Sản xuất tại Thaco - Ảnh: TT
Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các chính sách hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành ôtô.
Ông Hoài nói: "Trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn đầu tư và sự thay đổi các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các dự án sản xuất ôtô lớn, đặc biệt là các dự án ôtô điện. Do đó, nếu Nhà nước có các chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ôtô có thể tận dụng lợi thế".
Ông Trương Thanh Hoài - Ảnh: TL
* Các nước đều có nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho các ngành chế biến, chế tạo, trong khi doanh nghiệp Việt rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, vì sao, thưa ông?
- Các nước khi ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đều trong thời kỳ chưa tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng, nên có điều kiện bảo hộ và chính sách này vẫn tiếp tục đến nay, dù trình độ doanh nghiệp đã rất cao.
Ngược lại, Việt Nam hiện đã hội nhập quốc tế sâu rộng, mang lại cơ hội về thị trường, nhưng dư địa không còn nhiều để ban hành các chính sách thúc đẩy công nghiệp do các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong khi doanh nghiệp trong nước còn hết sức manh mún và nhỏ lẻ.
Dù vậy, việc ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ, tiếp cận với các chuỗi sản xuất toàn cầu là cực kỳ cấp thiết. Thực tế chất lượng các chính sách phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa cao, chưa thực sự phù hợp với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Các chính sách còn nhiều bất cập, dàn trải, chưa đúng nhu cầu, đặc biệt các DN công nghiệp khó tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai. Nhận thức về vai trò công nghiệp ở phần lớn địa phương cũng chưa cao và việc thực thi còn hạn chế, trong khi phát triển công nghiệp cần phải có chính sách và nguồn lực.
Chính phủ đang xây dựng các chính sách để đảm bảo một số lĩnh vực có tỉ suất lợi nhuận cao như bất động sản, nguồn tài nguyên, dịch vụ... vận hành theo cơ chế thị trường, minh bạch. Chỉ khi các lĩnh vực trên vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, lợi nhuận giảm, ngành công nghiệp chế tạo mới có cơ hội thu hút được nhiều sự quan tâm đầu tư của xã hội.
* Nhiều năm nay ngành công nghiệp ôtô vẫn loay hoay vì thiếu cú hích, nhiều doanh nghiệp sốt ruột với cơ chế, chính sách...
- So với các sản phẩm ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là các sản phẩm từ ASEAN, ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đang gặp bất lợi về giá thành do chi phí sản xuất cao hơn các nước từ 10 - 20%.
Có nhiều nguyên nhân như dung lượng thị trường nhỏ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chủ yếu nhập khẩu linh kiện ở nước ngoài... Tuy nhiên, thị trường ôtô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn, thị trường xe con dưới 9 chỗ tăng trưởng trung bình 20 - 30%/năm.
Vừa qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất ôtô với quy mô lớn. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025. Dù vậy, ngành ôtô Việt Nam vẫn còn non trẻ so với nhiều nước, nên cần nhiều chính sách đảm bảo khả năng cạnh tranh, trước mắt là tồn tại, sau đó mới phát triển như kỳ vọng Chính phủ đặt ra.
Mục tiêu chúng tôi giai đoạn tới là xây dựng các giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất ôtô giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với ôtô nhập khẩu.
Để mỗi ngành công nghiệp phát triển, vấn đề sống còn là phải có thị trường, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều quan trọng nhất là các chính sách phải ổn định, thống nhất trên quan điểm ủng hộ phát triển ngành. Cần tránh việc chính sách thường xuyên biến động khiến các doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dài hạn.
* Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện sản xuất trong nước?
- Trong năm 2018 và đầu năm 2019, sau khi giảm thuế, lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Dự kiến năm 2019 sản lượng nhập khẩu sẽ gấp đôi 2017, với 170.000 chiếc, chiếm hơn 50% thị trường ôtô trong nước. Nếu không có giải pháp kịp thời, ngành công nghiệp ôtô khó tồn tại trong giai đoạn tới.
Nếu tự sản xuất được linh kiện sẽ vừa góp phần giảm giá thành sản xuất ôtô, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cho ngành phụ trợ ôtô trong nước. Do đó, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng nhập khẩu, còn với phần giá trị linh kiện sản xuất trong nước sẽ không tính thuế.
Chính sách này nhằm mục đích vừa thúc tăng tỉ lệ nội địa hóa vừa thúc đẩy các doanh nghiệp ôtô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước. Khi giá xe giảm mới tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn để thúc đẩy sản xuất.
* Trong khi chờ chính sách thuế, Bộ Công thương sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ, thúc đẩy ngành này phát triển, thưa ông?
- Bộ Công thương đang chủ trì tiến hành khá hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hằng năm. Bên cạnh việc tận dụng sự kết nối, tạo sự lan tỏa của các DN FDI, phải có chính sách khuyến khích, thúc những doanh nghiệp trong nước có tiềm năng, tìm sản phẩm chủ lực để hỗ trợ, thậm chí mua thương hiệu nước ngoài để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa.
Bộ Công thương sẽ sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ xây dựng các vườn ươm DN với kinh phí hỗ trợ từ trung ương hoặc địa phương. Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở lắp ráp tại VN như Samsung, Toyota... để xúc tiến kết nối chuỗi giá trị.
Đặc biệt, sẽ kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, với mức bù lãi suất 3% trong khoảng thời gian dài hạn 10 năm. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp để hướng dẫn hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp, nâng cao vai trò, cải thiện sự phối hợp của địa phương với trung ương trong việc phát triển công nghiệp.
Chưa thu hút doanh nghiệp tham gia
Xưởng sản xuất của Công ty Tâm Hợp - Sóc Sơn - Ảnh: NGỌC AN
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thành lập mới chỉ chiếm hơn 12,3% tổng số DN thành lập mới trong năm 2018. Tính đến hết năm 2017, VN có khoảng 84.000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ cao hơn số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này của một tỉnh Kanagawa (Nhật), với hơn 60.000 DN chế biến chế tạo. Đặc biệt, trình độ và nguồn lực của DN rất hạn chế, chưa đến 20% số DN sử dụng sản xuất máy CNC (điều khiển bằng máy tính).
Theo ông Trương Thanh Hoài, việc khởi tạo DN công nghiệp chế tạo gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn so với các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Quá trình sản xuất công nghiệp mang tính dài hạn, thu hồi vốn chậm, tỉ suất lợi nhuận thấp... nên chưa khuyến khích và đánh thức được sự quan tâm của các DN cũng như tinh thần xã hội sản xuất của người Việt.
Làm gì để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?
Loạt bài về công nghiệp hỗ trợ ngành xe hơi đăng trên báo Tuổi Trẻ cho thấy còn rất nhiều điều cần phải làm nếu muốn phát triển ngành này. Việt Nam cần làm gì để có thể xây dựng được một ngành công nghiệp hỗ trợ, không chỉ với xe hơi, mà còn với nhiều ngành công nghiệp khác trong nước?
Tuổi Trẻ mở Diễn đàn về công nghiệp hỗ trợ ngành xe hơi, mời gọi bạn đọc tham gia. Các ý kiến có thể nêu ra thực trạng, mong muốn hay hiến kế về chiến lược, cách thực thi trong tư cách là nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia, doanh nghiệp, người dân... về ngành này.
Các ý kiến vui lòng gửi về email phituan@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận