20/09/2019 10:39 GMT+7

Điều gì khiến Thái Lan trở thành thủ phủ xe hơi châu Á?

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG

TTO - Không chỉ giá rẻ, chính sách hỗ trợ mua xe hơi thoáng, chính phủ Thái Lan đã rất chú trọng bảo vệ thị trường nội địa, và nhờ đó đã đưa nước này trở thành thủ phủ xe hơi châu Á.

Điều gì khiến Thái Lan trở thành thủ phủ xe hơi châu Á? - Ảnh 1.

một showroom xe hơi ở Thái Lan - Ảnh: CÔNG TRUNG

Ông Banja Junhasavasdikul - Chủ tịch điều hành Innovation Group, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện cao su và polymer cho ngành công nghiệp xe hơi hàng đầu Thái Lan - cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi của Thái Lan được hình thành đầu tiên từ thị trường nội địa.

Nói cách khác, nhờ bảo vệ thị trường này, xe hơi Thái Lan mới có thể đi xa như hiện nay.

Từ những năm 1990, khi chính phủ Thái bắt tay xây dựng ngành CNHT với một loạt chính sách. Việc đầu tiên là họ tăng thuế mạnh với xe nhập khẩu cũng như đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, đường xá.

Những tuyến đường trên cao với nhiều làn được hình thành nhằm giảm tắc đường, sẵn sàng cho các làn xe hơi số lượng lớn chạy trên đường.

Các siêu thị, chung cư khi lên kế hoạch xây dựng đều phải thiết kế có garage đậu xe; cây xăng muốn mở phải đủ rộng (bao gồm shop tiện lợi + toilet) để xe vào đổ xăng có thể dừng nghỉ ngơi...

Chính sách này nhằm đảm bảo những chiếc xe sản xuất tại Thái Lan được người Thái ưu tiên sử dụng và có nơi để chạy được.

Trong ngành sản xuất, cơ quan quản lý công nghiệp của quốc gia này còn tính thuế trên % linh kiện, phụ tùng nội địa hoá của chiếc xe ôtô.

Video Công nghiệp hỗ trợ xe hơi

Những bộ phận mà các nhà máy lắp ráp nhập khẩu tất nhiên vì thế thuế suất sẽ bị đánh cao. Chính nhờ chính sách này mà các nhà sản xuất xe hơi ở Thái luôn tìm cách nâng tỉ lệ nội địa hóa các xe lắp ráp, hòng cắt giảm chi phí sản xuất xe hơi.

Đây là nền tảng để đưa Thái Lan trở thành "Detroit của châu Á" ngày nay. Thậm chí ngày nay, khi người Thái đang đau đầu với nạn kẹt xe kinh doanh, chính sách khuyến khích người dân mua xe hơi, đổi xe hơi vẫn được chính phủ nước này duy trì.

"Chính phủ cho rằng tạo được thị trường nội địa thì các hãng xe mới có thể tồn tại được. Một khi tìm được đầu ra tiêu thụ sẽ kích thích nhu cầu sản xuất, kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ khác phát triển. Bằng chứng là chỉ có khoảng 20% các linh kiện phụ tùng sản xuất của các nhà máy trong ngành công nghiệp hỗ trợ xe hơi dùng để xuất khẩu, 80% còn lại là phục vụ các nhà máy sản xuất xe hơi trong nước", ông Banja Junhasavasdikul nói.

Vị chuyên gia này cho rằng các nhà sản xuất chuỗi công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan đều cho biết họ đang hướng đến thị trường Việt Nam như một điểm mới rất hấp dẫn các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới.

Với sự tăng trưởng phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây, nhu cầu mua xe hơi của Việt Nam rất cao, lượng tiêu thụ xe tăng nhanh chóng. Những hãng xe hơi lớn, xịn nhất trên thế giới đều hiện diện ở thị trường này.

"Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước tiên phải có thị trường nội địa. Không thể sản xuất rồi kỳ vọng xuất khẩu tất cả. Việt Nam đang có sức mua nhưng các chính sách thuế lại không ủng hộ người dân sở hữu xe hơi. Trong khi, hạ tầng vẫn là bài toán của Việt Nam", ông Banja Junhasavasdikul phân tích.

Mời độc giả tham gia Diễn đàn về Công nghiệp hỗ trợ ngành xe hơi Việt Nam.

Các ý kiến có thể nêu ra thực trạng, mong muốn, hay hiến kế về chiến lược, cách thực thi trong tư cách là nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia, doanh nghiệp, người dân…

Bài tham dự diễn đàn xin gửi về email phituan@tuoitre.com.vn.

Vì sao sinh viên hay bà bán hàng rong Thái Lan vẫn mua được xe hơi? Vì sao sinh viên hay bà bán hàng rong Thái Lan vẫn mua được xe hơi?

TTO - Giá rẻ, thủ tục đơn giản, nhiều hỗ trợ, ưu đãi khiến cho mua xe hơi ở Thái Lan thật dễ, ngay cả với một sinh viên mới ra trường hay một người bán hàng rong.

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên