Bản thân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đứng đầu là Tổng thư ký Jens Stoltenberg, cũng như lãnh đạo Anh, Đức, và Mỹ, đã khẳng định hiện nay không có kế hoạch đưa lính trực tiếp tham chiến tại Ukraine.
Đây là sự phủ nhận đối với phát biểu gây sốc "không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine" của Tổng thống Pháp Macron tại một hội nghị thượng đỉnh đầu tuần này ở Paris, nơi lãnh đạo các nước phương Tây bàn chuyện hỗ trợ Ukraine.
Phát ngôn của ông Macron bị cho đã gây bối rối và khó chịu cho đồng minh. Và sau khi có lời giải thích từ chính quyền Pháp, hôm 29-2, một lần nữa ông Macron nhấn mạnh mình không hề lỡ lời. "Đây là vấn đề nghiêm trọng. Mỗi lời tôi nói ra về chuyện này đều được cân nhắc, suy tính kỹ lưỡng", ông nói khi dự sự kiện khánh thành làng Olympic gần Paris.
Việc tổng thống Pháp cương quyết "nghiêm túc" với kịch bản lính NATO tham chiến ở Ukraine có thể tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi. Nhưng ông thực sự đã nói gì, và động cơ cho việc phát biểu ấy là gì?
Thảo luận tự do và trực diện
Kịch bản "lính NATO tới Ukraine" được ông Macron nhắc tới sau khi chủ trì hội nghị ở Paris nêu trên. Chủ đề trọng tâm của sự kiện ấy là thảo luận xung quanh việc tăng tốc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Trong bài bình luận về vấn đề này, chuyên gia của Guardian (Anh) dẫn lời một số người tham gia tiết lộ rằng các lãnh đạo dự họp thực sự có trao đổi về khả năng các lực lượng quân đội phương Tây đóng vai trò nào đó ở Ukraine. Mặc dù vậy, vai trò này không bao gồm nhiệm vụ tác chiến.
Sau cuộc họp báo kết thúc sự kiện, ông Macron đưa ra hai thông điệp mạnh mẽ: (1) "Chúng tôi tin rằng thất bại của Nga gắn liền với sự ổn định và an ninh ở châu Âu"; và (2) "Chúng tôi quyết tâm làm mọi thứ" để giúp Ukraine thắng thế.
Guardian lưu ý việc ông Macron nhắc tới lính NATO tham chiến thực chất là đáp lại một phát biểu của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đề cập tới nội dung mà ông cho là "sởn gai ốc" trong một bản thảo được bảo mật. Trong tài liệu ấy có nói tới khả năng một số đồng minh Liên minh châu Âu (EU) và NATO gửi binh sĩ sang Ukraine.
Ông Macron đáp lại lời ông Fico, nói rằng chủ đề trên đã được thảo luận "tự do và trực diện". Tổng thống Pháp nói thêm rằng chưa có sự đồng thuận nào về việc gửi lính mặt đất tới Ukraine, nhưng "không nên loại bỏ khả năng nào". "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để Nga không thắng cuộc chiến này", ông nói.
Không ai dám chắc về tương lai
Nhiều người hiểu rằng những gì ông Macron nói hôm đầu tuần ít nhất khẳng định đã có thảo luận về khả năng NATO đưa lính tới Ukraine. Ý thứ hai được hiểu là quân nhân phương Tây vốn đã có mặt ở Ukraine cho những nhiệm vụ chưa được tiết lộ.
Lâu nay, các nước đồng minh của Ukraine đều hạn chế hiện diện binh sĩ ở quốc gia này. Ví dụ khi Đức từ chối đưa tên lửa Taurus sang Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz lý giải rằng việc cung cấp tên lửa sẽ kèm theo sự hiện diện của lính Đức, những người làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Hôm 29-2, khi ông Macron khẳng định lại lần nữa rằng ông có suy xét kỹ lưỡng với phát biểu của mình, chuyện đưa lính NATO tới Ukraine (dù làm bất kỳ nhiệm vụ gì) có vẻ là điều ông thực sự muốn thảo luận.
Dư luận đã nói nhiều về nghi vấn ông Macron "chọc ngoáy" người Đức tại Paris về vấn đề hỗ trợ cho Ukraine. Và điều này vô tình phần nào chứng minh ông thực sự nói về chuyện đưa lính tới tham chiến.
Cụ thể, không nhắc tên nước Đức, ông Macron cho rằng cách đây hai năm, nhiều nước từng nói không bao giờ đưa máy bay và tên lửa tầm xa cho Ukraine, nhưng giờ mọi thứ đã khác. Điều này giống như ý tưởng đưa lính NATO sang Ukraine bị phản bác mạnh mẽ nhưng tương lai không ai dám chắc.
"Để tôi nhắc lại hai năm trước một số người ngồi đây đã nói 'Chúng tôi sẽ gửi túi ngủ và nón bảo hiểm'", ông Macron nói, và đối tượng được cho là Đức, quốc gia từng bị chế giễu khi đề nghị cung cấp 5.000 nón bảo hiểm cho Ukraine hồi năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận