nguyên nhân là nếu không được thao tác cẩn thận, tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở Nga.
"Tên lửa Taurus có tầm bắn 500km và nếu được sử dụng không chính xác, chúng có thể bắn trúng mục tiêu ở Matxcơva", Hãng tin TASS dẫn lời ông Scholz trong cuộc họp tại thành phố Dresden ở Đức.
Ngoài ra, thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng phải gửi quân nhân Đức đến Ukraine để đảm bảo kiểm soát việc sử dụng tên lửa Taurus. Tuy nhiên, điều kiện này có thể được loại trừ.
"Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tham gia vào xung đột. Tôi cho rằng đó là điều không thể", ông Scholz kết luận.
Trước đó, ông Scholz từng tuyên bố không gửi tên lửa Taurus đến Ukraine, cũng vì lý do không muốn đưa Đức vào xung đột.
Ngày 22-2, Quốc hội Đức (Bundestag) đã ủng hộ một nghị quyết do liên minh Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) đệ trình, kêu gọi cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Văn kiện này nói rằng sự hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine liên quan đến việc "cung cấp thêm các hệ thống vũ khí và đạn dược tầm xa cần thiết" để cho phép Ukraine thực hiện "các cuộc tấn công có chủ đích vào các mục tiêu chiến lược quan trọng nằm sâu trong phòng tuyến" của các lực lượng Nga.
Cùng ngày, Busdestag bỏ phiếu bác nghị quyết cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev. Một thập kỷ trước, lực lượng vũ trang Đức được trang bị khoảng 600 tên lửa Taurus.
Taurus được so sánh với tên lửa tầm xa Storm Shadow của Vương quốc Anh. Anh và Pháp đã gửi Storm Shadow và Scalp cho Ukraine, nhưng Taurus của Đức thì có phạm vi hoạt động xa hơn 2 loại tên lửa này.
Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, và đang tăng cường hỗ trợ hơn nữa trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận