Độ tuổi trung bình của những người nhiễm virus corona ở Ý là 81. Người già là người dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh do đó rất cần sự hỗ trợ của người trẻ - Ảnh: AFP
Khi dịch bệnh hoành hành ở châu Âu, truyền thông và mạng xã hội đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động thấm đẫm tình làng nghĩa xóm ở nhiều quốc gia, người trẻ sẵn sàng giúp đỡ người già. Sự tử tế và sẻ chia trong lúc hoạn nạn sẽ tiếp thêm niềm tin cho nhân loại vượt qua dịch bệnh.
Những mẩu giấy nhỏ "cháu tình nguyện đi chợ hằng ngày cho bác" đã làm ấm lòng người già ở Ý. Trong khi ở Đức, người dân kêu gọi hiến máu, tặng thức ăn và cho đi sự che chở để bảo vệ những người dễ bị tổn thương giữa dịch COVID-19.
Những tờ giấy dán ở Ý
Băng Trịnh, một du học sinh Việt đang sinh sống tại Ý, chia sẻ hình ảnh tờ giấy dán ở chung cư làm ấm lòng mọi người giữa mùa dịch.
"Gửi tới những người già hoặc ốm ở chung cư: thời gian này tốt nhất là nên ở trong nhà. Cháu sống ở tầng ba, tên là Flavia. Cháu là bác sĩ vật lý trị liệu, và cháu tình nguyện giúp bà con cô bác việc đi chợ hằng ngày (hoàn toàn miễn phí). Nếu bấm chuông cửa mà không thấy cháu ở nhà, xin các bác để lại tên trong hòm thư nhà cháu, cháu sẽ liên hệ lại ngay khi có thể".
"Xin chào, cháu là Giulia, sống ở khu C. Cháu là bác sĩ và cháu sẵn sàng giúp người già hoặc ốm đau cần đi chợ hoặc đi mua thuốc. Nếu ai cần giúp xin bấm chuông cửa tên Listanti Giulia, cầu thang C, nhà số 16. Cháu sẽ trả lời ngay nếu cháu có nhà".
Ngược lại, nhiều người lớn tuổi ở Ý cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ với những người trẻ đang du học tại đất nước này.
Anh Cavid Qelenderov, một người nước ngoài đang học tập tại Ý, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình một câu chuyện tử tế nhất anh từng gặp.
"Hôm qua tôi đi siêu thị. Do mua quá nhiều đồ đạc tôi đã nhờ một phụ nữ Ý trung niên cho tôi quá giang. Bà ấy quá tốt bụng, không những cho tôi đi nhờ mà còn hỏi tôi số điện thoại: "Có việc gì hãy gọi tôi. Tôi có một đứa con trai 14 tuổi, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khoảng thời gian khó khăn này, để đất nước chúng ta cùng vượt qua".
Điện thoại của tôi bị hỏng nên tôi không thể ghi được số của bà. Bà đã lấy số của tôi và nói sẽ gọi cho tôi. Nhưng vì ghi nhầm số nên bà không thể liên lạc được với tôi. Tôi tự hỏi sao mãi chưa thấy bà ấy gọi.
Hôm nay tôi thấy một tờ giấy dán ở ký túc xá. Tôi rất xúc động khi thấy tờ giấy này và ngay lập tức nhắn tin cho bà. Bà nói vì rất lo cho tôi nên bà đã đến ký túc xá của tôi. Người Ý thật nồng ấm, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Sự tử tế sẽ cứu thế giới này!" - anh Cavid Qelenderov viết.
Tờ giấy ghi “...Cháu là bác sĩ và cháu sẵn sàng giúp người già hoặc ốm đau cần đi chợ hoặc đi mua thuốc...” dán ở một chung cư tại Ý - Ảnh: BĂNG TRỊNH
Thách thức hàng xóm ở Đức
Đức hiện nằm trong top 10 nước bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19, với hơn 7.000 ca nhiễm đến nay. Các nhà lãnh đạo ở Đức từ Tổng thống Frank-Walter Steinmeier cho tới Thủ tướng Angela Merkel những ngày qua đều nhấn mạnh cần "sự đoàn kết", chăm sóc cho nhau, đặc biệt cho người già và người có bệnh nền dễ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giữa bức tranh u ám, truyền thông Đức đã phát hiện một góc tích cực làm ấm lòng người. Theo Đài Deutsche Welle, nhiều người đang chìa tay ra giúp đỡ hàng xóm của mình vượt qua khó khăn. Sử dụng hashtag #Nachbarschaftschallenge (thách thức hàng xóm), người dùng mạng xã hội ở Đức đang kêu gọi nhau giúp đỡ những người già/người có hệ miễn dịch yếu đi chợ hoặc làm những công việc khác.
Nguyễn Duy Linh, hiện đang du học tại Berlin, kể phong trào thách thức hàng xóm đã nở ra trên toàn nước Đức. "Trong các tòa nhà, những người trẻ, sức khỏe tốt tự nhận lấy trách nhiệm đi chợ và mua sắm cho những người lớn tuổi sống cùng để những người này có thể tự cách ly ở nhà và giảm nguy cơ bị lây nhiễm cộng đồng" - Linh nói.
Ở đất nước khoảng 83 triệu dân này, người ta còn lập ra nhiều nhóm trên Facebook để cùng hỗ trợ nhau trong các khu phố. Còn có một số trang web như "Gegen den virus", nơi người ta có thể tải xuống và in ra apphich dán lên chỗ ở của họ. Thông qua những tấm apphich này, những người hàng xóm có thể thông báo cho nhau biết ai đang sẵn sàng hỗ trợ.
Người Đức cũng kêu gọi nhau san sẻ miếng ăn giữa lúc khó khăn. Vì tình hình nhiều người dân đổ tới các siêu thị vét sạch thực phẩm và nhiều tổ chức nhận được số lương thực quyên góp ít đi, Jochen Brühl - người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng thực phẩm quốc gia Đức - đã kêu gọi người Đức hãy quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn.
"Bất kỳ ai nhận thấy mình đã mua quá nhiều lương thực đều được hoan nghênh khi liên hệ các ngân hàng thực phẩm và quyên góp thực phẩm" - Brühl nói.
Đảng Xanh của Đức cũng kêu gọi người dân quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm. "Những người nghèo khổ hiện đặc biệt phụ thuộc sự đoàn kết vào lúc này" - các lãnh đạo của đảng này nhấn mạnh. Nhiều nhóm được lập trên mạng xã hội cũng kêu gọi mọi người san sẻ lương thực.
Trong khi đó, một số chi nhánh hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Đức đã kêu gọi người dân hiến máu "thậm chí trong lúc diễn ra dịch cúm và COVID-19". Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh nhiều người hiến máu ở Đức đang hủy các cuộc hẹn đã lên lịch trước, dẫn tới việc các bệnh viện thiếu máu từ những người hiến tặng để phục vụ điều trị.
Mọi thứ rồi sẽ ổn!
Không chỉ ở Đức, tại nhiều nước châu Âu khác, nhiều người đang chìa tay ra để dìu dắt nhau vượt qua dịch bệnh. Tại những ngôi làng nhỏ như Milagro ở miền bắc Tây Ban Nha, những người trẻ sẵn lòng giúp đỡ người già đang được khuyên ở lại trong nhà.
Jose Mari Cambras, một thành viên của hội đồng địa phương, chia sẻ: "Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo làm sao để họ không cần thêm gì nữa. Chúng tôi đi chợ cho họ và cũng đi tới tiệm thuốc giùm họ".
Tại Ý, người dân được yêu cầu ở lại trong nhà và chỉ ra ngoài vì những lý do chính đáng như công việc, mua thuốc men. Giữa lúc khó khăn, họ đã vực dậy tinh thần của nhau bằng những tiếng hát ngoài bancông hay những bức vẽ đầy lạc quan.
Người ta nhìn thấy ở nhiều cửa sổ, bancông treo những bức tranh do trẻ em vẽ có hình ảnh cầu vồng và dòng chữ "Andra tutto bene" (Mọi thứ rồi sẽ ổn) để động viên mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận