Lớp ngoại khóa lý thuyết bóng đá dành cho trẻ em mùa World Cup tại Thư viện quốc gia Qatar - Ảnh: TR.N.
Các CĐV khắp thế giới đổ về đây tham quan bảo tàng, mua sắm tại những siêu thị hiện đại cao cấp nhất như City Centre ở khu tài chính West Bay hay chợ trăm tuổi Souq Waqif, xem triển lãm ở các bảo tàng và dự "hội hè miên man" ở Làng văn hóa Katara.
Dịp tìm hiểu văn hóa, con người
"Anh mua một vé giá 199 riyal sẽ được đi thăm mọi bảo tàng ở đây trong năm ngày!", cô nhân viên người gốc Cameroon đứng quầy thông tin trước Bảo tàng Quốc gia Qatar ở Doha đon đả gọi mời chúng tôi.
Thì ra mùa bóng đá Qatar có loại vé đặc biệt này dành cho những du khách trong quãng thời gian chờ các trận đấu của đội bóng mình thì có thể đi tham quan các bảo tàng đặc sắc như Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, Bảo tàng Ngọc trai, Bảo tàng 3-2-1 Olympic và thể thao Qatar, và cả... sở cứu hỏa (Fire Station) cũng mở cửa cho khách đến.
Có lẽ đây là nơi phòng cháy chữa cháy đẹp nhất thế giới, góp phần cho thấy khả năng sáng tạo của người địa phương khi bảo tồn và mở rộng sở cứu hỏa có mặt tiền tổ ong độc đáo thời kỳ đầu (giai đoạn 1982-2012) trở thành khu phức hợp khang trang có phòng triển lãm trưng bày nghệ thuật trong và ngoài nước, rạp phim, xưởng gỗ, quán cà phê.
Một buổi sáng, chúng tôi đến Trung tâm văn hóa Hồi giáo Sheikh Abdulla Bin Zaid Al Mahmoud là tòa nhà hình tháp cuộn rất đẹp, sừng sững uy nghiêm giữa thủ đô Doha.
Mùa World Cup, Bin Zaid rộng cửa cho du khách tham quan với triển lãm hiện vật, hình ảnh, VR (thực tế ảo) để giới thiệu vẻ đẹp của văn hóa Qatar.
"Chúng tôi có nhiều chủ đề và ý tưởng cho cộng đồng nói chung, hy vọng thu hút khách đến có thêm nhận thức và hiểu biết về thế giới Hồi giáo, đất nước con người Qatar", người quản lý ở đây nói.
Trong khi đó ở một bàn viết gần cửa ra vào, anh chàng nghệ sĩ Abdulaziz, 24 tuổi, cần mẫn viết "thư pháp" chữ Ả Rập lên giấy tặng cho mọi người. Mắt Abdulaziz sáng lên và cười tươi: "Ồ, anh đến từ Việt Nam à?" rồi viết liền chữ "Việt Nam" lẫn tên khách để gửi tặng.
Rất nhiều công trình xây dựng ở Qatar mang kiến trúc tuyệt mỹ, hiện đại ở lớp vỏ bề ngoài và bên trong thu hút người đến với đầy ắp thông tin, chiều sâu văn hóa về thế giới Ả Rập, vùng Trung Đông và sự phát triển phong phú, đa dạng của khu vực.
Msheireb ở trung tâm Doha là một khu vực cho thấy Qatar phát triển mạnh mẽ thế nào với kiến trúc đương đại bên cạnh phong cách truyền thống với các nhà thờ Hồi giáo màu trắng lấp lánh.
Nơi đây có một cụm bảo tàng lịch sử nằm trong các dinh thự kiểu Ả Rập trang nhã mà bạn sẽ hiểu thêm về đời sống gia đình Qatar (trong Radwani House), hay triển lãm về chế độ nô lệ trên toàn thế giới (trong Bin Jalmood House).
Thật thú vị khi Thư viện quốc gia Qatar lại là một điểm tham quan lý tưởng của các CĐV mùa World Cup.
Thư viện có kiến trúc tuyệt đẹp, chứa hơn 1 triệu cuốn sách (trong đó có một ngăn riêng dành cho các sách về Việt Nam) đang tổ chức triển lãm tranh vẽ về tám sân vận động đăng cai World Cup, lịch sử bóng đá Qatar và có cả những buổi học ngoại khóa sinh động dành cho trẻ em tìm hiểu về bóng đá, luật bóng đá...
Những phụ huynh người Việt nói với chúng tôi rằng: "Giáo dục rất được chú trọng ở Qatar".
Khi đến doanh trại tập luyện của các đội tuyển như Argentina, Tây Ban Nha, Hà Lan... trong Trường ĐH Qatar, chúng tôi mới thấy sự rộng rãi và tiện nghi mà nước này dành cho đào tạo các thế hệ.
Ngay cả sân vận động Education sau khi đăng cai World Cup xong sẽ không bỏ phí mà được cải tạo thành tổ hợp phục vụ các nhu cầu đa dạng cho giáo dục nước chủ nhà.
Các CĐV không phân biệt màu da, quốc tịch chung vui bên nhau mùa World Cup - Ảnh: TR.N.
Bốn phương trời về chung vui
Chị Nguyễn Thị Hương, người mẹ có hai con trai Gia Bảo (10 tuổi) và Gia Hoàng (8 tuổi) sinh ra tại Qatar, cho biết: "Sau khi các con thi xong và được nghỉ học suốt mùa World Cup diễn ra, tôi liền chở các con đi tham quan Làng văn hóa Katara đang trang hoàng rất đẹp và có nhiều hoạt động dành cho trẻ em".
Thật vậy, Làng văn hóa Katara vốn đã rất rực rỡ nay còn tổ chức lễ hội với 51 sự kiện chính, 300 sự kiện phụ với sự tham gia của 22 quốc gia, mang đến cho các CĐV từ khắp nơi trên thế giới đến Qatar mùa bóng đá sẽ thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn về nghệ thuật đường phố, khiêu vũ, âm nhạc, hội họa, triển lãm mỹ thuật, tem bưu chính World Cup, trình diễn văn hóa dân gian rất đa dạng trong suốt một tháng (từ 18-11 đến 18-12).
Dịp này Nhà xuất bản Katara cũng ra mắt 22 cuốn sách về World Cup, đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhiều người yêu thích thể thao.
"Một World Cup xích lại gần nhau" là cảm nhận của mọi người khi đến với Katara, nơi bạn có thể dự tọa đàm về năng lượng mặt trời do Đại sứ El Salvador trình bày đến triển lãm văn hóa Iran, chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế và các buổi hòa nhạc của nghệ sĩ đến từ Anh hay Argentina.
Người Qatar không chỉ phô diễn văn hóa của mình mà còn mời các quốc gia khác đến đây giới thiệu văn hóa nước họ trong một sự kiện đặc biệt như World Cup.
Báo chí Qatar ca ngợi các sân vận động, trạm metro, siêu thị và những điểm tham quan chính là nơi giao lưu văn hóa giữa các CĐV toàn thế giới. Hòa vào dòng người đi xem bóng đá mỗi ngày, chúng tôi không khỏi bị ảnh hưởng bởi tâm trạng phấn khích khi mới nghe nhóm CĐV Mexico hát rân trời thì tới lượt CĐV Saudi Arabia hô vang.
Vui nhất là CĐV đến từ Senegal, Cameroon, Tunisia... nhảy múa tưng bừng từ nhà ga tàu điện ngầm đến trước cổng các sân vận động.
Người bạn sống lâu năm ở Qatar nói với chúng tôi: "Những con hẻm nhỏ ở chợ Souq Waqif chưa bao giờ nhộn nhịp như thế, cũng như Qatar chưa bao giờ rộn ràng như thế".
World Cup 2022 là đòn bẩy lý tưởng để Qatar thúc đẩy chiến dịch thu hút khách du lịch từ mức trung bình 1,5 triệu người/năm lên 6 triệu người vào năm 2030.
Ông Sheikh Mohammed bin Hamad bin Qassim Al Thani (bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Qatar) nói: "World Cup lần đầu tiên ở Trung Đông và thế giới Ả Rập là những nỗ lực phối hợp quốc gia cho sự kiện lớn của thế giới nhằm tạo ra lịch sử.
Thành công này phản ánh sự phát triển văn minh, kinh tế và văn hóa cũng như sự thịnh vượng của Nhà nước Qatar. World Cup độc đáo này là dấu hiệu tươi sáng và là di sản lịch sử vững chắc cho tất cả công dân và người dân ở Qatar, đồng thời sẽ truyền cảm hứng cho những người hâm mộ World Cup và các thế hệ tương lai".
Bóng đá hàn gắn bất đồng
Tháng 6-2017, sự cố bất đồng khiến Qatar bị các nước láng giềng như Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập... cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại.
Còn đến World Cup này, người ta chứng kiến Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Iran... hưởng ứng sự kiện giải đấu tại Qatar bằng cách áp dụng visa nhập cảnh online đặc biệt dành cho CĐV có thẻ Hayya để tạo thuận lợi nhất cho mọi người di chuyển qua lại giữa nước đăng cai và láng giềng bằng đường hàng không, đường bộ lẫn đường biển. Cửa khẩu Abu Samra cách thủ đô Doha 120km về phía nam nườm nượp những chuyến xe chở CĐV Saudi Arabia sang Qatar cổ vũ đội nhà sau trận thắng lịch sử trước Argentina.
Không tốn xu nào tổ chức World Cup nhưng UAE lại hốt bạc doanh thu từ khách sạn, nhà hàng, cho thuê du thuyền, máy bay tư nhân và đón thêm cả triệu khách mùa này do CĐV có thể lưu trú tại Dubai rồi bay sang Doha xem bóng đá (chỉ 1 tiếng đồng hồ bay).
**************
Những công nghệ mới áp dụng cho một giải đấu đỉnh cao toàn cầu nơi sa mạc vùng Vịnh, và World Cup 2022 còn quan tâm đến giảm thiểu tác hại cho môi trường.
>> Kỳ tới: World Cup sạch như mơ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận