Ông Lê Hoàng trong một chương trình giới thiệu sách khuyến đọc cùng với các em thiếu nhi tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây là một nội dung hoàn toàn mới, với kỳ vọng những tiết đọc sách trong chương trình học đường sẽ góp phần cải thiện thói quen đọc của người Việt trong tương lai. Bởi nói như ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, người Việt vẫn chưa có thói quen đọc sách.
Với tư cách là người trực tiếp tập hợp ý kiến góp ý cho điều lệ trên, ông Lê Hoàng vừa dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề này.
Tiết đọc sách cần được học chính thức
* Ông có thể nói rõ thêm về bối cảnh ra đời ý tưởng đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa học đường, thưa ông?
- Từ cuối năm 2018, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM đã tích cực triển khai các hoạt động kích thích và tạo thói quen đọc sách ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Trong đó có cùng báo Tuổi Trẻ và các ban ngành tổ chức một số tọa đàm: Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? (19-4-2019), Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào? (27-8-2019) và lớp tập huấn về "Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường" cho gần 500 giáo viên tiểu học và THCS tại TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tại các hoạt động này, hầu hết ý kiến đều thấy là cần thiết phải đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của trường học nên chúng tôi tập hợp và kính chuyển các ý kiến nói trên đến Bộ GD-ĐT, với mong muốn những góp ý này có thể bổ sung nội dung đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường tại điều lệ mà bộ sắp ban hành.
Vừa qua Bộ GD-ĐT có chủ trương xây dựng tiết đọc sách tại thư viện, nhưng thật ra nếu chỉ đọc trong giờ chơi hoặc đọc qua một vài hoạt động đọc của thư viện thì không thể nào hình thành được thói quen đọc sách cho tất cả học sinh.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài. Do vậy Hội Xuất bản Việt Nam chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT đưa tiết đọc sách vào khung giờ dạy và học chính thức của thời khóa biểu, như các môn học khác hiện nay trong nhà trường, là vì vậy.
Tham khảo các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay nhiều trường tại Hà Nội, TP.HCM đã áp dụng khá thành công tiết đọc chính thức trong nhà trường của họ, chúng tôi đề nghị nên dành 15-30 phút đầu giờ học mỗi ngày hay bố trí ít nhất 2 tiết/tuần trong khung giờ chính thức tùy theo điều kiện của mỗi trường và phù hợp với các cấp lớp học cho việc hình thành chính thức tiết đọc sách trong nhà trường.
* Ông kỳ vọng gì khi thực hiện ý tưởng này?
- Tôi kỳ vọng nếu Bộ GD-ĐT thực hiện được việc đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính thức của nhà trường như kiến nghị trên, hẳn sẽ góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó thúc đẩy thói quen đọc trong cộng đồng phát triển cao hơn trong tương lai gần.
Trở ngại lớn nhất đối với việc đọc sách của các em vẫn là từ phía... người lớn, từ thói quen của cha mẹ, thầy cô. Cao hơn nữa là từ chính sách của ngành giáo dục, văn hóa. Mỗi năm chúng ta dành biết bao tiền của cho các dự án giáo dục, văn hóa nhưng hệ thống thư viện từ trường học đến cộng đồng vẫn nghèo nàn, cũ kỹ cả cơ sở vật chất và số lượng đầu sách.
Nhà văn Văn Thành Lê
Người Việt chưa có thói quen đọc sách
* Mặc dù đã có một số chương trình khuyến đọc nhưng tỉ lệ đọc sách của người Việt vẫn còn thấp quá. Theo ông, những yếu tố nào là cản trở chính cho việc đọc của người Việt?
- Như chúng ta đều biết, văn hóa đọc của người Việt rất thấp, tính số đầu sách trên đầu người hiện nay là trên 4 đầu sách/người/năm. Nếu không kể đến sách giáo khoa, giáo trình là công cụ học tập của học sinh thì con số chỉ là 1 đầu sách/người/năm. Rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Qua số liệu thống kê so sánh về thị trường tiêu thụ sách của 3 nước Việt Nam, Malaysia, Thái Lan năm 2017 (xem bảng) cho thấy dân số Việt Nam gần cả trăm triệu người nhưng sức mua sách chỉ hơn 1/3 của Malaysia với dân số kém 1/3 Việt Nam; và bằng 1/6 doanh số bán sách của Thái Lan, với dân số chỉ hơn 1/2 của Việt Nam. Như vậy, sức đọc của người Việt quá thấp so với hai nước ngay trong khu vực Đông Nam Á.
* Tại sao như vậy, thưa ông?
- Theo tôi, nguyên nhân chính là vì người Việt Nam không có thói quen đọc sách, một thói quen phải được hình thành từ khi còn trẻ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn các lý do khác như nêu trên chỉ là thứ yếu, không quyết định hay trở thành cản trở chính cho việc đọc được.
"Vì đọc sách chưa được quy định thành một hoạt động bắt buộc, có thời lượng cụ thể, nên nhiều trường học chưa thực sự coi trọng hoạt động này, hoặc có ý thức coi trọng việc phát triển văn hóa đọc, song lại không có thời gian để triển khai. Tôi cho rằng nền tảng để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường là xây dựng thói quen đọc và hướng dẫn kỹ năng đọc cho học sinh. Để thực hiện được điều này, có thể đưa đọc sách thành một chương trình hoặc tiết học chính thức trong nhà trường và hướng dẫn, đào tạo để giáo viên có thể thực hiện tốt chương trình đó".
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội)
"Việc nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho học sinh có thể thực hiện hiệu quả trong các tiết đọc sách, kết hợp đọc sách với làm sản phẩm, khuyến khích học sinh đọc và chia sẻ với bạn bè. Đối với học sinh, tiết đọc sách thực sự rất thú vị. Các em có thể thấy ngay ích lợi của việc đọc sách thông qua việc làm sản phẩm, được thoải mái chọn đọc những quyển sách yêu thích và chia sẻ với bạn bè. Cũng trong tiết đọc sách, giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận với nhiều thể loại văn bản khác nhau mà trong các tiết tiếng Việt các em chưa được làm quen. Đây chính là nấc thang đầu tiên để các em trở thành người đọc độc lập sau này".
Cô Trần Thị Ánh Ngọc (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận