25/03/2020 13:23 GMT+7

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly

DUY LINH - NGUYÊN HẠNH
DUY LINH - NGUYÊN HẠNH

TTO - Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 14-4 sau khi ghi nhận thêm 172 ca nhiễm chỉ trong sáng 25-3. Tại Đức số ca nhiễm tăng thêm gần 4.200 người, lên 31.554 ca.

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 16h35 ngày 25-3

Singapore đe cho các đối tượng vi phạm lệnh cách ly hầu tòa

Bộ trưởng Nội vụ Singapore K Shanmugam thông báo những người vi phạm quy định không ra đường để tránh virus lây lan sẽ bị kết án tại tòa. "Tôi đã đưa ra hướng dẫn rất cụ thể. Đối với các trường hợp vi phạm đã được xác nhận, chúng tôi sẽ đưa ra tòa", ông tuyên bố.

Các quy định trên được áp dụng với tất cả du khách đến Singapore kể từ 22-3. Những đối tượng này buộc phải cách ly tại gia trong vòng 14 ngày.

Ông Shanmugam cho biết đã nhận được các báo cáo về việc du khách, đặc biệt từ Anh, đi ăn uống, tổ chức tiệc sinh nhật, tương tác với bạn bè và đi bar, club.

Nam Phi chuẩn bị phong tỏa ngày 26-3

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuyên bố nước này đang chuẩn bị thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 26-3, sau khi số ca nhiễm tại đây lên 709 ca.

Ông Mkhize nhấn mạnh lo ngại về ổ dịch tại tỉnh Free State. 5 người tham gia tụ họp tại một nhà thờ ở tỉnh này đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả đều trở về từ nước ngoài.

Ý phạt 1-5 năm tù người nhiễm bệnh không chịu cách ly

Ý vừa công bố các hình phạt mới đối với các đối tượng vi phạm quy định kiểm soát dịch của chính quyền. Trong đó, người dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể bị phạt từ 1-5 năm tù, hoặc phạt tiền 430-3.245 USD nếu không thực hiện cách ly. Ngoài ra các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị đóng cửa từ 5-30 ngày.

Quy định mới sẽ được xem lại mỗi tháng cho đến ngày 31-7. Chính quyền Ý cũng thông báo họ có thể siết chặt những quy định trên.

Ý hiện đang có 69.176 ca nhiễm cùng 6.820 trường hợp tử vong.

* Chủ tịch liên đoàn bệnh viện Pháp, Frederic Valletoux, cho biết số người tử vong vì COVID-19 ở nước này thực tế cao hơn con số được công bố. Nguyên nhân vì số liệu chính thức chỉ ghi nhận từ các bệnh viện mà không thống kê cả các trường hợp tại viện dưỡng lão và hộ gia đình. 

Pháp hiện có 22.304 ca nhiễm và 1.100 trường hợp tử vong.

* Số ca nhiễm virus corona chủng mới tại Nga đã tăng từ 516 lên 658 ca, theo công bố trên trang chính thức của chính phủ nước này ngày 25-3.

* Bộ Y tế Philippines ghi nhận 84 ca nhiễm mới và thêm 3 bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Như vậy, tổng số ca nhiễm của Philippines hiện là 636 và số ca tử vong là 38.

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hàn Quốc buộc người đến từ Mỹ cách ly 14 ngày

Quy định này được áp dụng kể từ ngày 27-3, theo đó những người có cư trú tại Hàn Quốc được cách ly tại nhà, còn lại buộc phải đến cách ly tại cơ sở của chính quyền.

Khách du lịch ngắn ngày cũng sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh và chỉ được phép ở lại nếu âm tính.

60.000 lao động nhập cư rời Thái

Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 25-3 cho biết khoảng 60.000 lao động nhập cư tại Thái Lan đã rời khỏi đất nước này, sau khi chính quyền đóng cửa các trung tâm thương mại và các hộ kinh doanh vào cuối tuần để đối phó với dịch. Các lao động nhập cư trên đến từ Lào, Campuchia và Myanmar, và đã trở về nhà hôm 25-3.

Thái Lan đã đóng cửa biên giới, yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa phần lớn các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Quốc gia này hiện có 934 ca nhiễm, cao thứ 2 Đông Nam Á.

Hơn 158.000 người Anh tình nguyện hỗ trợ chống dịch

Quốc hội Anh sẽ ngừng hoạt động trong vòng ít nhất 4 tuần kể từ ngày 25-4 để chống dịch. Ban đầu quốc hội Anh dự tính đóng cửa từ ngày 31-3, nhưng đã quyết định dời ngày nghỉ lên sớm hơn vì nguy cơ tăng cao.

Số ca nhiễm tại Anh hiện đang là 8.077 và số trường hợp tử vong là 422. 

Nước này đã kêu gọi 250.000 tình nguyện viên hỗ trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chống lại dịch bệnh. Hiện đã có hơn 158.000 người tình nguyện cùng chính quyền đối phó với dịch bệnh.

Malaysia thêm 172 ca nhiễm chỉ trong một buổi sáng

Trong một thông cáo được phát đi trưa 25-3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn quốc dự kiến hết hạn vào tháng này sẽ được kéo dài thêm 14 ngày, đến hết ngày 14-4 tới.

Quyết định được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận thêm 172 ca nhiễm mới chỉ trong sáng 25-3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.796, nhiều nhất Đông Nam Á.

Nhà lãnh đạo Malaysia cũng tiết lộ sẽ công bố một gói kích thích kinh tế với người dân là trọng tâm vào cuối tuần này.

* Số ca nhiễm tại Đức đã tăng thêm 4.191, lên 31.554 trường hợp, trong khi số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 36 người, lên 149 ca, theo số liệu từ Viện Y tế RKI của Đức.

* Chính quyền Đài Loan ngày 25-3 công bố thêm 19 ca nhiễm mới, toàn bộ đều đến từ nước ngoài. Tổng số ca nhiễm tại hòn đảo này hiện là 235.

* Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize thông báo số ca COVID-19 tại quốc gia của ông đã tăng từ 554 lên 709 trong ngày 24-3.

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly - Ảnh 3.

Phun khử trùng tại một khu chợ ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: REUTERS

Jordan bắt hơn 1.600 người vi phạm lệnh giới nghiêm

Một quan chức an ninh Jordan ngày 24-3 cho biết trong 3 ngày qua, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 1.600 người vi phạm lệnh giới nghiêm áp dụng trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước thời điểm lệnh giới nghiệm được triển khai thực hiện, Chính phủ Jordan đã khuyến cáo người dân rằng các trường họp vi phạm sẽ phải cách ly 14 ngày và có thể đối mặt với án phạt lên tới 1 năm tù. 

Tính đến ngày 24-3, quốc gia Trung Đông này ghi nhận tổng cộng 153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, riêng trong ngày 24-3 có 26 ca, chưa có ca tử vong.

Jordan ban bố lệnh giới nghiêm sau khi công dân nước này không tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng về hạn chế đi ra ngoài trừ trường hợp khẩn khấp để ngăn chặn dịch lây lan. Jordan đã triển khai quân đội giám sát việc thực hiện lệnh giới nghiêm trong toàn dân.

Nga sẵn sàng giúp Mỹ chống COVID-19

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 25-3 nhấn mạnh Matxcơva sẵn sàng hỗ trợ Washington chống đại dịch COVID-19 nếu cần thiết. 

"Các bộ kit xét nghiệm của Nga đã cho thấy chất lượng tốt ra sao khi được gởi tới Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã gởi sang cả Ý những bộ xét nghiệm này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong bối cảnh Mỹ liên tục kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài", ông Antonov lập luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In và đề nghị giúp đỡ về mặt xét nghiệm. Ông Trump cũng cam kết sẽ thúc đẩy Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ nhanh chóng cấp phép cho các bộ kit xét nghiệm virus của Hàn Quốc.

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỹ đạt thỏa thuận gói kích thích 2.000 tỉ USD

Các thượng nghị sĩ Mỹ và chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD để đối phó với các tác động của đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, ngày 25-3 xác nhận các nhà đàm phán đã đạt được thỏa thuận và gói kích thích mới sẽ “đổ nguồn hỗ trợ tài chính” cho người dân Mỹ. Cũng theo ông, việc bỏ phiếu thông qua gói 2.000 tỉ USD trên sẽ được thực hiện trong ngày 25-3.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, cho biết gói chi mới sẽ dồn 130 tỉ USD vào hỗ trợ các bệnh viện và dành 150 tỉ để hỗ trợ các cơ quan chính quyền từ cấp nhà nước đến địa phương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay Tổng thống Trump “chắc chắn” sẽ ký gói hỗ trợ này nếu cả Thượng viện và Hạ viện đều thông qua.

Sierra Leone ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở nước này như một biện pháp ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên Tổng thống Julius Maada Bio nêu rõ đây không phải là lệnh phong tỏa, và không ai được lợi dụng lệnh này để tích trữ hàng hóa, tăng giá hoặc có các hành vi vi phạm luật.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Cameroon Malachie Manaouda cho biết nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân là người mới trở về từ Ý.

Số liệu chính thức công bố mới nhất cho thấy Cameroon hiện ghi nhận 66 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên con số thực tế được cho là có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm của quốc gia Trung Phi này còn hạn chế.

Chính phủ Cameroon đã thực thi các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, như đóng cửa các trường học, nhà hàng và quán bar, tuy nhiên chưa áp dụng cách ly đối với những người nghi ngờ mắc COVID-19.

Chuyên gia Mỹ nhiễm bệnh sau khi tới Trung Quốc

Tiến sĩ W. Ian Lipkin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch thuộc Đại học Columbia ngày 24-3 (giờ Mỹ) tiết lộ trên Đài Fox của Mỹ rằng ông đã dương tính với virus corona chủng mới.

Cách đây vài tuần ông này đã tới Trung Quốc để nghiên cứu về loại virus mới chưa có thuốc điều trị và vắcxin phòng ngừa. Ông trở về Mỹ và tuân thủ nghiêm túc yêu cầu cách ly 14 ngày.

Dịch COVID-19 trưa 25-3: Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa, Ý bỏ tù người không chịu cách ly - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

18 y bác sĩ đồng viết đơn xin đi tuyến đầu chống dịch COVID-19 18 y bác sĩ đồng viết đơn xin đi tuyến đầu chống dịch COVID-19

TTO - 18 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đang làm việc tại khoa chấn thương chỉnh hình - thần kinh sọ não Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã đồng loạt ký tên vào đơn tình nguyện xin đến làm việc tại khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Huế.

DUY LINH - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên