13/12/2020 09:52 GMT+7

Điều giật mình về sách

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)

TTO - "Chị ơi, sách của chị làm em thèm đến thăm Việt Nam quá đi!" - một bạn đọc ở Mỹ nhắn tin cho tôi hôm qua.

"Em vừa đọc sách, vừa tra Google về sự tích hồ Hoàn Kiếm, về kem Tràng Tiền, phở, bánh cuốn..., về những địa danh Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang... Em lên lịch rồi, khi hết dịch COVID, em sẽ sang Việt Nam để ăn những món ăn đó, thăm những địa danh đó".

Tôi lặng người khi nhận được những dòng tin nhắn.

Nhiều năm qua, trong vai trò dịch giả, tôi từng mơ có cơ hội giới thiệu Việt Nam như một nền văn hóa. Từ tháng 3 năm nay, với tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Anh The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang) ra đời, tôi đã có gần 100 buổi nói chuyện trực tuyến với bạn đọc trong các sự kiện được các nhà xuất bản, nhà sách, thư viện, trường đại học, câu lạc bộ sách... tổ chức. Và nhiều điều thấy được trong các buổi đó khiến tôi không khỏi giật mình.

Điều thứ nhất là bạn đọc quốc tế ít biết về văn học Việt Nam quá. Họ có thể kể vanh vách các tác phẩm văn học của các nước châu Á như Nhật, Hàn, Malaysia, Ấn Độ... nhưng hầu như chưa hề biết tới các tác phẩm văn học Việt Nam. Tôi đã chuẩn bị sẵn danh sách các tác phẩm văn học Việt đã được dịch ra tiếng Anh để giới thiệu, nhưng danh sách đó quá ngắn. Tôi ngậm ngùi nhận ra rằng trong khi nhiều quốc gia xem việc giới thiệu văn học ra nước ngoài là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, Việt Nam chưa làm tốt công việc ấy.

Điều thứ hai là bạn đọc thế giới đọc nhiều quá. Rất nhiều người mà tôi gặp gỡ cho biết họ luôn đặt mục tiêu đọc mỗi năm trước thềm năm mới. Họ tham khảo trước danh sách các quyển sách được chờ đợi nhất của tháng/quý/năm do các tờ báo bình chọn rồi lên danh sách đọc cho riêng mình. Tôi tự hỏi trong nhiều người Việt thường lên kế hoạch du lịch, mua thêm đất, thêm nhà, thêm xe, đã có mấy ai lên kế hoạch đọc sách vào đầu năm? Và tôi giật mình khi nhìn vào các con số khảo sát: người Việt trung bình đọc mỗi năm một quyển sách, trong khi đó ở nhiều nước con số này cao hơn nhiều.

Điều thứ ba là phong trào đọc sách của thế giới rầm rộ quá. Có rất nhiều giải thưởng sách do bạn đọc bình chọn. Đơn cử là giải thưởng Goodreads, bầu chọn cho các quyển sách hay nhất trong năm, được đông đảo bạn đọc tham gia. Năm 2020, giải thưởng Goodreads vừa chọn ra những quyển sách hay nhất thuộc 20 hạng mục, nhận được 5.674.480 lượt bình chọn. Nhìn về Việt Nam, các giải thưởng dành cho các cầu thủ bóng đá, hoa hậu luôn nhận được sự hưởng ứng của công chúng, nhưng đến bao giờ chúng ta sẽ có một giải thưởng sách được hưởng ứng nhiệt tình và được quyết định bởi bạn đọc như Goodreads?

Tôi cũng đã gặp nhiều thầy cô giáo dạy văn ở các nước phát triển rất nhanh nhạy trong việc giới thiệu xu hướng đọc sách tới các học trò của mình bằng việc lập tức đưa vào chương trình giảng dạy các quyển sách vừa mới xuất bản trong năm. Ở nhiều gia đình, cha mẹ cũng dõi theo các quyển sách hay mới ra đời để mua về nhà đọc cùng gia đình. Văn hóa đọc được ươm mầm và thúc đẩy ở nhà, ở trường, ở xã hội. Người đọc khoe sách như tài sản quý của mình, nói về các quyển sách hay mà họ mua được một cách tự hào và nồng nhiệt không kém cách nhiều người Việt khoe tậu được những miếng đất đắc địa hay chiếc ôtô đời mới.

Từ những cuộc giao lưu giới thiệu sách của mình với bạn đọc, trong tôi cứ mong luôn gặp hình ảnh này ở khắp nơi và ở quê nhà: người Việt của chúng ta luôn nâng niu những cuốn sách trên tay.

Những người truyền lửa đọc sách Những người truyền lửa đọc sách

TTO - Thành viên của các câu lạc bộ (CLB) Sách và hành động như cánh tay nối dài của thư viện, giúp gia tăng lượt đọc - mượn thông qua nhiều hoạt động truyền thông độc đáo.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên