01/03/2024 08:55 GMT+7

Thế khó của Ukraine

Ukraine đang ở vào tình thế khó khăn ngay trong đầu năm 2024. Khó khăn không chỉ trên thực địa mà còn cả trên mặt trận ngoại giao khi một loạt nỗ lực đối ngoại gần đây của Tổng thống Zelensky chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Các quân nhân Ukraine chiến đấu ở gần thị trấn Bakhmut (Donetsk) vào ngày 28-2 - Ảnh: Reuters

Các quân nhân Ukraine chiến đấu ở gần thị trấn Bakhmut (Donetsk) vào ngày 28-2 - Ảnh: Reuters

Trong hai tháng đầu năm nay, ông Zelensky như một con ong cần mẫn liên tục đi tới các nước - từ Đức, Thụy Sĩ, Pháp cho đến Saudi Arabia - để kêu gọi ủng hộ tài chính cũng như vũ khí cho Ukraine.

Ông hiện đang có mặt tại Tirana, thủ đô Albania, để gặp mặt các lãnh đạo Đông và Nam Âu từ Albania, Serbia, Bắc Macedonia, Kosovo, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Croatia và Moldova.

Tận dụng mọi điều có thể

Trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine và các quốc gia Đông Nam Âu ngày 28-2, ông Zelensky nói: "Chúng tôi quan tâm đến việc hợp tác sản xuất với các bạn và tất cả các đối tác của chúng tôi". Ông thừa nhận "chúng tôi nhận thấy có vấn đề trong việc cung cấp đạn dược. Điều này ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường". Ông Zelensky thú nhận Ukraine đang gặp khó và tình hình không đơn giản.

Việc quay sang các nước thuộc Liên Xô cũ để cùng hợp tác sản xuất vũ khí cũng là một sáng kiến "tận dụng hết mọi cái có thể" của Kiev để khắc phục tình trạng thiếu thốn vũ khí hiện nay trong khi Quốc hội Mỹ vẫn đang chặn nguồn viện trợ mới cho Ukraine.

Các quốc gia Đông Nam Âu không có nhiều nguồn lực để viện trợ rộng rãi, nhưng lại có nền tảng sản xuất vũ khí, chẳng hạn như Serbia và Croatia - hai di sản của Nam Tư cũ. Ukraine hy vọng sự hợp tác này có ích trong bối cảnh cuộc chiến có thể kéo dài.

Còn trước đó, vào giữa tháng 2, ông Zelensky đã ký kết các thỏa thuận an ninh song phương 10 năm với các quốc gia giàu có ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp cùng các cam kết cụ thể về viện trợ vũ khí.

Ông Zelensky phát biểu tại Paris: "Ba thỏa thuận này... giúp tôi với tư cách là tổng thống tin tưởng rằng chúng tôi không đơn độc". Ông nói: "Điều rất quan trọng là chúng tôi có những thỏa thuận cụ thể với tất cả các đối tác của mình. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là giải pháp thay thế cho Mỹ, mà tất cả chúng ta đều cùng hợp lực với nhau".

Nga đang chiếm ưu thế

Tuy nhiên, luôn có một khoảng cách giữa các cam kết ngoại giao và thực tế. Các thỏa thuận an ninh này dường như chủ yếu nhằm gửi đi thông điệp đoàn kết lâu dài, còn hiện thực trước mắt thì Ukraine hiện rơi vào thế phòng thủ trong cuộc chiến, bị cản trở bởi nguồn cung cấp đạn dược thiếu thốn cũng như binh lính.

Trên chiến trường, lực lượng của Kiev hiện đang dần bị đẩy lùi ở miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine hôm 27-2 cho biết sau cuộc giao tranh dữ dội qua đêm, họ đã rút lực lượng khỏi hai ngôi làng nữa ở khu vực phía đông Donetsk gần thị trấn Avdiivka - nơi đã rơi vào tay Nga trong tháng 2 sau bốn tháng giao tranh.

Tính đến nay, Ukraine đã mất ngôi làng thứ ba chỉ trong vòng một tuần ở mặt trận phía đông. Ukraine cho biết họ đã rút khỏi các làng Sieverne và Stepove, cả hai đều nằm ở phía tây thị trấn Avdiivka thuộc phía đông Donetsk. Hôm 26-2, lực lượng Ukraine đã rút khỏi làng Lastochkyne.

Không dừng ở đó, phía Nga đang trên đà tiến chiếm thêm các vị trí khác. Ngày 29-2, Bộ Quốc phòng Nga nói với Hãng tin Interfax rằng quân đội Nga đã tiến vào làng Robotyne ở vùng Zaporizhzhia, phía nam Ukraine. Ngôi làng do Ukraine nắm giữ đã bị tranh giành khốc liệt trong mấy tháng qua.

Trước tình hình lực lượng Nga đang chiếm thêm nhiều địa điểm quan trọng ở phía đông Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập khả năng gửi lực lượng châu Âu tới Ukraine. 

Tuy nhiên, NATO và các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia cho biết không có kế hoạch triển khai quân trên bộ ở Ukraine sau khi người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng xung đột giữa Nga và các nước phương Tây sẽ khó tránh khỏi nếu điều đó xảy ra.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố mặc dù các thành viên của liên minh đã cung cấp "sự hỗ trợ chưa từng có" cho Ukraine nhưng "không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO hiện diện ở Ukraine".

Ý tưởng gửi quân NATO tới tham chiến ở Ukraine là điều không thể tưởng tượng, nhất là khi NATO tìm cách tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến rộng lớn hơn với Nga - cường quốc có vũ khí hạt nhân. Theo quy định của NATO, tổ chức này sẽ chỉ tham gia gửi quân nếu tất cả 31 thành viên đồng ý.

Ukraine chờ đợi, Nga xốc tới

Ukraine hiện đang phải cố gắng giữ trận địa trong khi chờ nguồn viện trợ mới đổ về. Còn với Nga, do sự vượt trội về số lượng quân và nguồn cung vũ khí, Matxcơva chiếm thế thượng phong trong vài tuần trở lại đây và họ đang muốn tận dụng điều này để giành thêm các chiến thắng trên mặt trận quân sự cũng như ngoại giao.

Kiev hiện chỉ còn mong thời gian trôi nhanh để mau nhận viện trợ, nhưng trước hết họ phải "cắn răng" trên chiến trường và tránh "suy sụp" quá nhanh.

Ông Macron khẳng định không lỡ lời chuyện lính NATO tới UkraineÔng Macron khẳng định không lỡ lời chuyện lính NATO tới Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây sốc khi nói về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine. Và ông lại nhấn mạnh từng lời mình nói ra về điều này đều được cân nhắc kỹ lưỡng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên