Tại một nhà máy công nghiệp hỗ trợ ở "Detroit châu Á" của Thái Lan - Ảnh: CÔNG TRUNG
Việc sản xuất tại Thái Lan quá tốt để công ty nghĩ đến xây dựng hay mở thêm nhà máy sản xuất ở quốc gia khác trong khu vực ASEAN
Ông John Fuller, giám đốc nhà máy Guardian ở Thái Lan
Dự kiến đến năm 2020, quốc gia này sẽ sản xuất trên 3,5 triệu xe, nằm trong nhóm dẫn đầu trên thị trường sản xuất ôtô thế giới. Không có quyết tâm, Thái Lan khó có được kết quả này.
Kiến tạo một trung tâm mới
Cuối tháng 7-2019, chúng tôi đến tỉnh Chon Buri của Thái Lan - nơi được mệnh danh là "Detroit của châu Á" với sự hiện diện của các hãng xe hàng đầu thế giới như Toyota, Ford, GM, Honda, Nissan, Isuzu... Detroit (bang Michigan) vốn được xem là trung tâm sản xuất xe hơi của Mỹ, và Chon Buri cũng được ví von như thế.
Khu công nghiệp Chon Buri ở tỉnh Chon Buri cách thủ đô Bangkok 300km về phía đông có khoảng 1.000 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô trong ngành công nghiệp hỗ trợ xe hơi phục vụ trong nước lẫn xuất khẩu đi khắp thế giới. Chon Buri chỉ là một siêu cụm công nghiệp ngành ôtô trong 6 cụm được Chính phủ Thái xây dựng bằng các chính sách ưu đãi thuế.
Khi chúng tôi bắt đầu kế hoạch tìm hiểu nền công nghiệp hỗ trợ ôtô Thái Lan, Tập đoàn Pongpara, nhà sản xuất các linh kiện phụ tùng cao su và nhựa chính xác, được những người am hiểu trong ngành gợi ý. Đó là nhà sản xuất số 1 của Thái Lan trong lĩnh vực này hiện nay.
Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, ông Songkiat Chinthanet, giám đốc nhà máy Pongara Condan Polymer ở Ban Bueng, tỉnh Chon Buri, tự hào giới thiệu đây là nơi sản xuất nhựa, tấm chắn bùn, gioăng, cánh lướt gió, hộp đựng hành lý... cho gần 30 hãng xe lớn trên thế giới.
Bước vào nhà máy với diện tích 78.000m2 và khoảng 400 công nhân đang làm việc, đập vào mắt chúng tôi là khu thành phẩm được đóng thùng, sẵn sàng giao cho khách hàng như GM Motor, Toyota, Honda, Suzuki... Mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 2 triệu sản phẩm, trong đó gioăng cao su được sử dụng quanh viền cửa ôtô là một trong những linh kiện được sản xuất nhiều nhất ở nhà máy này.
"Là nhà sản xuất phụ tùng gốc, nhà máy chủ yếu sản xuất theo đơn hàng của các doanh nghiệp, chỉ khoảng 20% sản lượng dùng để xuất khẩu, trong đó có cung cấp cho cả thị trường Việt Nam", ông Songkiat Chinthanet nói.
Tới một nhà máy sản xuất kính, ông John Fuller, giám đốc nhà máy Guardian (Khu công nghiệp tỉnh Rayong), cho biết hơn 50% sản lượng kính sản xuất ở nhà máy được phục vụ ngành công nghiệp xe hơi. Theo ông John Fuller, Thái Lan có một thị trường sản xuất xe hơi sẵn có, đó là điều kiện để Guardian quyết định đặt nhà máy tại đây và việc sản xuất tại Thái Lan quá tốt để công ty nghĩ đến xây dựng hay mở thêm nhà máy sản xuất ở quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, các hãng dời sản xuất về Thái Lan sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 8 năm. Tại thủ phủ sản xuất xe hơi Rayong, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm đến 50%.
Nội địa hóa cao, ưu đãi nhiều
Trong văn phòng chính của mình ngay trung tâm Bangkok, ông Banja Junhasavasdikul, chủ tịch điều hành Tập đoàn Innovation Group, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện cao su và polymer cho ngành công nghiệp xe hơi, tự hào cho hay ngoài hai nhà máy ở Thái Lan, hãng đã mở một nhà máy ở Việt Nam để đón đầu cơ hội thị trường khu vực.
"Lịch sử ngành công nghiệp ôtô Thái Lan bắt đầu từ thập niên 1960 khi chính phủ ban hành các chính sách hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy công nghiệp ôtô nội địa. Nhưng sự phát triển thực sự của ngành công nghiệp hỗ trợ xe hơi là những năm cuối 1990, sau khi Thái Lan muốn hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997", ông Banja Junhasavasdikul nói.
Thời điểm đó, để thoát khỏi suy thoái, chính quyền Thaksin đã đưa ra những chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển hạ tầng...
Trong ngành công nghiệp ôtô, công cụ thuế được chính phủ sử dụng triệt để. Thái Lan nâng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, Cục Phát triển công nghiệp liên tục tạo áp lực một cách hiệu quả để các hãng xe trong nước phải nâng tỉ lệ sản xuất nội địa hóa. Ưu đãi sẽ theo thực tế, tỉ lệ nội địa hóa càng cao thì ưu đãi càng nhiều.
"Nếu chúng tôi chứng minh được giá trị công nghệ cao gia tăng, tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm thì sẽ được Cục Phát triển công nghiệp tăng ưu đãi. Cứ 8 năm, các đánh giá này sẽ được thực hiện và đó là nền tảng để chúng tôi phát triển hiện nay, đủ sức không cần đến những ưu đãi nào nữa", ông Banja Junhasavasdikul chia sẻ.
Bài phân tích của ASEAN Briefing cũng nhấn mạnh một trong các yếu tố then chốt làm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp ôtô Thái Lan chính là các chính sách hỗ trợ của chính phủ, nhất là thông qua ưu đãi thuế, thuê đất và thủ tục.
Tầm nhìn phát triển "sếu đầu đàn"
Từ năm 2002, Viện Ôtô Thái đã thông báo kế hoạch 6 năm để biến quốc gia này thành "Detroit của châu Á". Từ năm 2000 đến 2017, sản xuất xe hơi của Thái tăng trưởng 383%, theo CNN.
Ngoài ra, trong suốt 3 thập niên Thái Lan áp thuế nhập khẩu 80% lên xe hơi và 60% lên xe máy để khuyến khích sản xuất trong nước, các công ty phân phối xe hơi gần như phải rút khỏi thị trường Thái Lan.
Song song với các chính sách ưu đãi, Chính phủ Thái Lan cũng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình hợp tác với Nhật Bản, thành lập các khu công nghiệp hỗ trợ, lồng ghép với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là chương trình phát triển liên kết công nghiệp.
Ông Banja Junhasavasdikul nói công nghiệp ôtô Thái Lan đã tạo được môi trường cạnh tranh cực kỳ sôi động giữa các nhà sản xuất phụ tùng gốc và "một mạng lưới các ngành công nghiệp hỗ trợ dày đặc".
"Chúng tôi không nhắm mắt sản xuất mà tự hào có bộ phận R&D chủ động đưa ra các thiết kế và tối ưu hóa các thiết kế từ đơn đặt hàng", đại diện Innovation Group nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận