Một số khuyến cáo về vấn đề này đã được đưa ra.
Các nguyên nhân gây mất mùi cấp tính
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây mất mùi cấp tính bao gồm: lớp niêm mạc mũi bị ảnh hưởng (như cảm lạnh, cúm, viêm mũi xoang cấp), và do chấn thương làm tổn thương não hay các sợi thần kinh khứu giác.
Mất mùi sau nhiễm siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất, lên đến 40% trường hợp. Có hơn 200 loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, trong đó chủng coronavirus chiếm tỉ lệ 10-15% theo các nghiên cứu trước đây. Do đó SARS-CoV-2 gây mất mùi không phải là điều quá ngạc nhiên.
Biểu hiện mất mùi cấp tính ở bệnh nhân nhiễm COVID-19
Khác với các loại virus khác, triệu chứng mất mùi cấp tính của nhiễm COVID-19 có thể không kèm các triệu chứng tại chỗ như nghẹt, sổ mũi hay các triệu chứng khác thường gặp như sốt, ho, đau họng.
Bệnh nhân thường than phiền không ngửi được mùi thức ăn, giảm vị giác hay các bà mẹ không ngửi được mùi khi thay tã cho con.
GS Clemens Wendtner, Bệnh viện Ludwig-Maximilians, Trường đại học Munich - Đức, nhận thấy rằng bệnh nhân mất mùi không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc có nghẹt mũi kèm theo hay không. Đa số bệnh nhân phục hồi khứu giác vài ngày hay vài tuần sau đó.
Các nhà lâm sàng trên thế giới ở các nước dịch lưu hành cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Ý, Đức, Iran, Mỹ đều nhận thấy có một tỉ lệ khá thường gặp bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng duy nhất là mất mùi.
Theo một bài báo trên tờ New York Times, có đến 30% trong số 2.000 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính ở Hàn Quốc (nơi xét nghiệm được làm rộng rãi nhất hiện nay) có triệu chứng chính là mất mùi, xảy ra ở các trường hợp bệnh nhẹ, tuy nhiên tác giả cũng không cho biết đây có phải là triệu chứng duy nhất hay không.
Các khuyến cáo hiện nay
Ở các nước dịch COVID-19 đang lưu hành với tỉ lệ nhiễm cao, triệu chứng mất mùi cấp tính được bắt đầu đề xuất để sàng lọc bệnh.
Trong một hướng dẫn mới đây ngày 21-3-2020 gửi cho các bác sĩ tai mũi họng ở Anh, GS Claire Hopkins - chủ tịch Hội Mũi học, cùng với GS Nirmal Kumar - chủ tịch Hội Tai mũi họng Vương quốc Anh - khuyến cáo rằng: mất mùi cấp tính cần được xem là yếu tố sàng lọc phát hiện bệnh ở những người không có triệu chứng nào khác để phát hiện sớm, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng. Ít nhất là Hội Tai mũi họng ở hai cường quốc là Anh và Mỹ đưa triệu chứng mất mùi vào phương pháp sàng lọc bệnh của họ đối với COVID-19.
Ở một số quốc gia, cũng như các bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính (sốt, ho, đau họng, sổ mũi), bệnh nhân bị mất mùi cấp tính được khuyến cáo nên tự cách ly tại nhà và gọi điện thoại đến các cơ sở y tế để được tư vấn. Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những bệnh nhân này được khuyến cáo tùy điều kiện của từng quốc gia.
Các bác sĩ, nhất là bác sĩ tai mũi họng, cần hiểu rõ vấn đề này để chủ động phòng ngừa, trang bị cần thiết để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân. Nội soi mũi họng chỉ được chỉ định khi cần thiết vì có thể gây hắt hơi, ho làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bệnh nhân nếu nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì không chỉ định nội soi mũi họng.
GS Claire Hopkins và GS Nirmal Kumar cũng khuyến cáo không nên sử dụng thuốc corticoid uống để điều trị trong giai đoạn này vì thuốc có thể làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân, dẫn đến nguy cơ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân, ngoại trừ các trường hợp có bệnh lý rõ ràng gây mất mùi như chấn thương, viêm mũi xoang mạn polyp mũi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận