23/01/2016 13:58 GMT+7

Đi sắm tết cùng công nhân

VŨ THỦY - TIẾN LONG (vuthuy@tuoitre.com.vn)
VŨ THỦY - TIẾN LONG (vuthuy@tuoitre.com.vn)

TT - Tết Bính Thân 2016 đã cận kề, công nhân ở các khu công nghiệp tranh thủ buổi tối không tăng ca đi mua sắm tết.

Chị Nguyễn Thị Hiền chọn mua quần áo cho ba con nhỏ tại khu chợ ở phường Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long
Chị Nguyễn Thị Hiền chọn mua quần áo cho ba con nhỏ tại khu chợ ở phường Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long

Đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân chưa bao giờ biết đến việc mua sắm ở siêu thị bình dân, càng không biết thế nào là trung tâm mua sắm. Chợ tết của nhiều công nhân là những quầy hàng di động đêm kéo ra lề đường, khuya kéo vô, những bạt quần áo chất đống lề đường, góc chợ.

Góp nhặt đón tết

Gần 19g, trên đoạn đường số 5, đường Lộ Tẻ ngay Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM trở nên tấp nập, những quầy hàng di động lần lượt được chủ hàng giăng ra ken kín hai bên đường.

Đủ loại hàng hóa: quần áo, giày dép, đồng hồ, mũ nón, gối nệm gần như đồng giá: quần áo trẻ em 100.000 đồng/3 cái, áo thun 35.000-50.000 đồng, áo khoác 50.000-100.000 đồng, giày dép trẻ em 25.000-35.000 đồng/đôi, đồng hồ 50.000 đồng/cái... 5-6 đường ngang, ngõ dọc quanh hai con đường này là những bạt, “cây” quần áo di động.

Những chiếc áo thun treo vào móc áo gắn phất phơ trên những cành phượng sà xuống bên đường.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quê Quảng Nam, công nhân một công ty sản xuất nguyên phụ liệu ngành may tại Khu công nghiệp Tân Tạo) cắm cúi lựa tới lui mấy cái áo thun 50.000 đồng.

“Mua được ba cái áo, ba cái quần rồi. 300.000 đồng được ba bộ đồ, khỏi mất công đi lòng vòng” - chị giơ bọc đồ ra khoe. Đây là đồ mua cho hai con trai - đứa lên 5, đứa mới được 3 tuổi - của chị.

Chị kể công ty chị làm ăn lương theo sản phẩm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, tiền thưởng tết chẳng có nên đâu dám tiêu xài hơn ngày thường. Nhưng tết đến cũng phải sắm sửa cho con cái có chút không khí tết, “vợ chồng mặc đồng phục công ty, gần tết có tiền sắm sau cũng được”.

Mọi hàng hóa ở chợ này đều không vượt quá con số 200.000 đồng, trừ mấy cái vali 230.000 - 250.000 đồng và đều có bảng giá, “sô” ra hết sự rẻ để hút người mua.

Những chiếc áo thun mỏng in màu sắc đủ kiểu chất đống trên những chiếc bạt trải dọc mép đường, ngay cạnh là tấm bảng 20.000 đồng/cái và còn kèm thêm chữ “bao đổi”.

Nhạc xuân xập xình xen lẫn những tiếng rao tiếu lâm được ghi âm phát loa khiến người nào mới tới chợ đều tủm tỉm cười: “Quần đùi 10.000, quần soọc 15.000 / Khỏi cắt, khỏi may / Rẻ hơn tiền công / Rẻ thấy ham luôn bà con ơi”.

“Quần áo trẻ em 35.000 một cái / Cho cu Tí, cu Tèo, cái Đèo, cái Đẹt / Cái nào cũng 35.000”.

Tay bồng con trai nhỏ 1 tuổi, tay dắt đứa khác tuổi lên 3 lếch thếch giữa mấy quầy hàng, chị Đào Hồng Phúc (25 tuổi, quê Quảng Ngãi, công nhân Công ty Pou Yuen) kể đã mua hết 1,2 triệu đồng nhưng cũng “mới chỉ sắm được cho hai đứa nhỏ vài bộ đồ, thêm cái vali để đựng đồ”.

“Chợ này “chặt chém” ghê lắm. Hồi nãy mua vali 250.000 đồng đem về trước. Giờ thấy một chị mua giống, hỏi thử thì họ mua có 230.000 đồng. Năm nay có thêm đứa nhỏ nên mua vali, chứ mọi năm xách bịch này bịch kia về quê” - chị bảo.

Cả gia đình nhỏ ở Sài Gòn, vợ chồng chị làm công nhân lương tháng chỉ chừng 10 triệu đồng, gửi con mỗi tháng đã 2,5 triệu đồng, tiền trọ 1,3 triệu đồng, tiền ăn cho cả nhà có hai con thơ nên chẳng còn dư dả.

Bà mẹ hai con tuổi còn trẻ nhưng trông như đã ngoài 30 với nhiều than vãn, chịu đựng:

“26 tháng chạp mới lãnh thưởng tết, nhưng mà chưa chắc đã có tiền nên đâu dám mua sắm cho vợ chồng. Làm cực rồi, nhận đồng tiền vẫn còn cực. Trả thưởng qua thẻ phải đi rút, chậm chân thì ATM nào cũng hết tiền, chạy vòng vòng mà không rút được”.

Gom góp yêu thương

Tại một khu chợ khác ở P.Tân Thuận Đông (Q.7, TP.HCM), 18g đèn lên sáng rực. Những quầy hàng quần áo, giày dép... bắt đầu dọn hàng dọc hai bên vỉa hè chuẩn bị đón những tốp công nhân đầu tiên rời Khu chế xuất Tân Thuận mua sắm sau một ngày làm việc.

Nhiều công nhân vừa tan ca, còn mặc nguyên bộ đồng phục công ty. Quần áo được xả ra đổ đống kéo dài hơn 1km. Từ khoảng 20g, công nhân ùn ùn đến chợ khiến không khí càng ồn ào, náo nhiệt.

Trong sạp quần áo xả đầy trên vỉa hè treo biển “sale 50%”, chị Nguyễn Thị Hiền (quê Phú Thọ, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận) chăm chú đảo tìm những chiếc quần áo vừa ý cho ba con, đứa lớn 8 tuổi, hai đứa sinh đôi chưa đầy 5 tuổi.

Ba đứa nhỏ thích thú, tranh nhau từng chiếc áo. Con nhỏ mừng rỡ, chị cũng vui theo: “Cả năm được lần tết nên cũng sắm cho con vài bộ áo quần mới cho chúng nó vui. Còn vợ chồng không có cũng chẳng sao”.

Vợ chồng chị Hiền xa quê vào Sài Gòn gần 13 năm, chị làm công nhân may mặc, còn chồng chạy taxi. Tính cả vợ chồng thu nhập tháng được hơn 10 triệu đồng. Ba con nhỏ nheo nhóc, năm cái tết đã qua anh chị chưa về quê, hai đứa con sau chưa một lần được gặp mặt ông bà nội, ngoại.

Năm nay anh chị cũng muốn về quê nhưng cuối năm tính toán chẳng dư dả mấy nên không dám về, một cái tết nữa anh chị lại lỡ hẹn với cha mẹ, người thân.

Khu trọ chị Hiền thuê trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) cũng như những khu trọ công nhân tha hương mưu sinh ở Sài Gòn, không khí tết chỉ đến chờn vờn ngoài đường ngõ.

Không về quê, vợ chồng chị tự nhủ thôi dành dụm để lo cho con cái tươm tất hơn, gom ít tiền gửi về biếu hai bên cha mẹ ăn tết.

Cận tết, chị ra chợ mua vài ký thịt, dưa muối, mấy cái bánh chưng công nghiệp, kẹo mứt ăn cho có cái gọi là tết, ngoài ra không mua sắm gì nhiều. Xa quê, anh em, bạn bè ít nên với gia đình chị mùng một đã hết tết.

Ở chợ đêm giá cả rẻ nhưng với công nhân, mọi thứ đều được tính toán chi li, cặn kẽ. Vợ chồng anh Huỳnh Phương, quê Quảng Ngãi, mải mê chọn đồ cho con gái 5 tuổi, đặt lên đặt xuống đến khi con gái gật đầu, nở nụ cười tươi.

Anh Phương kể vợ chồng anh gom góp toàn bộ tiền lương, thưởng về quê ăn tết. Vé xe đã gần hết khoản tiền thưởng nên ngoài mấy bộ quần áo cho con, một vài gói quà cho cha mẹ, xóm làng và dành chút tiền biếu cha mẹ, vợ chồng anh không mua sắm gì nhiều.

Anh khoe vợ anh đang mang thai, sẽ sinh vào gần tết. Toàn bộ tiền lương thưởng tết anh chị dành hết sắm sửa đồ cho đứa con sắp chào đời.

“Sắp có thêm đứa con, giờ dành dụm được đồng nào cất đó để sau này đỡ cực. Mọi thứ đều ưu tiên gom góp cho hai đứa con” - anh Phương thổ lộ

Chị Cúc - công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) - chọn mua đồ cho con gái  - Ảnh: Vũ Thủy
Chị Cúc - công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) - chọn mua đồ cho con gái - Ảnh: Vũ Thủy

Giọt nước mắt trong đêm

Một ngày cuối năm ở khu “chợ công nhân” Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện buồn. Mải mê lựa chọn quần áo, một lúc sau chị Nguyễn Thị Mai (quê Bến Tre) phát hiện mình bị mất điện thoại.

Gương mặt thất thần, chị Mai đảo tung hết đống quần áo để kiếm. Sau một hồi tìm không được, gọi điện cũng không liên lạc được, chị ngồi thẫn người ra rồi khóc òa khiến người xung quanh không khỏi mủi lòng.

Chiếc điện thoại được chị Mai mua chưa được một tháng từ khoản tiền dành dụm mấy tháng trời. Đi cùng chị Mai, chị Thủy (quê Quảng Ngãi) buồn rầu theo bạn. Chị Thủy kể hai người dự tính đi sắm đồ cho cả nhà từ lâu nhưng giờ mới gom đủ tiền nên rủ nhau đi mua.

Mai là chị cả trong gia đình có ba chị em. Lương hằng tháng ngoài chi tiêu trọ, sinh hoạt đều phải gửi về phụ cha mẹ nuôi em ăn học nên không dư dả.

Điện thoại hư, Mai cứ chờ đến tết có chút tiền lương thưởng để mua mới. Còn bao nhiêu tiền, chị tính mua cho mỗi người một bộ quần áo làm quà tết. Chưa kịp mua gì thì bị mất điện thoại.

Thấy bạn buồn, chị Thủy cũng không còn tâm trí mua sắm gì. Hai người lủi thủi đạp xe rời chợ đầy thất vọng. Một chút niềm vui tết giản đơn của nữ công nhân nghèo bị “cướp” đi trong chốc lát.

VŨ THỦY - TIẾN LONG (vuthuy@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên