Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã trao đổi nội dung này tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 7-7.
Cần thiết đầu tư tuyến metro về các tỉnh
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết liên quan đến chủ trương nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt số 1 (metro số 1) về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh thành đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư, phương án tuyến.
Cụ thể, về phương án tuyến đoạn 1 (đoạn chung) sẽ từ ga bến xe Suối Tiên (đã xây dựng, thuộc tuyến metro số 1 TP.HCM), tuyến tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga Bình Thắng (ký hiệu S0) trước nút giao Tân Vạn trên địa bàn phường Bình Thắng (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đoạn này khoảng 1,8km.
Đây là ga “ngã ba” và từ đây hai tuyến nhánh độc lập sẽ chạy về địa bàn mỗi tỉnh. Tổng mức đầu tư đoạn này khoảng 2.973 tỉ đồng.
Đoạn 2 sẽ gồm 2 nhánh, nhánh 1 (hướng về Đồng Nai) với chiều dài khoảng 18,3km, đi trên cao, nhánh 2 (hướng về Bình Dương) chiều dài khoảng 29,55km, đi trên cao. Đoạn còn lại về cuối tuyến, chiều dài khoảng 13,3km sẽ bám theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương.
Về phương án tuyến, đoạn tuyến từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) đã nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ xem xét, tham mưu UBND TP.HCM các phương án phối hợp, hỗ trợ và tham gia, góp vốn đầu tư cần thiết. Đoạn này nhất thiết cần được đầu tư để tiếp tục triển khai các đoạn, nhánh tiếp sau.
Sở này cho rằng các đoạn tuyến từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) và các nhánh đi về Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao nên công nghệ xây dựng không quá phức tạp so với xây dựng ngầm. Điều này cũng giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Để phương án tuyến được triển khai hiệu quả, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương rà soát quy hoạch tuyến, vị trí các ga, depot, cần thiết điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
Đặc biệt cần nghiên cứu, dự kiến các khu vực phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng. Các địa phương cần tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các tuyến nhánh đường sắt đô thị trên mỗi địa bàn.
Hàng loạt đường sắt nối Đông Nam Bộ sắp triển khai
Cũng tại hội nghị, ông Lâm cho biết hiện tại khu vực TP.HCM mới có duy nhất tuyến đường sắt Bắc - Nam đang được khai thác với tiêu chuẩn “lạc hậu”.
Do đó, hàng loạt dự án đường sắt quan trọng đang được triển khai để tăng tính liên kết, phát triển vùng, gồm: Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (tuyến chở khách, có tính chất đường sắt đô thị nội vùng); Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Trong đó, với tình hình thực tế quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất thì tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang rất được kỳ vọng. “Giống như bài học của vành đai 3, có thể ưu tiên đầu tư công thay vì thủ tục ODA”, ông Lâm nói.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang tiếp tục cho nghiên cứu thêm các phương án kết nối đường sắt giữa các cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cập nhật trong việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM
Lãnh đạo sở này cho rằng hệ thống đường sắt chưa phát triển bởi các địa phương chưa quan tâm quy hoạch đô thị, ví như đường sắt Bắc - Nam cũng chưa gắn với quy hoạch đô thị. Do đó các tỉnh cần quan tâm việc rà soát quy hoạch gắn với quy hoạch vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận